Mẹ&Con – Bỗng dưng một ngày, bé của bạn phát sinh tật “thích” cắn móng tay. Biết là tật xấu nhưng bạn không biết làm cách nào giúp bé cai được nó

Những tác hại của tật cắn móng tay nếu kể ra thì nhiều. Trước hết có thể kể đến sự ảnh hưởng của tật xấu này đối với sự phát triển móng nếu nó kéo dài, móng bị tổn thương, phơi bày lớp biểu bì dưới da, từ đó dễ gây nhiễm trùng tại chỗ. Không những vậy, cắn móng tay còn làm hại răng miệng, ảnh hưởng sức nhai, hoạt động phát âm, v.v.. Không dừng lại ở đó, động tác đưa móng tay lên miệng cắn của bé đã vô tình tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập vào hệ tiêu hóa của bé. Biết được tật cắn móng tay “đáng sợ” như vậy nhưng để giúp con cai được nó lại không phải chuyện dễ dàng. Những gợi ý sau đây hy vọng có thể giúp mẹ phần nào cản thiện tật xấu của con:

giúp bé cai tật cắn móng tay

(Ảnh minh họa)

– Giúp con giải tỏa tâm lý. Nếu để ý thì bạn sẽ thấy, ngay cả người lớn cũng cắn móng tay nếu gặp phải một chuyện gì đó khiến họ bối rối, lo lắng, suy nghĩ. Và bạn đừng ngạc nhiên nếu trẻ em cũng như vậy. Trẻ cũng gặp những vấn đề khiến bé bị áp lực hay ức chế. Tật cắn móng tay sinh ra như một điều tất yếu là cách giúp trẻ chống lại nỗi bất an ấy. Thay vì la rầy, quát nạt hoặc cấm đoán, phạt con để con bỏ “tật”, bạn nên thử tìm hiểu phần “gốc” của vấn đề.

Hướng sự chú ý của con vào một việc gì đó, nhất là những việc đòi hỏi phải vận dụng đến đôi tay như cắt giấy thủ công, chơi xếp hình. Bằng cách này, bé sẽ không có thời gian rảnh rỗi để cắn móng tay. Cách này thường khá là hiệu quả vì trẻ em không như người lớn, các bé sẽ khó mà tập trung vào một cái gì quá lâu; nếu có một thứ gì đó mới mẻ, hấp dẫn lọt vào tầm mắt của bé thì bé sẽ hướng sự chú ý vào nó ngay.

Giải thích cho con những tác hại của tật cắn móng tay, đồng thời khen ngợi con có những chiếc móng tay thật gọn gàng, xinh xắn. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy muốn giữ gìn những chiếc móng tay hơn, ít cắn chúng hơn. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà bạn chọn lời giải thích phù hợp, dễ hiểu nhất. Và bạn cũng cần lưu ý, đừng nên đem chuyện vi trùng, vi khuẩn ra để hù trẻ sợ, điều đó không tốt cho tâm lý trẻ và bé sẽ cảm thấy ghê sợ chính móng tay của mình.

Cắt móng tay thường xuyên cho bé. Đây là cách đơn giản và nhanh gọn nhất. Bằng cách này, bé sẽ chẳng còn móng để cắn. Trong một số trường hợp đặc biệt, mẹ có thể hỏi bác sĩ về một vài loại thuốc bôi ngón tay có vị đắng để giúp bé “cai” được tật này. Thật ra, cách này chỉ nên áp dụng trong trường hợp các cách trên không có tác dụng.

Tags:

Bài viết liên quan