Mẹ&Con – Ai cũng biết sữa tươi, cá và trứng là 3 món giàu chất dinh dưỡng nhưng bạn có biết rằng trẻ chỉ được ăn 3 món này theo độ tuổi thích hợp?

“Nghe đồn” trẻ ăn hải sản sẽ cứng cáp, nhiều mẹ vội vàng ép con “măm” tôm cua khi bé chỉ mới vừa bắt đầu ăn dặm. Hậu quả, bé bị dị ứng, mẩn đỏ cả người. Thực tế, có rất nhiều món ăn mà phải “đủ tuổi” bé mới ăn được. Cho con ăn quá sớm một số món, khi cơ thể bé chưa đủ sức hấp thu, tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

1. Sữa tươi

Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, v.v. luôn được đánh giá là rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, bạn cần thuộc nằm lòng công thức này: phải đợi đến khi trẻ được ít nhất 1 tuổi mới đưa sữa bò tươi vào chế độ ăn của trẻ. Trước 1 tuổi, trẻ chỉ được bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức, tuyệt đối không được uống trực tiếp sữa bò tươi.

Với các chế phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai, trẻ từ 7 – 8 tháng tuổi trở lên có thể ăn được. Trước độ tuổi này, chỉ nên cho bé nếm một chút xíu làm quen, không nên cho trẻ ăn nhiều.

Tại sao? 

Trước khi tròn 12 tháng tuổi, bộ máy tiêu hóa của trẻ vẫn rất non yếu, chưa đủ “lực” để chuyển hóa các loại protein phức hợp có trong sữa bò tươi. Nếu cho trẻ uống sữa bò tươi lúc này sẽ gây “quá tải” cho dạ dày trẻ, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (đặc biệt là trong những gia đình có tiền sử mắc bệnh này), đồng thời trẻ cũng dễ mắc các bệnh dị ứng như eczema và hen.

Sữa tươi tuy rất tốt nhưng lại không giàu vi chất dinh dưỡng như sữa mẹ hay sữa công thức. Trong giai đoạn 12 tháng đầu đời, nếu bị thay sữa mẹ, sữa công thức bằng sữa tươi quá sớm, cơ thể trẻ sẽ nhanh chóng bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết.

Dinh dưỡng cho con theo độ tuổi

(Ảnh minh họa)

Lưu ý cho mẹ!

Với sữa tươi và các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, cần cho trẻ làm quen thật chậm, từng chút một. Khi cơ thể trẻ thích nghi được mới tăng dần lượng lên.

Nên cho bé uống sữa tươi nguyên kem (từ sau 1 tuổi đến khi ít nhất được 5 tuổi) chứ không nên dùng sữa gạn bớt kem, vì ở độ tuổi này trẻ rất cần chất béo.

Cho bé uống sữa tươi tiệt trùng, không dùng sữa tươi “nguyên” chỉ qua quá trình xử lý thủ công vì bé có thể nhiễm phải một số vi khuẩn có hại trong sữa chế biến thô sơ.

2. Cá

Cũng như sữa, cá là món luôn được các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích bé ăn. Cá giàu protein, các chất béo “tốt” như axit omega-3, DHA và EPA (các loại chất béo này cơ thể không thể tự tổng hợp được và cũng có rất ít trong các nguồn thực phẩm từ động hay thực vật khác) vốn dĩ rất quan trọng bởi chúng tham gia vào sự phát triển của não bộ, trí thông minh và mắt của trẻ.

Thêm nữa, cá chứa rất ít thành phần chất béo gây hại cho cơ thể so với những nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật khác. Tuy nhiên, cũng như sữa tươi, cá cũng đòi hỏi bạn phải lựa chọn thời điểm cho bé ăn thích hợp. Theo các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới, bạn chỉ cho trẻ ăn cá khi được từ 10 tháng tuổi trở lên. Đặc biệt, nếu gia đình có tiền sử dị ứng thuốc hay thức ăn, mắc bệnh hen suyễn hoặc những bệnh mãn tính khác, hãy đợi đến khi trẻ được 3 tuổi mới nên bắt đầu cho ăn.

