Mẹ và Con - Thái độ trong công việc là chìa khóa giải mã rất nhiều thông tin, nếu biết cách thì chỉ một cái liếc nhìn là đọc vị được ngay một người.

Phàm là người thì đều có phẩm cách nhất định, có thể là tốt cũng có thể chưa hoàn thiện. Tuy là khái niệm trừu tượng, tưởng như xa xôi vời vợi nhưng kỳ thật nhân phẩm luôn bộc lộ qua từng hành động dù lớn dù nhỏ trong đời sống. Để thấu hiểu nhân phẩm một người, bạn chỉ cần nhìn vào thái độ trong công việc của họ.

Thái độ trong công việc và tầm nhìn

Những người có trình độ nhận thức khác nhau thì thái độ đối với công việc cũng khác nhau. Nói cách khác, tầm nhìn, cốt cách khi làm việc của mỗi người sẽ thể hiện ngay trong thái độ làm việc hằng ngày.

Đơn giản mà nói, bạn chỉ cần nhìn cách một người đánh giá công việc của mình là đoán được tầm nhìn của họ hạn hẹp hay rộng mở.

Người hạn hẹp, ích kỷ chỉ biết nghĩ đến cho bản thân, đặt lợi ích của bản thân lên trên hết. Đối với họ, công việc chỉ là công cụ kiếm tiền, làm vừa đủ là được. Làm nhiều một chút thì lợi nhuận thu về cũng vào túi sếp, là của công ty chứ đâu liên quan đến ích lợi của họ.

Người như thế này sẽ làm đủ việc được giao, có thời gian rảnh rỗi thì chơi bời giải trí. Thậm chí kẻ tiểu nhân còn đùn đẩy trách nhiệm, việc gì không cần làm thì tuyệt đối không làm. Thế mà không ít người còn tự hào vì biết cách tránh nặng tìm nhẹ như thế này.

Trái lại, những người có cốt cách khí khái, nhìn xa trông rộng thường không màng đến cái lợi trước mắt. Cách nhận biết họ cũng rất đơn giản. Đây chính là những người chăm chỉ làm việc, luôn tìm tòi cải tiến, xung phong nhận những việc khó để không ngừng rèn luyện, trau dồi bản thân.

“Bỏ con săn sắt bắt con cá rô” chính là để chỉ những người như thế. Họ hiểu rằng tích cực làm việc thì tốt cho bản thân chứ không chỉ đơn thuần là làm giàu cho công ty. Doanh nghiệp giàu thì đãi ngộ tốt hơn, đạo lý đơn giản nhưng người hạn hẹp lại không chịu hiểu. Người có thái độ tốt dù khởi đầu có thể gian nan, thậm chí làm việc không lương nhưng tương lai chắc chắn cực kỳ xán lạn.

thói quen giúp dân công sở tốt hơn

Nhìn thái độ, đoán EQ

Các nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh, trí tuệ cảm xúc hay EQ (Emotional Quotient) là yếu tố quan trọng trong cả công việc lẫn đời sống. Nói không quá thì EQ quyết định liệu một người có thể tiến xa bao nhiêu trong sự nghiệp của mình. Trí thông minh cảm xúc là khả năng nhận biết, thấu hiểu và quản lý cảm xúc của mỗi cá nhân. Chỉ số EQ càng cao thì ưu thế càng lớn. Một điều thú vị là bạn hoàn toàn có thể đánh giá EQ của một người qua thái độ trong công việc của họ.

Người có chỉ số EQ thấp thường dễ xích mích với đồng sự, khả năng chịu áp lực kém và đặc biệt dễ mất kiểm soát cảm xúc. Một người làm việc mà chỉ chăm chăm vào lợi ích riêng, không bao giờ chịu nhận lỗi, hay chỉ trích nhưng ghét bị phê bình thì chắc chắn EQ không thể cao được.

Ngược lại, người có EQ cao luôn giữ thái độ hòa nhã, giải quyết mâu thuẫn êm đẹp, không bốc đồng xốc nổi và biết cách lắng nghe. Đối với họ, công việc là công việc, tuyệt đối không thể để cảm xúc, quan điểm cá nhân lấn át trách nhiệm.

Giữ thái độ trong công việc tốt đẹp cũng là cách rèn luyện, tăng cường chỉ số EQ bản thân. Nếu một người ngay cả quản lý cảm xúc cũng không làm tốt, thì làm sao vượt qua nhiều thử thách còn khó khăn trên nấc thang sự nghiệp?

Đọc vị phẩm cách cá nhân một người qua thái độ trong công việc 2

Nhìn thấu bản chất người qua thái độ trong công việc

Dưới góc độ khách quan, doanh nghiệp và nhân viên là quan hệ trao đổi. Anh trao sức lao động còn tôi trả lương để đổi lấy năng lực của anh. Nhân viên tốt là người tìm cách giải quyết vấn đề mà không phải đẩy vấn đề khó cho cấp trên. Nếu việc nào cũng đến tay sếp thì nhân viên tồn tại còn ý nghĩa gì?

Thái độ trong công việc chính là điểm mấu chốt để ta nhìn thấu bản chất một người. Không phải nhân viên nào nhận lương cũng cố gắng làm tròn bổn phận. Rất nhiều người luôn tìm cách tránh việc, khôn lỏi, thậm chí qua loa, cẩu tha miễn sao xong việc được giao mà không màng tới chất lượng thành quả.

Rõ ràng, người chỉ chăm chăm đầu cơ trục lợi, tìm cách bòn tiền của công ty mà không muốn đóng góp là người không đáng tin cậy. Chẳng có vị sếp nào sau khi nhìn thấu bản chất này mà còn muốn trọng dụng họ dù năng lực có tốt đến đâu đi nữa.

Ngược lại, người bản chất tốt đẹp dù không phải người giỏi nhất nhưng vẫn là người tiến xa nhất trong sự nghiệp. Bởi thái độ trong công việc của họ cực kỳ chuyên nghiệp. Người như thế này dù không có thiên phú vẫn không ngừng cải thiện, học hỏi và luôn có chỗ đứng vững chắc trong xã hội.

Phẩm cách, bản chất của người thoạt chừng xa xôi khó nắm bắt kỳ thực hiển hiện rất rõ trong từng hành vi, cử chỉ đấy thôi. Một người có thái độ trong công việc tốt đẹp, tích cực tiến tới thì sớm hay muộn cũng nhận được quả ngọt. Bởi thế, bạn chỉ cần giữ cho mình thái độ đúng đắn thì cuộc sống ắt sẽ đi đúng hướng.

Bài viết liên quan