Tiến sĩ Lena Johannsson – thành viên nhóm nghiên cứu – cho biết, hầu hết các nghiên cứu về bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ) cho rằng, các vấn đề như giáo dục, các yếu tố nguy cơ bệnh tim và máu, chấn thương đầu, tiền sử gia đình, di truyền và tính cách có thể tác động đến nguy cơ sa sút trí tuệ của mỗi người thông qua hành vi, cách họ phản ứng trước các vấn đề căng thẳng.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Trường ĐH Gothenburg đã kiểm tra và theo dõi 800 phụ nữ (độ tuổi trung bình là 46) trong 38 năm. Các tác giả đã tập trung kiểm tra tính cách của số phụ nữ tham gia, dựa vào mức độ nhạy cảm thần kinh và tính cách hướng ngoại hay hướng nội, cùng các bài kiểm tra về trí nhớ.
Kết quả cho thấy, trong số phụ nữ tham gia, có 19% phát triển chứng mất trí nhớ. Những người đạt điểm số cao nhất trong các bài kiểm tra về tính nhạy cảm của thần kinh, như hay lo lắng, ghen tuông, phiền muộn… trước các vấn đề gây căng thẳng, có nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ cao gấp đôi so với những người đạt điểm số thấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, mối liên quan này còn tùy thuộc vào khoảng thời gian bị căng thẳng có kéo dài hay không.