Với các hải sản khác như cua, sò, ốc, hến bạn cũng chưa nên cho bé ăn với lượng nhiều nếu như trẻ chưa đầy 3 tuổi.

Tại sao?

Cá nói riêng và các loại hải sản nói chung là một trong những thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao nhất (nhất là cá biển).

Có thể nhận biết trẻ bị dị ứng cá qua các dấu hiệu: môi sưng phồng, mặt phù nề, da phát ban, nôn mửa, tiêu chảy, thở khò khè và đau bụng. Nếu bé có những biểu hiện dị ứng này, bạn nên dừng cho bé ăn cá. Trường hợp có những biểu hiện nghiêm trọng, hãy nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ.

Với trẻ nhỏ, tốt nhất nên cho bé ăn những loại cá có thịt màu trắng, vì loại cá này giúp trẻ dễ tiêu hóa và có nguy cơ thấp gây chứng dị ứng. Tránh cho bé ăn các loại cá biển vì chúng thường chứa hàm lượng thủy ngân cao, có thể dẫn đến ngộ độc.

Dinh dưỡng cho con theo do tuoi

(Ảnh minh họa)

Lưu ý cho mẹ!

Để việc cho bé ăn cá được an toàn, bạn chỉ nên lấy khoảng 1 muỗng cà phê thịt cá đã nấu chín và bỏ xương nghiền nhuyễn cho bé ăn. Quan sát kỹ, chỉ khi thấy bé không có bất kỳ biểu hiện dị ứng nào mới được tăng dần lượng cá lên sau đó.

Không nên cho trẻ ăn các loại cá đóng hộp, các thức ăn chế biến từ cá sống như gỏi cá mai, sushi, các món cá sống Nhật Bản, v.v..

3. Trứng

Hầu như đứa trẻ nào cũng mê món trứng. Một quả trứng lớn có thể cung cấp đến 6g protein và một lượng lớn vi chất thiết yếu, ngoại trừ vitamin C. Trứng là một trong những nguồn thực phẩm tự nhiên ít ỏi giàu vitamin D. Vì thế, có thể nói trứng, cùng với các sản phẩm sữa đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bé phát triển chiều cao tốt. Trứng còn là một nguồn cung cấp choline tuyệt hảo (choline là một vi chất rất cần cho sự phát triển của não bộ, đặc biệt hữu ích đối với trí nhớ của trẻ từ 2 tuổi trở lên).

Khi bé bước vào tuổi ăn dặm (6 tháng) là đã có thể làm quen với trứng. Tuy nhiên, bạn cần nhớ kỹ:

– Giai đoạn 6 – 7 tháng tuổi: bé chỉ nên ăn 1 bữa trứng mỗi tuần (mỗi bữa 1/4 lòng đỏ).

– Giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi: bé nên ăn 1 – 2 bữa trứng mỗi tuần (mỗi bữa 1/2 lòng đỏ).

– Trên 12 tháng tuổi: bé nên ăn 2 – 4 quả trứng mỗi tuần (ăn cả lòng trắng và lòng đỏ).

Ghi nhớ quan trọng: với bé dưới 1 tuổi, mẹ chỉ nên cho bé ăn lòng đỏ trứng.

Tại sao?

Bạn nên tránh cho bé ăn lòng trắng trứng gà đến khi bé được khoảng 1 tuổi vì hàm lượng cao protein có trong lòng trắng trứng tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng. Nhiều người không biết rằng dị ứng lòng trắng trứng là một trong những dị ứng rất phổ biến ở trẻ em.

Lưu ý cho mẹ:

Với trẻ nhỏ, bạn nên mua trứng gà công nghiệp cho trẻ ăn, vì đây là loại gà được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn hữu cơ, có tác dụng giảm lượng độc tố tồn tại trong trứng thông qua thức ăn.

Khi chế biến trứng cho bé ăn, luộc trứng cho chín rồi bóc vỏ, tách riêng lòng đỏ và lòng trắng ra. Dùng muỗng giầm nhuyễn lòng đỏ rồi trộn với bột/ cháo cho bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể tách lòng trắng – lòng đỏ khi quả trứng còn sống. Sau đó dùng lòng đỏ chế biến món ăn cho con như bình thường.

Tags:

Bài viết liên quan