Trẻ sơ sinh luôn cố gắng đưa ra những yêu cầu, mong muốn của mình bằng ngôn ngữ cơ thể. Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng hiểu và đáp ứng nhu cầu của trẻ vì vậy trẻ sơ sinh thường dùng để “chiêu cuối” là khóc. Điều này khiến nhiều ba mẹ đau đầu, stress mỗi khi chăm trẻ nhỏ. Để khắc phục được tình trạng này ba mẹ nên nhận biết được ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh.
Một số ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh
Bé cong lưng
Đây chắc hẳn là biểu hiện thường xuyên của trẻ. Thông thường bé uốn cong lưng sẽ kèm theo khua tay, chân. Điều này thể hiện rằng bé đang rất khó chịu và bực bội. Lúc này bé rất cần được ba mẹ vỗ về để an ủi bé. Tuy nhiên nếu bé vẫn lặp đi lặp lại tình trạng này bạn hãy kiểm tra lại ngay tã lót có bị ướt hay không, chỗ nằm bé có vật gì cứng không…
Sau khi đã kiểm tra tất cả nhưng trẻ vẫn có biểu hiện khó chịu thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có hướng điều trị kịp thời nhé!
Tiếng khóc của bé
Khóc chính là ngôn ngữ đặc biệt của bé và khá hiệu quả để thu hút ba mẹ quan tâm. Vì điều này, nên bé thường xuyên khóc mỗi khi muốn biểu hiện điều gì đó. Tuy nhiên, nếu không hiểu được biểu hiện của bé, bé sẽ khóc lớn hơn. Sau đây là những mong muốn thường thấy khi bé khóc:
Khóc gọi mẹ: Khi bé ở trong phòng, trong nôi quá lâu và một mình thì bé sẽ mong muốn được ba mẹ bế. Và đương nhiên cách gọi ba mẹ của bé chính là khóc. Lúc này bé sẽ khóc trong khoảng 5 – 6 giây sau đó dừng lại trong vòng 20 giây để xem ba mẹ đã xuất hiện hay chưa? Nếu sau khoảng thời gian này ba mẹ vẫn chưa có mặt, bé vẫn sẽ tiếp tục dùng tiếng khóc nhưng tần suất và độ lớn sẽ tăng dần sau mỗi chu kỳ.
Bé khóc vì đói: Tiếng khóc biểu hiện bé đói ban đầu sẽ giống như đang gọi mẹ. Tuy nhiên, nếu không được cho ba mẹ cho ti kịp thời bé sẽ khóc lớn hơn và trở nên cáu giận đỏ mặt. Đồng thời, đầu bé sẽ lắc qua lắc lại, miệng sẽ hành động như đang ti sữa.
Bé khóc vì đau: Khi bé bị đau, tiếng khóc của bé sẽ là những âm thanh đơn và to, rõ. Trong suốt thời gian xuất hiện cơn đau, tone khóc của bé sẽ không thay đổi. Khi cơn đau tăng lên, bé sẽ bất ngờ khóc lớn, dữ dội hơn.
Tuy nhiên, nếu em bé bị ốm, tiếng khóc cũng có thể giống vậy nhưng nhỏ hơn hơn vì bé không đủ khỏe để gào thét và khóc lớn.
Khóc do các lí do sinh lý: Trong suốt quá trình phát triển của mình, trẻ sơ sinh sẽ có nhiều biểu hiện sinh lý bình thường. Vì cơ thể bé còn nhạy cảm nên khi xuất hiện các biểu hiện sinh lý thông thường như: ợ khí, đi tiểu tiện, đại tiện… cũng khiến bé giật mình. Tuy nhiên ngôn ngữ cơ thể của bé lúc này sẽ nhỏ hơn rất nhiều (dừng lại ở mức thút thít).
Khóc vì buồn ngủ: Khi bé buồn ngủ nhưng không được ba mẹ cho ngủ ngay, bé sẽ khóc như đang muốn ăn vạ kèm theo biểu hiện ngáp, vặn mình, dụi mắt, mắt nhắm lừ đừ…
Khóc vì khó chịu: Trong quá trình chăm sóc bé chắc hẳn bé sẽ có đôi lần không vừa ý, cảm thấy không dễ chịu… lúc này bé sẽ biểu hiện bằng ngôn ngữ cơ thể là khóc. Thông thường sẽ khóc theo cách đang cáu giận, khó chịu và tiếng khóc không liên tục. Bé cũng có thể ưỡn cong người mỗi khi khóc. Lúc này mẹ cần kiểm tra tã của bé xem có bị ướt quá không, kiểm tra thân nhiệt, quần áo xem bé có bị nóng quá hoặc lạnh quá không.
