Đó là trường hợp của một cô gái trẻ 17 tuổi mắc bệnh glôcôm do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid. Đây cũng là trường hợp mà Mẹ&Con muốn chia sẻ cho bạn thay lời cảnh cáo cũng như giúp bạn trả lời câu hỏi: Có nên dùng thuốc nhỏ mắt mỗi ngày?
Lạm dụng thuốc nhỏ mắt sẽ không tốt cho đôi mắt của bạn. (Ảnh minh họa)
Được biết trước đó, cô gái này chỉ bị viêm kết mạc dị ứng nên đã tự ý mua thuốc nhỏ mắt chứa corticoid về dùng mỗi ngày. Sau hai tháng, cô gái đã dùng hết 3 lọ thuốc nhỏ mắt chứa corticoid. Tuy nhiên, tình trạng của em không được cải thiện mà đôi mắt còn bị viêm nặng hơn, đỏ ngầu, căng tức, giác mạc đục, mờ… Lúc này, cô gái mới quyết định đi khám, thậm chí còn ra nước ngoài điều trị nhưng vẫn kết quả vẫn không khả quan.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), cô gái này đã mắc bệnh glôcôm ở giai đoạn gần mù. Ở giai đoạn này, việc tiến hành phẫu thuật cũng không thể giúp bệnh nhân lấy lại được thị lực. Biện pháp mà các bác sĩ có thể can thiệp là phẫu thuật điều chỉnh nhãn áp để bệnh không phát triển trầm trọng thêm. May mắn nhãn áp của cô gái trẻ đã được khống chế, mắt hết đau nhức nhưng thị lực chỉ còn đủ để đếm ngón tay.
Từ trường hợp này, chắc hẳn bạn đã có quyết định cho mình có nên dùng thuốc nhỏ mắt mỗi ngày rồi phải không nào! Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến đôi mắt “mờ đi từng ngày”.
Bệnh glôcôm ở mắt
Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, mọi người tuyệt đối không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Đặc biệt, những loại thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần corticoid hoặc steroids chuyên dùng để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc… Nếu sử dụng đúng chỉ định sẽ mang lại kết quả cao, tuy nhiên chúng cũng gây nên nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu lạm dụng trong thời gian dài. Một trong những hệ quả phải kể đến chính là gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp hay còn gọi là bệnh glôcôm ở mắt.
Ảnh minh họa
Bệnh glôcôm hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống, cườm nước… là tình trạng nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Đây là bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế bệnh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên có thể phòng tránh được mù lòa bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thực tế, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù loà cao. Ngược lại có nhiều bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát rất cao.
Bệnh thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh. Mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, ngoài ra người bệnh có thể thấy buồn nôn, nôn, đau bụng, mắt đỏ lên và nhìn mờ. Có trường hợp bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển trong một thời gian dài, đến khi phát hiện thì tình trạng đã rất nặng.
Những người có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm
Bên cạnh vấn đề có nên dùng thuốc nhỏ mắt mỗi ngày, bạn cũng nên quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm ở mắt:
- Những người trên 35 tuổi, tuổi càng cao, nguy cơ bị glôcôm càng lớn.
- Những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm.
- Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân).
- Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp…
- Những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm.
- Đo nhãn áp trên 25 mmHg.
Ước tính trên toàn cầu sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ gần 3% ở người hơn 40 tuổi, trong đó hơn 11 triệu người bị mù do bệnh.