Phần I: Diệu kỳ giai đoạn phôi thai
Điều gì xảy ra trong 2 tuần đầu tiên…?
Chào mừng bạn đến với thế giới của những người mẹ, với những ai lần đầu tiên mang thai hoặc đang mong muốn có em bé thì đây có lẽ là thời khắc vô cùng thiêng liêng. Nhưng bầu cũng đừng vội mừng nhé. Vì ở 2 tuần đầu tiên của thai kỳ, bào thai vẫn chưa hình thành. Các bác sĩ sẽ dựa vào ngày cuối cùng của kỳ kinh gần nhất, để ước tính ngày trứng rụng và có khả năng đậu thai. Nhưng không hoàn toàn chính xác 100% bầu nhé, mãi cho đến tuần thứ 4, thứ 5 mới thể xác định chính xác ngày đậu thai.
Sự phát triển của thai nhi 2 tuần đầu: Ở 2 tuần đầu tiên của thai kỳ, buồng trứng sẽ giải phóng trứng chín để gặp tinh trùng và thụ tinh. Lúc này, những tinh binh khỏe mạnh sẽ nỗ lực vượt qua môi trường khắc nghiệt ở âm đạo, qua tử cung để đi đến gần buồng trứng. Thông thường chỉ có từ 1-2 tinh binh khỏe mạnh sống sót, có thể xuyên vào bên trong trứng để thụ thai. Một chặng đường dài vẫn đang chờ phía trước.
2 tuần đầu bầu nên:
– Bổ sung khoảng từ 0,4mg, hoặc 400 microgam axit folic mỗi ngày. Khoa học đã chứng minh, việc bổ sung axit folic trước khi mang thai một vài tháng có thể giảm thiểu các khuyết tật ống thần kinh như nứt đốt sống ở thai nhi.
– Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sản để làm kiểm tra về yếu tố di truyền, loại bỏ các yếu tố bên ngoài môi trường độc hại gây dị tật bẩm sinh.
– Trong 2 tuần đầu tiên, mẹ bầu nên hạn chế làm việc nặng, vận động quá nhiều, nên dành thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đủ chất.
Ở tuần 3, em bé mới là một phôi thai thôi nhé!
Bầu biết không, bước vào tuần thứ 3 của thai kỳ, em bé lúc này sẽ là một hợp tử chứa 46 nhiễm sắc thể di truyền đấy. Trong đó, 23 nhiễm sắc thể sẽ mang các yếu tố di truyền của người cha và 23 nhiễm sắc thể còn lại sẽ mang các yếu tố di truyền của người mẹ. Ở tuần thứ 3, một số yếu tố di truyền từ cha mẹ như màu mắt, màu tóc, màu da của bé cũng được thiết lập rồi đấy.
Ở tuần thứ 3, bé yêu mới chỉ là một phôi thai – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhi ở tuần thứ 3: Sau khi thụ tinh ở đoạn bóng của vòi trứng, các tế bào hay còn gọi là phôi thai sẽ đi qua ống dẫn trứng vào bên trong tử cung, môi trường cung cấp dinh dưỡng để nuôi bào thai sau này. Nếu có hai trứng khác nhau được thụ tinh bởi hai tinh trùng khác nhau, người mẹ sẽ mang thai đôi khác trứng. Mỗi bé sẽ có một túi ối và một bánh nhau riêng. Nhưng nếu một trứng thụ tinh với 1 tinh trùng, sau đó phôi thai mới tách làm đôi thì người mẹ sẽ mang song thai giống hệt nhau, cùng chung giới tính. Hai bé có thể cùng túi ối, hoặc chung bánh nhau tùy theo thời điểm phôi thai tách nhau. Thật kỳ diệu phải không các mẹ?!
Ở tuần thứ 3 bầu nên:
– Ở tuần thứ 3 các dấu hiệu mang thai đã bắt đầu thể hiện rõ ràng hơn. Vì thế, ở tuần này bầu hãy dùng que thử thai để xác định lại lần nữa nhé. Nếu không chắc chắn, có thể gặp bác sĩ chuyên khoa sản để được hỗ trợ thêm.
– Tránh tự ý mua và uống các loại thuốc chữa bệnh thông thường nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.
