Trẻ không chịu bú sữa mẹ, do đâu?
Trẻ dị ứng với mùi lạ từ bầu vú của mẹ nên bỏ bú. (Ảnh minh họa)
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ không chịu bú. Có thể trẻ bị nghẹt, tắc mũi không muốn bú. Nghẹt, tắc mũi làm trẻ bú khó khăn, bú không được dài hơi vì khi bú trẻ không thở được bằng miệng, nên cứ bú được một lúc lại dừng, há miệng ra để thở.
Một số trường hợp trẻ bị tưa lưỡi làm miệng đau, khó bú hoặc bỏ bú, quấy khóc. Với những trẻ lớn hơn, có thể đang mọc răng, bị ốm, viêm mũi họng, chất nhầy của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ không muốn bú.
Trẻ bỏ bú hoặc không chịu bú cũng một phần là do người mẹ. Có thể do tác dụng của thuốc an thần, thuốc chống nhiễm khuẩn mà mẹ phải dùng trước và sau khi sinh. Thuốc tiết qua sữa, khi trẻ bú vào trở nên lơ mơ, uể oải không muốn bú.
Ngoài ra, do trẻ bú bình trong những ngày đầu đã quen với đầu vú cao su, mút sữa dễ dàng mà không quen vú mẹ. Trẻ có thể dị ứng với mùi lạ do chế độ ăn của mẹ chứa nhiều chất nồng, làm thay đổi mùi vị sữa. Hoặc do vú quá căng sữa, tia sữa xuống nhanh và mạnh, làm trẻ dễ bị sặc rồi sợ bú.
Cách khắc phục
Cho trẻ bú đúng tư thế. (Ảnh minh họa)
1. Trường hợp bé sinh non hoặc trẻ bị sang chấn trong khi sinh, mẹ cần thay đổi tư thế cho con bú, tránh chạm vào các vết đau khiến bé quấy khóc và không chịu bú.
2. Nếu trẻ bị nghẹt, tắc mũi cần phải vệ sinh, làm thông thoáng mũi trước khi bú và làm từ 3 đến 5 lần trong một ngày. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% làm loãng dịch mũi, chờ vài phút sau đó làm sạch mũi. Hoặc có thể sử dụng dụng cụ hút mũi cho trẻ.
3. Mỗi lần trẻ bú, nếu sữa mẹ nhiều, để trẻ đỡ sợ và không bị sặc sữa, có thể dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa giữ vú ở thế gọng kìm để sữa chảy chậm lại. Trường hợp trẻ bị mọc răng, khiến bé đau không chịu bú, mẹ nên kiên nhẫn tiếp tục cho con bú.
Vệ sinh vú trước và sau khi cho con bú (Ảnh minh họa)
4. Nhận biết trẻ bị tưa lưỡi bằng cách quan sát miệng trẻ, nếu thấy có những mảng trắng đục ở trong lưỡi, vòm miệng thì mẹ cần vệ sinh miệng cho bé. Dùng khăn mềm thấm nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày hoặc dùng nước mật ong pha loãng hay nước rau ngót lau miệng cho trẻ 3 đến 4 lần trong ngày. Sau 4 hoặc 5 ngày mà bé vẫn không hết tưa lưỡi, mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ Nhi khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.
5. Mẹ cần phải biết cách cho con ngậm bắt vú đúng, không cho con bú bình vì nếu trẻ bú bình sẽ không bú sữa mẹ.
6. Bên cạnh đó, nên lưu ý vệ sinh vú trước và sau khi cho con bú.
7. Cho con bú bầu vú bên trái trước, vì trẻ mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải. Sau đó, chuyển trẻ sang bú bầu vú bên phải, lúc này dạ dày trẻ đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái. Sau khi bú xong, cần bế trẻ theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ hơi.