Không phải chỉ những cô dâu mới, mà rất nhiều lần trong những trận cãi vã với chồng, nhiều người vợ muốn ẵm con, dắt con bỏ nhà đi, về nhà cha mẹ ruột. Thế nhưng theo các chuyên gia tâm lý, đây là việc rất cần tránh vì nó dễ kéo theo những nguy cơ gây tan vỡ gia đình.
Bỏ về nhà mẹ
Thụy Anh không còn quá trẻ. Chị đã có hai mặt con và cũng bước sang tuổi “băm” được ít lâu rồi. Thế nhưng, cứ mỗi lần giận chồng, quá ngán ngẩm với những trận cãi vã căng thẳng đầy nước mắt, chị lại chọn giải pháp… dắt con về nhà mẹ ruột.
Chị chia sẻ: “Lấy chồng nghèo, mình đã vì yêu mà chấp nhận đủ đường. Nhưng anh thì vừa gia trưởng vừa độc đoán, những lúc nóng giận còn vũ phu nữa. Những lần cãi nhau chán lắm, ở nhà chỉ tổ mệt đầu. Những lời anh nói lại tổn thương đến lòng tự trọng của mình ghê gớm. Vậy tại sao phải ngồi đó mà chịu đựng?”.
Thay vì “chịu đựng”, chị chọn giải pháp bắt tắc xi, dẫn hai con về nhà ngoại. Nhà ngoại ngay trên thành phố, chỉ cách vài con đường nên việc “bỏ về nhà mẹ” lại càng thuận tiện.
Thêm một điểm không biết “thuận lợi” hay “bất lợi” nữa là ông bà ngoại rất thương con, cưng cháu, lại vẫn giữ tâm lý xót con lấy phải chồng nghèo nên cứ hễ thấy con gái xách va li về là mừng rỡ giữ rịt lại nhà ngay.
Chị kể: “Hai đứa con mình thì quá hớn hở khi mọi ngày chen chúc trong căn phòng thuê nhỏ xíu, giờ được ở phòng riêng rộng rãi. Đồ chơi ông bà mua sẵn quá chừng trong nhà. Mình cũng từ vai trò của một em ô sin suốt ngày làm quần quật thành đứa con gái cưng như ngày nào. Có thể ngủ đẫy giấc, dậy đã có mẹ nấu thức ăn cho ăn. Những ngày về nhà mẹ với mình giống như thiên đường!”.
Không có nhà ngoại ở gần, nhưng chị Thanh Duyên (Quận 3) cũng có thói quen hay xách va li bỏ đi mỗi khi có chuyện giận chồng. “Mình không chịu được những câu xúc phạm của anh ấy. Sinh ra trong một gia đình khá giả, anh được chiều chuộng từ nhỏ nên cái gì không vừa ý là quát mắng, nói những điều rất dễ làm tổn thương một người dễ tự ái như mình. Mỗi khi nghe anh bảo “toàn để tôi nuôi mà làm như khôn lắm, bày đặt tài lanh chuyện này chuyện kia”, thật sự tôi chỉ muốn bỏ đi. Đi đâu cũng được, thuê khách sạn, qua nhà bạn bè thân ở tạm vài hôm. Mình cũng biết phụ nữ không nên bỏ nhà đi như vậy. Nhưng mình đâu có mặt mũi ở lì đó được. Người ta nói thế mà mình không đi, người ta lại càng coi thường hơn, thấy mình phụ thuộc hơn…”, chị Duyên cười buồn chia sẻ.
Thực tế, không hẳn lúc nào bỏ nhà đi cũng chỉ là động tác “làm nư”. Với nhiều chị em, một khi đã muốn gói ghém quần áo, ẵm con đi thì đó là lúc những tổn thương trong lòng đã rất nhiều. Muốn đi, có khi chỉ vì cần khoảng lặng để suy nghĩ thấu đáo về cuộc hôn nhân của mình.
Có khi vì cần ít ngày được nghỉ ngơi, yên tĩnh (và sẽ chẳng có nơi nào làm được điều đó tốt như về nhà mẹ ruột). Có khi vì muốn cảnh tỉnh chồng một lần cho biết, rằng khi đã gần “mất” thì người ta mới suy nghĩ, trân trọng hơn những gì mình đang có. Tuy nhiên, thực tế hệ lụy xoay quanh chuyện giận thì đi này cũng không phải là ít.
Và hệ lụy
Trước hết, theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh, nếu có những lúc quá bức xúc, quá ngột ngạt, cần khoảng không yên tĩnh riêng cho mình, bạn có thể chọn giải pháp đi, song nên đi thật khéo.
Chẳng hạn chỉ cần nói với chồng rằng bạn cần đi công tác/ đi nghỉ ít ngày. Hoặc có thể nói thẳng với anh: “Em stress quá và cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi vài ngày. Em đưa con về nhà mẹ chơi ít hôm!”.
