Nhiễm trùng đường tiết niệu
Phụ nữ thường bị nhiễm trùng đường tiết niệu nếu nhịn tiểu thường xuyên. (Ảnh minh họa)
Việc nhịn tiểu sẽ khiến nước tiểu ứ lâu trong bàng quang, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Biểu hiện dễ thấy nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu chính là nước tiểu đục hoặc có màu máu, cảm giác nóng rát khi tiểu, hay buồn tiểu, sốt nhẹ… Nặng hơn là đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang, gây hại đến thận. Nếu gặp các triệu chứng như vậy, hãy đi kiểm tra ngay vì có thể bạn bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc bệnh liên quan đến thận.
Thông thường phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nam giới, do niệu đạo ngắn hơn và bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi xuất hiện ở nam giới.
Tiểu són
Nhịn tiểu thường xuyên sẽ khiến cơ thể mất phản xạ, khó điều khiển được khi nào cần tiểu và khi nào không. Cho nên nước tiểu cứ tự nhiên rỉ ra bất cứ lúc nào mà bạn không thể kiểm soát được, thậm chí nước tiểu còn chảy ra trước khi bạn tìm được cái toilet. Khi không may mắc phải bệnh tiểu són sẽ gây nên nhiều thứ bất tiện trong công việc cũng như trong sinh hoạt hàng ngày của bạn.
Suy thận
Khi bạn nhịn tiểu, cặn canxi không được đào thải và lưu lại tạo thành sỏi. Hơn nữa, nhịn tiểu lâu ngày còn gây nhiễm trùng và tổn thương thận, khiến thận không thể lọc hết độc tố ra khỏi máu nên rất nguy hại cho sức khỏe. Chất độc tích tụ lâu ngày sẽ khiến thận bị suy nặng khó phục hồi được. Các triệu chứng của suy thận bao gồm các vết bầm tím, phân có máu, tính khí thất thường, tâm trạng mệt mỏi và buồn ngủ. Một khi bị suy thận thì bạn phải chạy thận hoặc thay thận thì mới tránh được nguy cơ tử vong.
Sỏi thận
Sỏi thận thường xuất hiện phổ biến ở nam giới. (Ảnh minh họa)
Sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận. Những viên đá này có thể phát triển thành các kích cỡ và hình dạng khác nhau, thường xuất hiện phổ biến ở nam giới. Sỏi thận có thể hình thành do sự bất thường cân bằng nước, muối, chất khoáng và các chất khác trong nước tiểu. Hầu hết mọi người không nhận ra có sỏi thận cho đến khi họ đi tiểu có cảm giác đau đớn, có máu và có thể gây buồn nôn. Việc điều trị phụ thuộc vào kích thước của các viên sỏi. Sỏi thận nhỏ chỉ cần điều trị bằng thuốc và uống đủ nước.
Viêm bàng quang kẽ
Nước tiểu trữ lâu trong bàng quang dễ dẫn đến viêm bàng quang kẽ. Căn bệnh này khiến bạn phải đi tiểu thường xuyên nhưng mỗi lần chỉ đi được 1 ít. Thậm chí có trường hợp đi hơn 60 lần/ngày nên không chỉ gây hại sức khỏe và rất phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Đây là căn bệnh rất đáng lo ngại bởi bệnh này chưa có thuốc chữa dứt điểm mà chỉ điều trị để giảm bớt triệu chứng mà thôi.
Nguy cơ gây vô sinh ở nữ giới
Tử cung nằm ngay phía sau bàng quang. Do đó nếu bạn nhịn tiểu lâu khiến bàng quang tích trữ quá nhiều nước và phình to ra gây chén ép tử cung làm cho tử cung ngã về sau. Nhiều lần như thế thì tử cung sẽ khó trở về vị trí cũ dẫn đến nguy cơ vô sinh cao.
Nhìn màu nước tiểu đoán bệnh
Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua màu sắc nước tiểu:
– Màu nước tiểu bình thường từ vàng nhạt tới màu hổ phách.
– Nếu nước tiểu trở thành màu trắng cho thấy bạn uống quá nhiều chất lỏng.
– Nếu nước tiểu chuyển thành màu tối và đặc lại có nghĩa là bạn đang bị mất nước.
Lời khuyên hữu ích
– Khi buồn tiểu thì cần phải đi tiểu ngay bởi thời gian nhịn tiểu càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
– Sau khi tiểu xong nên vệ sinh lau vùng kín sạch sẽ để tránh vi khuẩn trong nước tiểu tồn đọng xâm nhập vào cơ thể gây hại.
– Uống đủ nước mỗi ngày cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường tiết niệu.