Mẹ và Con - Trong giáo dục trẻ em, ngoài dạy bảo cho con những điều hay lẽ phải, bạn còn phải học cách nhận biết dấu hiệu con không hiếu thuận để tìm cách uốn nắn ngay khi còn có thể...

Tính cách của một người quyết định bởi hai yếu tố lớn là môi trường sống và cách giáo dục của cha mẹ. Môi trường mang tính khách quan và sự giáo dục gia đình mang tính chủ quan. Nếu không thể học mẹ Mạnh Tử ba lần vì con chuyển nhà thì các bậc phụ huynh càng phải chú trọng vào giáo dục con cái. Con trẻ hư hỏng, lệch lối không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình dài và luôn có nhiều dấu hiệu báo trước. Trong giáo dục trẻ em, nhận biết dấu hiệu con không hiếu thuận và sửa đổi ngay là điều cha mẹ nào cũng cần quan tâm.

1. Trẻ luôn làm trái lời cha mẹ

Nếu để ý xung quanh, bạn sẽ không khó nhìn thấy những trường hợp trớ trêu:

  • Đến siêu thị gặp đứa trẻ quấy khóc, giận dỗi vì không được mua cho món đồ yêu thích.
  • Trẻ phớt lờ lời nói của cha mẹ.
  • Cha mẹ càng nói thì trẻ càng hung hăng cãi lại, nhất định không chịu nghe lời.

Một số phụ huynh thường cho rằng con cái đang nổi loạn, muốn khẳng định bản thân. Họ tự nhủ sau khi hết “cơn” này thì con sẽ lại ngoan ngoãn nghe lời. Kỳ thực nếu không được chỉ ra cái sai, trẻ sẽ cho rằng việc trái lời cha mẹ nếu thích là chuyện đương nhiên.

phương pháp dạy con

Lúc nhỏ không học được tôn trọng cha mẹ thì lớn lên trẻ cũng không biết tôn trọng người khác. Càng lớn càng bất trị, đến sau cùng thì lời nói của cha mẹ chỉ là gió thoảng mây bay. Nếu không giáo dục trẻ em sớm mà mong chờ đứa con như thế tự hiểu ra mà biết hiếu thuận, kính trên nhường dưới quả thật là chuyện không tưởng.

2. “Con nít có biết gì đâu” – trẻ được bao bọc quá mức

Bên cạnh kiểu cha mẹ trốn tránh trách nhiệm uốn nắn con là những phụ huynh bao bọc con quá mức. Hiển nhiên cha mẹ nào cũng muốn che chở, bảo vệ con hết sức mình. Tuy vậy, đóa hoa trồng trong nhà ấm thì khó mà chịu được dù chỉ một chút bão táp mưa sa.

Chắc hẳn bạn từng nghe ai đó bênh vực con mình khi làm sai “con nít mà nó có biết gì đâu”. Thực tế là trẻ con cần được định hướng đúng sai từ sớm. Nhận thức của trẻ sẽ phát triển dần theo thời gian chứ không phải cứ vượt qua độ tuổi nhất định, không còn là “con nít” thì chúng sẽ tự hiểu ra.

Do đó, nếu cha mẹ nào bao che, không để con nhận trách nhiệm và sửa sai thì đang hại con chứ không phải bảo vệ con. Nếu bạn không giáo dục trẻ em từ sớm, liệu con không có ý thức trách nhiệm đó lớn lên có biết hiếu thuận với cha mẹ không?

3. Giáo dục trẻ em: Con quá ích kỷ

Một đứa trẻ có tính chiếm hữu quá cao không phải dấu hiệu tốt. Trẻ từ 3 tuổi đã có nhận thức về “chủ quyền”, nếu không vạch rõ ranh giới thì khi lớn lên chúng sẽ mặc nhiên cho rằng bản thân là trung tâm vũ trụ, muốn gì phải được nấy.

Rất nhiều đứa trẻ ban đầu chỉ ích kỷ, giành đồ chơi, giành đồ ăn, dù không phải của mình cũng nhất định muốn cho bằng được. Trẻ khóc lóc, ăn vạ, chơi xấu tìm mọi cách để có thứ mình thích. Lúc này, nếu cha mẹ chiều theo ý con mà thỏa mãn trẻ thì khi lớn lên chúng sẽ thành người ích kỷ, chỉ quan tâm tới bản thân. Thậm chí trẻ không học được cách biết ơn cha mẹ mà còn trách móc vì không cho được mọi thứ chúng muốn.

Bạn có từng nghe kể chuyện những đứa con đi học xa, vì cha mẹ không cho đủ tiền đua đòi với bạn bè mà nổi nóng với người nhà hay chưa? Đó chính là hậu quả nếu ngày bé bạn không giáo dục cẩn thận. Một đứa trẻ chỉ biết nhận không muốn cho thì chắc chắn lớn lên cũng khó mà có lòng hiếu đễ.

4. Trẻ có xu hướng bạo lực ngay cả với bố mẹ

Dấu hiệu nghiêm trọng nhất là trẻ đánh lại bố mẹ. Trường hợp bé còn quá nhỏ, dưới 18 tháng tuổi thì không phải vấn đề vì trẻ chưa có đủ nhận thức. Bạn chỉ cần làm lơ thì con sẽ chán và không lặp lại hành vi này. Tuy nhiên, khi đã lớn hơn thì đây là hành vi không thể chấp nhận. Một đứa trẻ đánh bạn, đánh đấm người thân thì lớn lên sẽ càng hãm sâu vào bạo lực.

Nếu đánh một lần, đánh hai lần trẻ đều được bỏ qua, thậm chí là phải tỏ thái độ cáu giận, đánh lại mẹ mới mua được món đồ yêu thích thì con sẽ hình thành tâm lý bạo lực rất nguy hiểm. Cha mẹ cần thừa nhận cảm xúc của con, điều chỉnh bằng cách cho trẻ biết như thế là sai, làm vậy thì cha mẹ sẽ buồn. Bạn phải thực sự kiên nhẫn, không nên quát nạt hay đánh lại con vì như thế chỉ khiến trẻ càng thêm hung hăng.

bố và con

Con cái ngoan ngoãn hiếu thuận là điều gia đình nào cũng mong muốn. Thế nhưng hiếu thảo không phải tính cách bẩm sinh mà hầu hết đều được con cái học tập thông qua tấm gương là cha mẹ. Song song đó, cha mẹ cũng nên dành thời gian trò chuyện, lắng nghe và làm bạn với con. Rất nhiều trường hợp trẻ đi lệch lối chỉ vì cha mẹ và con cái không hiểu nhau. Việc giáo dục trẻ em là “cuộc chiến” trường kỳ, cha mẹ cần chuẩn bị thật tốt từ tinh thần đến kiến thức để giúp con phát triển tốt nhất.

Bài viết liên quan