Mẹ&Con – Không giống như bố mẹ ngày xưa có tuổi thơ rất đỗi “hiền lành”, trẻ con bây giờ có điều kiện tiếp xúc sớm với internet, facebook, blog, v.v..

Chưa hết, trẻ còn có nhiều cơ hội thi thố, phát triển tài năng, thể hiện chính mình. Điều này dẫn đến một “hệ lụy” mà nhiều phụ huynh chưa lường tới: Bé sẽ sớm phải đối diện với “dư luận”, với những lời khen chê, đặc biệt là những lời khen chê khó kiểm soát từ trên mạng.

Đã có cô bé khóc nức nở không dám vào bất cứ trang mạng nào vì bị “ném đá” tơi tả sau một cuộc thi. Có các bé gái ở Việt Nam và cả nước ngoài bị trầm cảm, sau đó tự tử chỉ vì… những lời trêu đùa, chỉ trích quá trớn về em trên mạng ảo. Điều đó đủ thấy, việc dạy cho trẻ một “bản lĩnh” để có thể đối diện với lời khen chê, với những bình luận, “kích động” từ trên mạng không hề dễ.

dạy con bản lĩnh trước lời khen chê

(Ảnh minh họa)

Con “sốc” vì dư luận ảo

H., một bé gái mới học lớp 7 nhưng đã sớm đạt được một số thành công nho nhỏ từ những cuộc thi hát. Cô bé lập cho mình một tài khoản Facebook, rồi mỗi ngày cũng lên đấy kết bạn, cập nhật một số hoạt động của mình, chia sẻ tình cảm với “fan” của mình. Ban đầu, trang Facebook của H. khá bình thường, cuộc sống của em cũng không khác biệt mấy so với bạn bè trang lứa. Sự việc chỉ bắt đầu “nổi sóng” khi tại một cuộc thi văn nghệ ở trường, em “bị” xếp giải nhì, thay vì giải nhất, vì thầy cô đánh giá rằng tiết mục của em không bằng tiết mục của bạn.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như cô bé không lên Facebook viết một vài dòng thể hiện sự “bức xúc” của mình trước kết quả cuộc thi. Ngay lập tức, lượng bạn bè trong trường vào xem và lao vào bình luận trên trang của em tăng vọt. Ban đầu chỉ là nói qua nói lại giữa vài người bạn. Nhưng liền sau đó, hàng loạt nick ảo bắt đầu vào chửi bới, mắng nhiếc, nói rất nặng lời với em. Những lời dọa tẩy chay, những lời lẽ quá khích như: “Về soi gương lại đi, xem mình giống như con gì?”, “Hát thế mà cũng bày đặt đòi làm… ca sĩ nhí. Lại còn mở miệng chê bai người khác”, “Tưởng mình là ai chứ” khiến H. sốc thật sự.

Điều đáng nói là bố mẹ em quá bận rộn với công việc nên chẳng hề nhận ra sự khủng hoảng của con, cứ tưởng rằng con đang quá mệt với bài vở ở trường thôi. Em vào lớp thì nghe bạn bè xì xầm. Về đến nhà lại toàn phải tức giận, sợ hãi, buồn bã trước những lời nhận xét mới. Kết quả học tập lập tức bị giảm sút sau một tuần lễ ở trường. Tệ hơn, em suy sụp tinh thần, đòi… tìm đến cái chết, nhưng rất may mẹ em vô tình đọc được mấy dòng em viết trong nhật ký.

Vụ việc của H. chỉ là một trong số vô vàn những “lùm xùm” của thế giới mạng ảo. Việc tạo nick, tham gia vào các mạng xã hội, các forum trở nên quá dễ dàng. Nhiều bé, không được phụ huynh kiểm soát chu đáo (mà có khi chính phụ huynh cũng không biết cách) nên thoải mái, tha hồ tạo nick và tham gia vào các diễn đàn, các cộng đồng mạng này. Các em gắn bó với thế giới mạng có khi còn hơn cả thế giới thật bên ngoài. Song, các em lại không hề có kỹ năng để biết cách ứng phó với “dư luận”, với những bình luận, khen chê “thẳng thừng”, với cả những lời nói xúc phạm được “trưng ra cho tất cả mọi người cùng đọc”.

