Mẹ&Con - Nhắc đến chuyện mang thai, bất kỳ ai cũng nghĩ ngay đến những cơn ốm nghén. Nghén đồng nghĩa với nhịp sống của bạn dường như đảo lộn. Từ một người khỏe mạnh, vui tươi, bạn trở nên yếu ớt, dễ cáu bẳn.

Từ một người ăn gì cũng ngon, bạn thành ra nôn nao suốt ngày, ngán tới mức đụng đến vài muỗng cơm mỗi bữa đã may. Từ một người đặt lưng xuống, 15 phút sau là ngủ, giờ bạn trằn trọc đến 2-3 giờ sáng mỗi ngày. Bạn “nghén” rồi đấy! Tuy nhiên, đừng “sợ” nó. Nghén không đáng sợ như bạn tưởng!

Đừng lo ốm nghén 3

(Ảnh minh hoạ)

Có phải ai cũng nghén?

Không hẳn thế! Tuy “nghén” quá ấn tượng, đến mức ai khi nghĩ tới bà bầu cũng hình dung ra những cơn buồn nôn bất chợt, những cơn mệt lả người, song không phải ai trước khi làm mẹ cũng phải chịu “nỗi khổ” ấy. Điều này tùy thuộc vào thể trạng của từng bà bầu. Có người chẳng hề biết thế nào là “nghén”, vì có thai mà vẫn “tỉnh queo” như bình thường, ăn ngon, ngủ ngon. Có người chỉ nghén đúng “thời gian hoạch định” (thường nặng nhất vào khoảng tuần thứ 8-9 của thai kỳ rồi giảm dần, đến tuần thứ 14-16 thì chấm dứt). Nhưng cũng có không ít “bầu”, nghén kéo dài từ lúc mang thai đến tận tháng thứ 4, thứ 5. Những cơn ốm nghén, nôn nao, ăn gì là “ra ngoài” nấy rất dễ khiến mẹ bị sút cân, mất nước, rối loạn chuyển hóa, không đủ chất dinh dưỡng nuôi thai nhi trong bụng.

Một cách tổng quát, nghén thường xảy ra vào những tháng đầu của thai kỳ, ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tình trạng này chiếm tỷ lệ khoảng 1/300 phụ nữ mang thai. Nhiều giả thiết cho rằng: tình trạng nghén do những thay đổi về nội tiết, do các chất từ nhau và thai nhi tiết ra, thay đổi ở hệ tiêu hóa của các “bầu”. Ngoài ra, sự căng thẳng, mệt mỏi hoặc yếu tố tâm lý cũng làm gia tăng tình trạng này. Song, có một điều phải lưu ý bạn rằng: trường hợp buồn nôn và nôn thường xuyên, dai dẳng rất hiếm xảy ra. Nếu bị buồn nôn quá dai dẳng, kéo dài, bạn nên hỏi bác sĩ để loại trừ những nguyên nhân khác như hội chứng gan nhiễm mỡ cấp tính, hội chứng nhiễm độc thai nghén, rối loạn dạ dày, ruột mà lại cứ tưởng là ốm nghén.

Một điều rất quan trọng nữa phải nói ngay với bạn là tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong giai đoạn mang thai mà không có chỉ định của bác sĩ, kể cả thuốc để ngăn chặn những cơn ốm nghén. Nếu bạn nghén quá mức, làm đủ mọi cách vẫn không thể nào ăn uống, ngủ nghỉ được, hãy gặp bác sĩ để tìm sự giúp đỡ, chỉ uống các thuốc do bác sĩ chỉ định với liều lượng phù hợp, đúng theo toa.

Có thể nói, vitamin B6 được xem là khá công hiệu trong việc giảm triệu chứng nghén (tuy nhiên, như đã nói, bạn chỉ uống khi bác sĩ đã trực tiếp khám và cho toa nhé!). Một số loại thuốc khác cũng có thể được bác sĩ cho bạn thử, chúng được sử dụng dưới dạng uống, tiêm hoặc nhét hậu môn. Một vài trường hợp “cá biệt”, nghén ở mức bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định để bạn truyền dịch, giúp cơ thể quân bình trở lại.

“Né” nghén được không?

