Mẹ&Con - Đi làm lại sau 6 tháng, một trong những mối bận tâm hàng đầu của mẹ chính là làm cách nào vẫn cho con có được nguồn sữa mẹ đến 12 hoặc 24 tháng như mong muốn.

1. Duy trì nguồn sữa

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng từ các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể trẻ. Vấn đề làm thế nào để duy trì nguồn sữa mẹ sau khi bạn hết thời gian nghỉ sinh và đi làm trở lại?

Hãy nhớ một công thức quan trọng: Đừng để mình bị stress! Nhiều bà mẹ ngay khi đi làm lại sau thời gian nghỉ sinh đã vội vã dồn hết sức để bắt nhịp lại cùng công việc. Thực tế, rất khó khăn cho bạn để có thể đạt lại năng suất 10/10 y như lúc chưa mang thai, sinh nở. Hãy chấp nhận thực tế này, thật cố gắng trong mức độ tốt nhất bạn có thể nhưng không đòi hỏi quá nhiều ở bản thân. Bởi lẽ, khi bạn đòi hỏi quá nhiều ở chính mình mà không làm được, cảm giác căng thẳng, áp lực, stress sẽ xảy ra. Nguồn sữa sẽ dễ mất đi dưới tác động của stress.

Để có đủ sữa cho con bú, người mẹ còn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, vì những suất cơm văn phòng đơn sơ thường khó cung cấp được đủ chất cho bạn. Nếu có thể, hãy mang theo cơm tự chuẩn bị từ nhà. Thông thường khẩu phần ăn hàng ngày của người mẹ đang nuôi con bú cần có 200g thịt cá, 1 quả trứng, 1 lít sữa tươi hoặc sữa bột pha, 200-300g trái cây, 500-600g rau.

Buổi tối khi về nhà, hãy chia sẻ để người nhà gánh vác bớt các công việc gia đình (giặt giũ, cơm nước…) thay bạn. Tranh thủ thời gian để nghỉ ngơi, cho con bú trực tiếp vào buổi tối, chơi đùa với con. Ngoài ra, bạn cần ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày.

Duy trì nguồn sữa, vắt và bảo quản sữa đúng cách cho bà mẹ công sở 3

2. Vắt sữa mẹ đúng cách

– Trừ những lúc bạn ở nhà, tranh thủ cho con bú trực tiếp, việc vắt sữa mẹ đúng cách trở nên rất quan trọng, vì đây là cách giúp bé được tiếp cận nguồn sữa mẹ đủ thời gian mong muốn.

– Mỗi ngày, bạn có thể tranh thủ vắt 4-5 lần. Vắt sữa giúp mẹ giúp mẹ dễ chịu, đỡ bị hiện tượng cương bầu vú, giúp bé nhận được lượng sữa mẹ cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn 12 tháng đầu đời.

– Mẹ cần nắm vững những cách thức vắt sữa để đảm bảo nguồn sữa hợp vệ sinh, đạt chất lượng tốt cho sự phát triển của trẻ.

– Để chuẩn bị trước khi vắt sữa, tiện nhất là mang theo lúc đi làm một chiếc máy vắt sữa nhỏ gọn, dụng cụ đựng như bình kín. Hãy trao đổi với những người sếp nữ của công ty bạn, hoặc phòng nhân sự, để đảm bảo bạn có thể tranh thủ số lần cần thiết mỗi ngày cho việc vắt sữa này.

– Rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước khi vắt sữa. Đứng hoặc ngồi một cách thoải mái như khi cho con bú. Sau đó nếu vắt sữa bằng máy, bạn thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng của máy. Nếu vắt sữa bằng tay, bạn massage nhẹ nhàng đầu vú hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên vú để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa về dễ dàng hơn. Đặt ngón tay cái lên phía trên núm vú và quầng vú, ngón tay trỏ ở phía dưới, đối diện với ngón tay cái thành hình chữ C. Đỡ vú bằng các ngón tay khác. Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào phía thành ngực. Ấn vào rồi thả ra, ấn vào rồi thả ra. Ấn xung quanh quầng vú tương tự từ nhiều phía. Lưu ý, tránh chà xát hoặc trượt ngón tay trên da.

– Vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên.

 

3. Bảo quản sữa

Mẹ cần nhớ!
Làm ấm sữa bằng cách đặt bình sữa vào một tô nước nóng, không làm nóng sữa mẹ bằng cách đun sôi hoặc cho vào lò vi sóng.

– Sữa vắt ra, bạn có thể cho vào từng túi đựng chuyên dụng hoặc lọ thủy tinh có nắp đậy kín, dán nhãn bên ngoài để biết ngày giờ đã vắt. Sữa vắt trước sẽ làm ấm và cho bé dùng trước. Sữa vắt sau cho bé dùng sau.

– Nhớ là khi cho bé ăn sữa mẹ đã được vắt ra, thì người nhà cho ăn bằng cốc và thìa (muỗng). Không nên cho sữa mẹ vào bình ti và cho bé ti, vì bé sẽ quen, khi mẹ về nhà bé không chịu ti mẹ trực tiếp nữa.

– Sữa mẹ nên trữ mỗi lọ chỉ khoảng 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh. Vì khi bạn rã đông, chỉ rã đông được một lần duy nhất. Trẻ dùng không hết lượng sữa đã rã đông thì không được cho vào làm đông lần nữa.

– Ở nhiệt độ phòng 19-20 độ C, có thể bảo quản sữa mẹ được 4 giờ. Với nhiệt độ dưới 4 độ C của ngăn mát tủ lạnh, sữa có thể bảo quản được 3 ngày. Ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được đến vài tuần lễ. Trường hợp công ty có tủ lạnh và cho phép nhân viên sử dụng, bạn hãy trao đổi để được phép gửi sữa đã vắt trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh và mang về sau khi hết giờ làm.

bảo quản sữa

Thủy tinh được xem như chất liệu tốt nhất để trữ sữa mẹ bởi vì các thành phần có trong sữa mẹ được bảo quản tốt nhất trong thủy tinh. Thứ hai là bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nên chọn mua loại bình dành riêng để trữ sữa.

– Sữa bảo quản trong tủ lạnh thường có lớp váng nổi trên bề mặt nhưng bên dưới, sữa nhìn trong như nước.

– Khi bạn làm lạnh sữa, chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Khi làm ấm sữa trở lại, bạn nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này.

– Nếu sữa trong bình (túi đựng chuyên dụng) có màu trắng đục như đám mây sau khi rã đông thì có khả năng sữa đã bị biến chất, hỏng. Không nên cho bé ăn sữa này vì nó không đảm bảo chất lượng.

Ghi nhớ quan trọng

– Lò vi sóng có thể làm hủy hoại các chất kháng thể trong sữa mẹ, đồng thời sẽ tạo ra các “hạt nóng” có thể gây bỏng con bạn. Do đó, không nên làm ấm sữa mẹ bằng lò vi sóng.

– Nếu để sữa ở ngăn đá, thì cách đó vài tiếng đồng hồ, lấy sữa cho xuống ngăn mát. Khi sữa đã tan đá một cách tự nhiên, lấy một tô nước ấm, đặt bình sữa vào. Trường hợp tô nước đã nguội mà sữa vẫn còn lạnh thì thay bằng một tô nước mới đến khi có được độ ấm mong mốn.

 

 

Tags:

Bài viết liên quan