Ngày nay, áp lực công việc, cuộc sống mưu sinh là vấn đề khiến cho chúng ta trở nên căng thẳng, dễ sinh các bệnh thuộc về tâm lý. Trong số đó, rối loạn lo âu được xem là căn bệnh dễ gặp, nhất là những người luôn phải chịu sức ép lớn. Đây thực chất là căn bệnh như thế nào và việc điều trị rối loạn lo âu có khó không? Mời bạn cùng Mẹ&Con tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này nhé!
Rối loạn lo âu là gì?
Chứng rối loạn lo âu là tên gọi dùng để chỉ một tình trạng mà ở đó người bệnh luôn sống trong cảm giác lo lắng, sợ hãi và căng thẳng với hầu hết mọi thứ. Những việc đơn giản, dễ dàng hàng ngày cũng sẽ trở nên nghiêm trọng, nặng nề hơn trong mắt những người bị rối loạn. Về lâu về dài, căn bệnh này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, công việc và các mối quan hệ xã hội. Nếu không có cách điều trị rối loạn lo âu kịp thời, bệnh sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, sinh ra ảo giác, ám ảnh,…
Có 5 dạng rối loạn lo âu thường gặp là:
– Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Người bệnh luôn bị ám ảnh về một vấn đề nào đó như sự hoàn hảo, máu, vi khuẩn…
– Rối loạn lo âu xã hội: Khi gặp tình trạng này, người bệnh luôn căng thẳng khi gặp người lạ, đứng trước đám đông,…
– Rối loạn stress sau chấn thương: Chấn thương này có thể là chấn thương ngoài da hoặc chấn thương tâm lý khi bị mất đi một thứ gì đó quan trọng trong cuộc sống. Tình trạng rối loạn này thường sẽ diễn ra dai dẳng, đôi khi là suốt cả cuộc đời.
– Rối loạn hoảng loạn: Người bệnh luôn trong tình trạng sợ hãi, hoảng loạn. Khi mắc phải tình trạng này, người bị bệnh thường sẽ tự cô lập bản thân, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
– Rối loạn lo âu toàn thể: tình trạng rối loạn, lo âu với hầu hết tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.
Nguyên nhân của bệnh rối loạn lo âu
Trước khi tìm cách điều trị rối loạn lo âu, bạn cần xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Theo đó, lý do phổ biến nhất dẫn tới bệnh rối loạn lo âu là căng thẳng kéo dài và không được giải tỏa hoặc chữa trị kịp thời. Ngoài ra, một số vấn đề sau cũng được xem là nguyên nhân khiến xảy ra:
– Hormone: sự thiếu hụt một số hormone dẫn truyền thần kinh cần thiết trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển, vận hành của não, làm cho bạn dần rơi vào tình trạng lo âu.
– Di truyền: một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng rối loạn lo âu xảy ra có liên quan đến vấn đề di truyền. Một gia đình mà cha, mẹ có tiền sử bị rối loạn lo âu thì tỉ lệ mắc lại ở con sẽ cao hơn nhiều so với các gia đình bình thường.
– Sức khỏe: rối loạn lo âu cũng có mối liên quan đến một số căn bệnh như HIV, tim mạch, tiểu đường, bệnh về nội tiết… Một phần là hệ miễn dịch bị suy giảm dẫn tới thiếu hụt hormone duy trì vận hành thần kinh như đã nói. Phần còn lại là do người bệnh chưa chấp nhận được hiện thực bệnh tình của bản thân (nói một cách suồng sã theo dân gian là “sợ chết”) nên sinh rối loạn.
Cách phòng tránh, điều trị
Để phòng tránh cũng như điều trị rối loạn lo âu, người bệnh cần phải cải thiện thói quen, lối sống của mình theo hướng lành mạnh, tích cực hơn. Một số cách để phòng tránh, điều trị bạn có thể tham khảo:
Xác định tình trạng của bản thân
Trước tiên, bạn cần xác định bản thân đang gặp dạng rối loạn lo âu nào. Nếu cảm thấy khó phân biệt thì hãy tìm tới một người bạn thân thiết để tâm sự, chia sẻ về suy nghĩ, cảm xúc và tình trạng sức khỏe của bản thân. Chỉ có như vậy thì mọi người xung quanh mới có thể tìm được cách tốt nhất giúp điều trị rối loạn lo âu.
Thay đổi thói quen sống
Một thói quen sống khoa học là điều mà các bác sĩ khuyến khích tất cả mọi người làm theo để điều trị rối loạn lo âu cũng như giữ cho tình trạng sức khỏe luôn duy trì ở trạng thái tốt nhất có thể.
Tuy biết rằng việc xây dựng cuộc sống lành mạnh, tích cực (ví dụ ăn đúng giờ, ngủ sớm và đủ giấc, không rượu bia…) là điều rất khó trong xã hội ngày nay, đặc biệt là giới trẻ với giờ giấc đi làm bất ổn định, nhưng không có nghĩa là cứ lao theo bỏ mặc bản thân. Công việc không có bạn thì người khác cũng có thể thay thế, nhưng sức khỏe bạn xuống cấp thì chẳng ai chịu đựng thay cho bạn cả. Chưa kể, làm việc khoa học với thói quen sống lành mạnh còn giúp cho việc điều trị rối loạn lo âu trở nên tích cực hơn và khả năng mắc lại cũng rất thấp nếu cố gắng duy trì điều này.
Tự tin vào bản thân mình
Khi mắc chứng rối loạn lo âu người bệnh thường cảm thấy bản thân quá bé nhỏ giữa thế giới đầy đáng sợ này. Tâm lý tự ti, thu mình này chỉ càng khiến cho bệnh tiến triển xấu đi, có thể dẫn tới trầm cảm.
Để thoát ra khỏi “vùng an toàn” đó, trước tiên bạn cần phải có dũng khí đối mặt. Bạn có thể dành ra mỗi ngày để viết một điểm tốt của bản thân hoặc một điều bạn cảm thấy biết ơn. Đó có thể chỉ đơn thuần là hôm nay bạn ngủ sớm hơn hôm qua hoặc biết ơn vì bạn bè xung quanh luôn trò chuyện cùng….Khi viết xuống những điều này thì lâu dần bạn sẽ cảm thấy tự tin vào bản thân hơn đồng thời không còn ác cảm với cuộc sống như trước nữa.
Điều trị rối loạn lo âu chủ yếu dựa vào ý chí và tâm thức của người bệnh. Tất nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất thì vẫn cần các bác sĩ tâm lý để tư vấn và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi người. Trước tiên, hãy cứ để bản thân thật thư giãn, phân chia thời gian cho công việc, giải trí hợp lý và thực hiện các bước trên. Nếu tình trạng kéo dài mà không có biến chuyển, bạn nên tới bác sĩ ngay nhé!