Bạn không thể né những cơn ốm nghén, khi mà điều đó thuộc về “cơ địa” từng người. Song, điều đáng mừng là hoàn toàn có thể làm giảm bớt các triệu chứng ốm nghén quá nặng nề nếu như bạn thực hiện được một số việc theo gợi ý sau đây. Trước hết, đó là việc giữ cho tâm lý thoải mái và vui vẻ. Bạn có thể rất ngạc nhiên khi biết điều này, nhưng đó là sự thật. Yếu tố tâm lý tác động đến việc ốm nghén một cách “khủng khiếp”.

1. Bạn không nên quá lo lắng về chuyện có thai. Tinh thần người mẹ càng dễ chịu thì những cơn ốm nghén càng ít tác động đến. Hãy ăn những gì bạn cảm thấy ngon miệng. Giữ cho mình lạc quan, vui tươi. Bạn cũng có thể nghe những bản nhạc hòa tấu có âm thanh là tiếng chim, tiếng suối, v.v.. Trong giai đoạn này, áo quần, ra giường, v.v. bạn mặc hoặc dùng hàng ngày cũng nên là những sắc màu tươi sáng, tạo cảm giác hưng phấn, yêu đời. Bạn sẽ bất ngờ nhận ra khi mình ở vào trạng thái thoải mái thì những cơn ốm nghén cũng dường như giảm hẳn.

2. Việc kế tiếp có vẻ như chẳng ăn nhập gì tới ốm nghén nhưng kỳ thực lại có tác dụng rất tốt. Đó là giảm bớt áp lực công việc. Tất cả mọi nỗi lo về công việc (kể cả việc nhà) sẽ dồn nén lên bạn, khiến bạn ức chế, stress, dẫn đến tình trạng nghén nặng nề hơn. Hãy sắp xếp để ngay khi biết mình có thai giảm bớt được phần nào những áp lực từ công việc. Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là bạn bỏ hết, chẳng làm gì. Chẳng làm gì thì có khi bạn lại bị tác dụng ngược và chán không kém, từ đó dẫn đến cảm giác “ì”, ăn uống khó khăn, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, nôn nao, mất ăn mất ngủ.

3. Bạn cũng nên có những giấc ngủ thật sâu. Muốn như thế, bạn nên đi ngủ sớm. Buổi sáng cố gắng canh sao cho bạn có thể tự thức dậy (khi cơ thể đã ngủ đủ giấc) chứ không phải uể oải mở mắt vì tiếng đồng hồ reng báo đến giờ phải đi làm. Buổi trưa, bạn nên thu xếp để có thêm một giấc ngủ ngắn tại cơ quan. Nên nhớ, thai phụ cần ngủ 10-12 tiếng mỗi ngày. Nếu thiếu ngủ, việc những cơn nghén hành hạ bạn thêm là điều dễ hiểu. Khi ngủ đủ giấc, bạn sẽ cảm thấy cơ thể của mình khỏe mạnh, dồi dào năng lượng và sẵn sàng với nhịp điệu công việc cũng như việc chuẩn bị làm mẹ.

4. Ngoài ra, để dễ ăn uống trong lúc cứ chịu những cơn nôn nao, bạn nên chia thành nhiều bữa ăn, mỗi bữa ăn chút ít. Bằng cách đó, bạn sẽ ít bị nghén hơn là “dồn” lại vào 1-2 bữa chính. “Bầu” ăn khoảng 5 bữa/ngày sẽ ít nghén hơn “bầu” chỉ ăn từ 2-3 bữa. Hãy tránh cho mình cảm giác quá no hoặc quá đói khi mang thai vì cả hai điều này đều dễ làm bạn cảm thấy buồn nôn. Bên cạnh những bữa ăn “nghiêm túc”, bạn cũng nên dự trữ cho mình một ít bánh quy, vài hộp sữa trong giỏ xách khi đi ra ngoài. Bạn sẽ thấy chúng cực kỳ hữu hiệu để tránh cho bạn những cơn ốm nghén.

5. Lời nhắc quan trọng nữa là hãy uống nhiều nước! Càng thiếu nước, cơ thể bạn càng khó chịu, mệt mỏi, nôn nao. Ngược lại, khi được bổ sung đầy đủ lượng nước, có thể xen kẽ thêm cả sữa và nước ép trái cây, bạn sẽ thấy cơn nghén dịu hẳn xuống.

Tags:

Bài viết liên quan