Những lí do khác: Bé sơ sinh có thể khóc đơn giản vì muốn thay đổi môi trường, tư thế hoặc vị trí khác, hay khi bé thấy buồn chán.
Nắm tai
Đây là biểu hiện rất bình thường của mọi trẻ sơ sinh và thường mang ý nghĩa là trẻ đang muốn khám phá cơ thể của mình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trể nắm tay là do côn trùng cắn, nằm trên lót giường không thoải mái… Ba mẹ cũng cần chú ý nếu như thấy bé liên tục bứt rứt, rên khóc và lặp lại thường xuyên cần đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Bé mút ngón tay
Mút ngón tay là một trong những ngôn ngữ cơ thể rất bình thường của mọi trẻ sơ sinh. Thông thường hành động này chỉ là cách để bé mô tả lại hành động ti mẹ. Thường khi cho bé bú, người mẹ sẽ ẵm bé vào lòng và vỗ về nên nếu bạn thấy bé có cử chỉ này thì nó có nghĩa là bé muốn được mẹ quan tâm, hãy ôm bé vào lòng để bé cảm thấy mình được yêu thương.
Co giật tay
Co giật tay là ngôn ngữ cơ thể để trẻ phản xạ lại với các tác động bên ngoài. Đó có thể là khi bé cảm thấy được tiếng ồn, ánh sáng đột ngột… bé sẽ phản xạ lại bằng cách giật mình. Đồng thời, khi bé mất đi sự hỗ trợ cũng sẽ xuất hiện tình trạng co giật tay. Ví dụ ba mẹ đặt bé xuống sàn nhà một cách đột ngột.
Bé dụi dụi hoặc che mắt lại
Đây cũng là một ngôn ngữ cơ thể bình thường của bất kỳ trẻ sơ sinh nào. Thông thường hành động dụi mắt là biểu hiện của việc trẻ đang cảm thấy buồn ngủ. Bên cạnh đó, nếu như bé kết hợp cùng hành động che mắt có thể hiểu rằng trẻ đang muốn được ngủ. Ba mẹ có thể vỗ dành bé nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.
Cong đầu gối
Cong đầu gối là bé nằm ngửa, 2 chân giơ lên, đầu gối cong, 2 tay nắm lấy 2 bàn chân. Đây là một ngôn ngữ cơ thể bình thường biểu hiện rằng trẻ đang khám phá cơ thể mình. Bên cạnh đó, đây cũng là biểu hiện của nhiều vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa của trẻ. Bé thường cong đầu gối do đầy hơi, táo bón hoặc gặp các vấn đề về đường ruột.
Lúc này ba mẹ nên tiến hành xoa dịu trẻ. Nếu bé mới bú xong bị đầy hơi, ba mẹ có thể hỗ trợ bé ợ hơi đồng thời mẹ cũng nên tránh ăn những món gây đầy hơi. Nếu trẻ gặp tình trạng táo bón, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra để có hướng xử lý đúng cách.
Khi bé đá chân lên
Điều này cũng biểu hiện rằng bé đã tìm thấy được điều gì đó thật sự thích thú, thú vị… ngôn ngữ cơ thể này rất thường gặp mỗi khi cho trẻ tắm. Đây cũng là cách trẻ đang nói “wow” với bạn đấy!
Đập đầu
Nếu bé đập đầu vào cũi, gối, hay sàn nhà… đều này có nghĩa là bé đang cảm thấy khó chịu với mọi thứ xung quanh. Nếu bé thường xuyên đập đầu trong một khoảng thời gian dài, hãy đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để kiểm tra. Nếu bé xuất hiện tình trạng này, ba mẹ nên chú ý quan sát để tránh tổn thương đến phần đầu của bé.
Mỗi ngôn ngữ cơ thể của bé dù lớn hay nhỏ cũng biểu hiện cho mong muốn của bé. Vì vậy, ba mẹ cần hiểu để nuôi con tốt hơn. Hy vọng với những thông tin trên đây, hành trình chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ dễ dàng hơn nhé!