Con học giỏi và luôn đạt thành tích cao là niềm tự hào của nhiều bậc làm ba mẹ. Điều này vô hình chung trở thành áp lực học tập, áp lực tâm lý cho nhiều bé. Mỗi đứa trẻ đều có khả năng và điểm mạnh của riêng mình. Vậy nên, ba mẹ hãy tôn trọng và định hướng cho bé phát triển đúng thế mạnh của mình nhé!
1. Tại sao không nên ép con học giỏi?
Việc bắt con học nhiều, học giỏi và giỏi toàn diện khiến trẻ gặp nhiều áp lực học tập, từ đó sinh ra nhiều vấn đề tâm lý và suy nhược cơ thể. Dưới đây là những nguy cơ trẻ có thể gặp phải khi ba mẹ ép con học giỏi, gồm:
1.1 Trẻ dần khép mình
Các nhà tâm lý chỉ ra rằng những trẻ chịu áp lực học tập và yêu cầu phải học giỏi từ cha mẹ thường có xu hướng sống khép mình. Lúc này, trẻ sẽ không còn hào hứng chia sẻ những tâm tư, cảm xúc hay thắc mắc của mình cho thầy cô, cha mẹ. Dần dần sẽ tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, khiến tình cảm gia đình bị ảnh hưởng.
Thay vì chỉ yêu cầu con học giỏi và luôn đạt điểm 10, hãy cũng con học mỗi tối. Đây cũng là khoảng thời gian tiếp xúc hiếm hoi với trẻ trong ngày nên bạn có thể biết được bé học ra sao, trên trường có những chuyện gì khiến con phiền não không…
1.2 Trẻ có tâm lý chống đối
Khi liên tục bị quở trách về điểm kém thì có khả năng cao bé sẽ hình thành tâm lý tức giận và chống đối với người lớn. Những hành vi chống đối dễ nhận thấy nhất là nói dối, cãi lời người lớn, không làm bài tập, gây gổ với bạn bè…
1.3 Trẻ có thể bị căng thẳng
Áp lực học tập và điểm số có thể tác động tiêu cực khiến trẻ bị căng thẳng kéo dài, tệ hơn là bị trầm cảm ở trẻ nhỏ. Những trẻ bị stress do điểm số có thể có một số dấu hiệu như tránh tương tác xã hội, thích ở một mình, giận dữ bất ngờ, trầm cảm, rối loạn ăn uống hay kiệt sức. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng có thể dẫn đến các bệnh về thể chất như đau nửa đầu, đau dạ dày…
1.4 Trẻ cảm thấy chán học
Học tập vốn là quá trình trẻ nhỏ khám phá thế giới xung quanh, tìm hiểu mọi người và cả bản thân. Việc quá chú trọng vào điểm số sẽ tước đi niềm vui, sự hứng khởi và cảm hứng học tập trong con. Hệ quả của tình trạng áp lực học tập này là bé càng ngày càng cảm thấy chán học, thậm chí không muốn đi học và tìm mọi cách để nghỉ học.
1.5 Trẻ có thể mất tự tin
Một số bé khi luôn phải nghe lời thúc ép về điểm số sẽ hình thành tư tưởng rằng mình chỉ đáng được yêu khi đạt thành tích cao cũng như đáp ứng những tiêu chuẩn mà ba mẹ đề ra. Theo đó, nếu bị điểm kém trong một bài kiểm tra nào đó, trẻ sẽ cho rằng bản thân không còn giá trị và bị thua kém các bạn. Về lâu dài có thể khiến trẻ tự ghét bản thân, không dám nói lên chính kiến và bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển khác.
Việc tạo áp lực học tập chỉ khiến trẻ thêm xa cách và có nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý. Để hỗ trợ trẻ, ba mẹ cần hiểu rõ khả năng, sở thích, tính cách và cả nguyện vọng của bé. Khi việc học tập được sự hỗ trợ trên tinh thần cổ vũ, khích lệ thay vì thúc ép, bắt buộc thì trẻ sẽ càng có hứng thú với trường và tiến bộ nhanh hơn.
2. Thay vì học giỏi, hãy học hiệu quả
Học giỏi là điều ba mẹ nào cũng mong muốn nhưng không phải đứa trẻ nào cũng học giỏi. Thay vào đó, nếu biết vạch ra kế hoạch học, học một cách hiệu quả thì chắc chắn sẽ loại bỏ được những áp lực học tập hay tâm lý căng thẳng, chán chường. Đặc biệt, khi trẻ càng lớn thì càng khó giám sát, do đó ba mẹ cần trang bị những kỹ năng để tạo thói quen học tập hiệu quả ngay từ bé. Dưới đây là những bí quyết để việc học trở nên hiệu quả hơn, gồm:
2.1 Bồi dưỡng môn con học giỏi
Điều này đồng nghĩa với việc ba mẹ phải chấp nhận rằng con không thể giỏi về mọi mặt và sẽ có những môn con không đạt được thứ hạng cao. Điều quan trọng là con luôn cố gắng cải thiện thành tích, tốt hơn chính con của ngày hôm qua là đủ rồi.
Ngoài ra, thay vì tạo áp lực học tập bằng cách ép con học giỏi tất cả các môn thì bạn nên để trẻ tập trung vào môn bé hứng thú và giỏi. Hãy dạy con cách tìm ra điểm mạnh của mình và bỏ công sức bồi dưỡng thế mạnh đó. Điều này sẽ giúp con học hiệu quả hơn và bớt căng thẳng hơn rất nhiều.
2.2 Luôn học hỏi điều mới
Chính bản thân ba mẹ hãy luôn tìm kiếm, học hỏi thêm điều mới trong cuộc sống và lấy đó làm tấm gương để bé noi theo. Việc học là không giới hạn về độ tuổi. Dù bạn có thích thú với điều gì thì hãy tìm tòi ngay nhé. Khi thấy ba mẹ luôn nhiệt huyết với việc học như thế thì chắc chắn bé sẽ không có lý do gì để trì hoãn hay dừng lại ước mơ của bản thân. Cha mẹ và con cái lúc này chính là nguồn động lực lớn cho nhau để luôn học hỏi nhiều điều mới.
2.3 Cùng học với con
Chương trình giáo dục luôn có sự thay đổi và cải tiến qua các năm để phù hợp với thời đại. Do vậy, ba mẹ đừng lấy lí do là “ngày xưa ba hoặc mẹ học rồi có thấy khó đâu mà sao con lại điểm kém hay không làm được” để trách mắng con và gây áp lực học tập cho con. Điều quan trọng là bạn nên cùng con học để hiểu hơn về chương trình, phương pháp học và thảo luận bài học cùng con. Nếu quá bận, hãy chia nhỏ bài học để tìm hiểm vào thời gian trống của mình.
2.4 Khuyến khích trẻ đọc sách
Đọc sách giúp trẻ có thêm vốn từ vựng và rèn luyện kỹ năng viết tốt hơn. Ngoài ra, so với tivi, đọc sách giúp kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của bé. Đọc sách có thể không phải là điều hứng thú với trẻ nhưng nếu bé đã quen thì những trang sách sẽ trở nên rất thú vị và việc học cũng hiệu quả hơn.
Không phải đứa trẻ nào cũng có thể học giỏi nhưng để học hiệu quả thì đứa trẻ nào cũng có thể làm được. Điều quan trọng là ba mẹ phải tôn trọng sở trường và sở đoản của bé để từ đó định hướng tốt nhất cho con cái. Thay vì tạo áp lực học tập hãy để con biết rằng học tập là niềm vui thú cả đời người ba mẹ nhé!