Mẹ&Con - Quỹ khẩn cấp không phải là tiền tiết kiệm như chúng ta thường nghĩ. Vậy quỹ khẩn cấp là gì? Dùng quỹ khẩn cấp như thế nào cho đúng?

Khi có gia đình thì ngoài nhiều việc phải lo lắng hơn và đôi khi cũng có những chuyện chẳng mong đợi xảy đến. Những lúc này, quỹ khẩn cấp như là cứu tinh cho chúng ta. Nhưng quỹ khẩn cấp là gì, trong những trường hợp nào thì nên dùng quỹ khẩn cấp? Mời bạn cùng tìm hiểu với Mẹ&Con nhé! 

dùng quỹ khẩn cấp

Tạo quỹ khẩn cấp

Ốm đau, bệnh tật hoặc những tai nạn đột ngột là điều con người chẳng thể đoán trước. Nhưng nếu có quỹ khẩn cấp thì vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Quỹ khẩn cấp được xây dựng dựa trên thói quen tiết kiệm hàng tháng. Một khi có một khoản tiết kiệm nhất định (ít nhất từ 3-6 tháng), nhiều người lựa chọn gửi ngân hàng hoặc mua bảo hiểm để tăng lãi suất.

Để tiết kiệm tiền hiệu quả thì nên tuân theo nguyên tắc 50:30:20. Nếu coi tổng thu nhập hàng tháng của bạn là 100% thì dùng 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho điều mong muốn và 20% để tiết kiệm. Trong đó, những nhu cầu thiết yếu có thể kể đến như tiền điện nước, tiền thuê phòng, tiền xăng xe, thức ăn, học phí… và điều mong muốn là mua sắm, ăn uống bạn bè…

Dùng quỹ khẩn cấp sao cho hợp lý?

Trên thực tế, dù để dự trù kinh phí, lên kế hoạch cho tất cả khoản chi thì đôi lúc cũng bị thiếu hoặc thâm hụt. Những lúc như thế không ít người nghĩ tới việc lôi khoản khẩn cấp ra dùng tạm, tháng sau bù lại. Dĩ nhiên là sẽ không có vế “bù lại” và tiền tiết kiệm cứ thế được dùng không đúng mục đích ban đầu. Vậy nên, trước khi muốn dùng tiền tiết kiệm, bạn nên tự hỏi bản thân 3 câu hỏi sau:

Việc này có bất ngờ không?

Cuộc sống không thiếu những bất ngờ. Nhưng những chi phí thiết yếu hàng tháng thì không hề bất ngờ. Điều này hoàn toàn nằm trong kế hoạch của bạn. Hàng tháng hãy lên kế hoạch cụ thể những khoản chi tiêu trong gia đình.

Nếu tháng này cần nhiều khoản cho nhu cầu thiết yếu hơn, bạn có thể nhanh chóng điều chỉnh “mong muốn” ít lại để cân bằng. Với đám cưới, bạn thường được báo trước khoảng 10 ngày, từ đó có thể lên kế hoạch phù hợp để dành dụm phong bì.

Tất cả điều này đều cho bạn thời gian chuẩn bị hoặc bạn biết trước nên không hề bất ngờ đến mức phải dùng tới khoản khẩn cấp. Ngược lại, những tình huống như bị mất việc, giảm lương, thiên tai khiến nhà hỏng hóc, tai nạn xe cộ hoặc các bệnh tật không mong muốn… bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốt mà không sợ hãi, hoảng loạn về mặt tài chính khi có thể dùng quỹ khẩn cấp nhất định.

Dùng quỹ tiết kiệm cho những tình huống phát sinh

Việc này có hoàn toàn cần thiết?

Ranh giới giữa nhu cầu và mong muốn rất mơ hồ, đôi khi còn bị nhầm lẫn với nhau. Việc điện thoại của bạn bị hư nên bạn cần phải mua mới khác hoàn toàn với việc dòng máy này ra đời mới và bạn muốn sở hữu nó.

Hay sơn tường nhà bị ẩm mốc, bong tróc bạn cần phải làm lại vì sự an toàn của gia đình khác với việc bạn không thích sơn tường màu này và muốn sửa lại toàn bộ. Hay xe của bạn đã cũ, hỏng hóc quá nhiều, sửa lại còn tốn hơn mua mới khác hoàn toàn với xe chạy vẫn tốt chỉ hơi cũ khiến bạn không thích và muốn mua mới.

Bạn nên phân biệt rõ những điều này để không dùng quỹ khẩn cấp cho những mong muốn ngắn hạn và thay đổi liên tục này. Tất nhiên, đồ mới, đồ đẹp ai mà chẳng thích. Vậy nên nếu muốn có được thì bạn hãy tiết kiệm thật nhiều khoản “30% mong muốn”  hàng tháng nhé!

Những thời điểm dùng quỹ khẩn cấp

Việc này có thực sự khẩn cấp?

Tai nạn, bệnh tật, hỏng hóc xe cộ… là những trường hợp thực sự khẩn cấp. Đừng đắn đo khi dùng quỹ khẩn cấp cho những tình huống này. Mặt khác, nếu một mặt hàng cần thiết giảm giá thì bạn nên xem xét trên nhiều yếu tố.

Ví dụ chiếc máy giặt bạn mong muốn đang giảm giá (chỉ trong tháng này) nhưng máy giặt ở nhà vẫn còn dùng tốt, chỉ hơi cũ thôi. Trước hết hãy bình tĩnh, ghi khoản tiền đó ra và xét vào mục cần tiết kiệm cho những tháng sau. Như thế bạn vừa không tốn quỹ khẩn cấp mà vừa có thể mua máy giặt mới.

Bạn có thể yên tâm một điều là với đồ dân dụng, điện máy của những hãng lớn khi hỏng hóc bạn hoàn toàn có thể sửa lại và duy trì một khoảng thời gian từ lúc xảy ra vấn đề để bạn dành dụm những tháng sau. 

Tiết kiệm chi tiêu sao cho hợp lý đã khó nhưng dùng quỹ khẩn cấp đúng thời điểm lại càng khó hơn. Điều này cần rất nhiều nỗ lực vượt qua cám dỗ của từng người. Hy vọng những chia sẻ từ Mẹ&Con sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn!

Bài viết liên quan