Cách nói này sẽ giúp chừa đường lui cho cả hai vợ chồng, trong trường hợp sau vài ngày cả hai vợ chồng bạn trấn tĩnh lại, thấy chuyện không quá nghiêm trọng và vẫn có thể tha thứ, bỏ qua cho nhau. Việc “về nhà mẹ chơi vài hôm” so với việc đùng đùng xách vali, khăn gói “bỏ ra khỏi nhà” sẽ rất khác nhau.
Vì tự ái đàn ông không nhỏ, có nhiều người dù vẫn thương vợ thương con, nhưng khi nghe bố mẹ vợ gọi điện trách: “Con làm sao đến nỗi để vợ bỏ nhà đi!” thì không dễ gì thoải mái đến đón vợ.
Một lưu ý khác của chuyên gia tâm lý Minh Hạnh là đừng “làm ầm lên” để nhiều người biết chuyện bạn bỏ nhà đi này. “Vốn dĩ chuyện rời khỏi nhà là chuyện rất cần tránh.
Chỉ ở một mức độ nào đó bạn thật sự cảm thấy không thể chịu đựng nổi nếu còn ở đây, cần có một không gian để bình tĩnh lại thì mới nên áp dụng. Và cũng cần biết rằng, vợ chồng là mối quan hệ rất bền vững song cũng rất mong manh.
Một chút già néo đứt dây, sau này có khi bạn phải ân hận. Vì vậy, một khi thấy mình chưa đủ bình tĩnh, sáng suốt để đưa ra một quyết định cho cuộc sống sắp tới, thì nên hạn chế tối đa số người biết bạn đang bỏ đi.
Việc nhiều chị em đùng đùng gọi điện cho khắp mọi nơi báo với bạn bè/ người thân hay cố tình xách va li thật to, ra khỏi nhà trong tình trạng khóc lóc gây chú ý với hàng xóm là điều tối kỵ. Vì chẳng mấy người đàn ông thật sự biết cách xuống nước trong trường hợp đó cả!”.
Càng nhiều người biết, càng có đủ lời nói ra nói vào. Nhiều khi chuyện ban đầu chỉ của hai vợ chồng, giờ lại có thêm những lời khuyên kiểu như: “Về dạy lại vợ đi, chứ vợ bình thường chẳng ai bỏ nhà đi thế cả!” cũng sẽ khiến chồng nhìn nhận vấn đề theo cách khác.
Thực tế, tỷ lệ đàn ông lúc giận bỏ nhà đi cao không kém phụ nữ. Song, chính nhờ việc ít ai biết này mà các anh đi dễ và về cũng dễ, chẳng mấy khi “lớn chuyện” như vợ bỏ nhà đi. Sau mấy ngày suy nghĩ yên tĩnh, khi đã thấu đáo vấn đề, chồng có thể về và ngồi xuống cùng với vợ để nói chuyện với nhau.
Ngược lại, phụ nữ khi giận mà đi thì thông thường chuyện bé sẽ được… xé ra to, khi mà người thân rối rít gọi điện hỏi nguyên nhân, bạn bè nói ra nói vào.
Một yếu tố nữa bạn cần lưu ý, chỉ nên đi khi thật sự bạn cảm thấy ức chế và cần suy nghĩ, cần tìm một giải pháp tốt hơn cho mối quan hệ vợ chồng. Không nên xem đây là việc bạn dùng để “dọa” chồng hay gây áp lực với chồng. Không nên bỏ đi rồi chờ chồng đến đón, chồng không đón thì không về dù trong lòng vẫn thương yêu gia đình và chưa muốn tính chuyện ly thân, ly hôn.
Chị T.K.L chia sẻ câu chuyện của mình: “Lúc nổi nóng, tôi đùng đùng xách va li đi. Bố mẹ ruột tôi cũng bênh con gái nên bắt chồng sang đón mới cho về. Chồng lại bị tác động của gia đình bên chồng, cho rằng đón được một lần thì sau này sẽ cứ lặp đi lặp lại cảnh ấy.
Thế là sau một tuần, khi tôi đã bớt giận, rất muốn chồng đến đón để bố mẹ có thể cho về nhưng chờ mãi mà không thấy. Càng lúc chuyện càng lớn, anh càng lạnh nhạt. Cuối cùng thì vợ chồng tôi ly thân. Khoảng một năm sau thì ly hôn và chồng… có vợ mới.
Thật sự lúc ôm con bỏ đi không phải tôi làm nư mà vì tôi rất tổn thương. Nhưng lẽ ra tôi nên chọn một cách khác đi, chí ít là đừng làm ầm ĩ mọi việc trong khi mình chưa thật sự muốn kết thúc!”. Đừng để giận một lần rồi… đi không trở lại! Bạn nhớ nhé, điều đó đã từng là bài học không cứu vãn được của rất nhiều người.