1. Nên dẹp bỏ các “đôi guốc cao cao”
Ngay sau khi biết mình có thai, bạn có thể “tậu” liền cho mình vài đôi giày, dép mang ở nhà loại đế bằng, mềm mại, có khả năng nâng đỡ gót chân tốt. Suốt thời gian mang thai, trọng lượng thai làm bụng trở nên nặng nề dần. Ngoài ra, các hormon cơ thể tiết ra cũng làm căng các dây cơ bụng và giảm hoạt động của dây chằng. Vì thế, cơ thể người mẹ mất sự cân bằng tự nhiên. Đôi giày (hoặc dép) đế bằng, gót thấp, mềm mại, êm ái, sẽ giúp bạn thấy việc đi lại, di chuyển dễ dàng hơn.
2. Làm quen dần với động tác giữ thẳng lưng cả khi đứng lẫn khi ngồi
Khi mang thai, lưng phải chịu trọng lượng của em bé trong bụng nên bị khòm xuống. Thai càng lớn thì lưng khòm xuống càng nhiều và càng gây nên những cơn đau. Vì thế, bạn nên tập từ đầu tư thế giữ thẳng lưng “mọi lúc mọi nơi” để tránh mỏi. Nên chọn ghế ngồi làm việc vừa tầm, độ cứng vừa phải. Ngồi ở tư thế hai chân đặt trên sàn, đầu gồi vuông góc với mặt đất, bạn sẽ thấy lưng và bụng hoàn toàn thoải mái.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện một động tác yoga dễ thực hiện là ngồi xếp bằng thẳng lưng, thả lỏng cơ thể và hít thở sâu. Bằng cách này, những cơn đau sẽ được hạn chế rất nhiều. Lưu ý là nên thực hiện tất cả những điều này ngay từ tháng đầu tiên biết mình mang thai, chứ không phải đợi đến lúc bụng “vượt mặt” đâu nhé!
3. Tránh ăn các bữa quá no từ tháng thứ 5 trở đi
Từ tháng thứ 5, bụng bạn đã lớn, cơn đau lưng mỗi lúc một tăng cho đến tận ngày sinh. Bạn nên tập thói quen chia nhỏ các bữa ăn ra. Ăn nhiều bữa và mỗi bữa chỉ ăn vừa đủ, không quá no. Điều này tuy nhỏ, nhưng sẽ giúp bạn giảm bớt việc tăng thêm khối lượng không cần thiết cho mình. Bạn cũng nên đề nghị ông xã đưa đón (nếu còn phải đi làm) hoặc sử dụng taxi khi ra ngoài. Việc đó sẽ giúp bạn đỡ đau lưng hơn là tự mình đi xe máy.
4. Hạn chế khối lượng việc nhà, không mang xách nặng
Đặc biệt tránh các việc như tưới cây, xách nước, cúi người lau sàn nhà, ngồi lâu giặt đồ, rửa chén. Chỉ nên làm các việc nhẹ nhàng trong tư thế đứng hoặc ngồi trên ghế, thẳng lưng. Bạn cũng không nên ỷ y mà mang xách nặng. Khi đi chợ hoặc siêu thị, nên có xe đẩy, nhờ người khác đi cùng và xách thay.
5. Thường xuyên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ
Đi bộ, bơi nhẹ nhàng, yoga… là những bài tập rất tốt cho “bà bầu”, giúp tránh đau lưng. Bạn có thể “đề nghị” ông xã học một vài động tác xoa bóp vùng lưng khéo léo để giúp bạn thư giãn sau một ngày mệt mỏi. Ngoài ra, nếu thấy xoa bóp vẫn không khỏi, bạn nên thử cách chườm ấm, xoa dầu ở lưng. Khi lưng được “làm nóng”, cảm giác đau sẽ giảm bớt. Chú ý tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc giảm đau lưng hay vitamin mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ
6. Thay đổi tư thế nằm
Bạn nên nằm nghiêng sang trái, kê thêm gối dưới bụng và chèn gối ở phần lưng. Cũng cần để ý rằng nếu nệm quá mềm, hay bị trũng xuống hoặc gối quá cao cũng sẽ làm bạn đau lưng đấy. Một chi tiết nho nhỏ là áo ngủ bạn mặc phải rộng rãi, thoải mái hoàn toàn, giúp bạn dễ dàng cử động để máu lưu thông tốt, tránh cảm giác “căng thẳng” với vùng lưng.