– Ở tuần thứ 3 này, bầu nên bổ sung thêm 600 mcg axit folic mỗi ngày nhé.
Bạn đã chắc chắn có thai…
Nếu như ở tuần thứ 3, khi kiểm tra nước tiểu bằng que thử thai, bạn vẫn chưa có dấu hiệu gì. Thì bước sang tuần thứ 4, qua que thử thai hoặc xét nghiệm máu bác sĩ sẽ thông báo rằng bạn đã chính có thai rồi nhé. Thật hạnh phúc phải không nào?!
Sự phát triển của thai nhi ở tuần 4: Một nửa phôi thai sẽ tách ra thành nhau thai – lớp màng bọc bên ngoài bảo vệ và cung cấp dinh dưỡng, cũng như oxy cho thai nhi trong suốt chín tháng thai kỳ. Phần còn lại sẽ hình thành bào thai và tiếp tục phát triển. Ở tuần này, các tế bào tạo ra ống thần kinh, não bộ, tủy sống và xương cùng của bé cũng đã bắt đầu hình thành.
Ở tuần thứ tư bầu nên:
– Ở tuần này, mẹ bầu nên ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
– Nên uống từ 8 -10 ly nước mỗi ngày
– Không nên cố tẩm bổ cho “hai người”, mỗi ngày bầu chỉ cần nạp đủ 300 calo là đủ.
– Nếu bị ốm nghén nên chia nhỏ bữa ăn để nạp đủ dinh dưỡng để khỏe cả mẹ và con nhé.
– Nên tránh làm việc và vận động nặng
Tuần thứ 5: Nhau thai và dây rốn đã bắt đầu hoạt động
Ở tuần thứ 5, trong lần siêu âm này, bầu sẽ được nhìn thấy túi thai. Lúc này, bức tường tử cung của bầu cũng có những phát triển vượt bậc. Nhau thai và dây rốn đã bắt đầu hoạt động cho phép oxy và chất dinh dưỡng đi qua trao đổi giữa người mẹ và thai nhi.
Ở tuần thứ 5, nhau thai và dây rốn đã bắt đầu hoạt động – Ảnh minh họa
Sự phát triển của thai nhỉ tuần 5: Ở tuần này, thai nhi bắt đầu bước vào giai đoạn “bận rộn cho sự phát triển”. Phôi thai đã tách ra và hình thành ba lớp riêng biệt: ngoại bì tạo thành hệ thần kinh gồm mắt, tai, tai trong và mô liên kết. Nội bì và các lớp bên trong sẽ hình thành các cơ quan nội tạng như phổi, ruột và bàng quang. Phần còn lại là trung bì, sẽ tạo ra tim và hệ tuần hoàn. Ở những tuần kế tiếp, trung bì sẽ tạo thành xương, các cơ, thận và cơ quan sản của bé yêu đấy.
Ở tuần thứ 5 bầu nên và không nên:
Nên:
– Để đối phó với chứng ốm nghén bầu nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn dễ tiêu hóa.
– Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sản để có được lời khuyên hữu ích.
– Bổ sung thêm vitamin và axit folic theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
– Xây dựng thực đơn giàu vitamin và các khoáng chất cần thiết như axit folic, sắt, can xi và vitamin B.
– Thực phẩm giàu sắt: Thịt màu đỏ đặc biệt là thịt bò, rau cải bó xôi, bông cải xanh, bí đỏ…
– Thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như: sữa và các chế phẩm từ sữa.
Không nên:
– Không nên lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
– Tránh xa công việc nặng nhọc và phải vận động nặng, vì ở giai đoạn này bào thai vẫn cần được nâng niu.
– Khi có dấu hiệu chảy máu bất thường nên tìm đến bác sĩ để được kiếm tra kịp thời phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra.
– Ở tuần này, bầu không được tập những bài tập mạnh, yoga, thiền, đi bộ nhẹ nhàng là lựa chọn tốt nhất cho bầu.
– Tránh ăn đồ cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh để tránh táo bón.
– Không ngồi quá nhiều, hãy vận động nhẹ nhàng để tăng sức khỏe và sức dẻo dai cho cơ thể.
Theo sự tư vấn của Ths. Bs. Võ Thanh Liên Anh, Trưởng Khoa Lâm Sàng, Bệnh viện Quốc tế Hạnh phúc.