Đã có những em, mới ở bậc học cuối cấp 1, đầu cấp 2 mà phụ huynh đã phải đưa đến trung tâm tư vấn vì bé bị một nick lạ suốt ngày “gây sự”, dọa nạt ở trên mạng. Hay như vụ việc mới đây nhất, một cô bé tham gia một chương trình truyền hình. Ngay sau đó, cả một cơn bão bùng lên trên các diễn đàn, các mạng xã hội “ảo” với hàng chục ngàn lời bình luận nặng nề. Đương nhiên, chuyện phân tích về vụ việc này thì báo chí đã làm nhiều. Nhưng chỉ đánh giá riêng về tâm lý của cô bé, đột ngột bị sốc, bị khủng hoảng trước “dư luận” chê bai, thì nếu như em không được trang bị kỹ năng, không có gia đình bên cạnh, chừng đó cú sốc từ mạng ảo có thể tạo nên một tổn thương nặng nề, sâu sắc, khiến em mất tự tin trong cuộc sống, thậm chí trầm cảm như chơi.

dạy con bản lĩnh trước lời khen chê 1

(Ảnh minh hoạ)

Dạy con vững tâm trước “ảo”

Điều mang tính căn bản và nền tảng trước hết là cần giúp trẻ ý thức được rằng, trong cuộc sống, thành công hay thất bại, khen hay chê là chuyện rất bình thường. Cha mẹ không nên khen con quá nhiều, dù trẻ có thể có một số năng khiếu vượt trội so với bạn bè cùng lứa. Bởi lẽ, càng “quen” với lời khen thì trẻ sẽ càng dễ sốc khi phải đối diện với dư luận ảo, với những khen chê “tràng giang đại hải” chẳng thể kiểm soát từ trên mạng (một thế giới mà dù muốn dù không, phụ huynh cũng phải chấp nhận rằng nó tồn tại, có thật và là một phần cuộc sống của thế hệ những trẻ em thời @).

Luôn nhớ, việc khen ngợi trẻ sẽ có ý nghĩa tích cực, giúp các bé tự tin hơn, nhưng nếu sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, hay lạm dụng, có thể khiến trẻ tự mãn về bản thân, mất khả năng “chịu đựng” khi gặp phải một lời chê (dù nhỏ), từ đó dẫn đến phản ứng một cách tiêu cực khi phải đối diện với những lời chê bai, bất đồng ý kiến trên mạng. Hãy khen bé những việc bé làm tốt một cách thật cụ thể, tránh sử dụng liên tục những cụm từ chung chung như “con siêu quá”, “con giỏi nhất”, “đỉnh của đỉnh”, “tài năng”, “thần đồng”…

Kế đến, thay vì tuyệt đối ngăn cấm con vào mạng, lên các diễn đàn, mở tài khoản Facebook, blog như một số bậc phụ huynh đã chọn, bạn nên hiểu rằng với một đứa trẻ thế hệ 9x, 10x, việc này là hoàn toàn… không thể! Ngăn con đến với mạng ảo chẳng khác nào “nhốt” con trong tường thành của riêng mình, nhưng đến lúc trẻ tò mò tìm hiểu, trẻ vượt qua khỏi tường thành đó thì lại càng dễ vấp váp hơn, do không hiểu gì về thế giới bên ngoài.

Thay vì ngăn cấm con, trong trường hợp đó, bạn nên định hướng cho trẻ, giúp con thực hiện một số quy tắc an toàn trên mạng. Ví dụ như hạn chế cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh của trẻ trên các trang mạng ảo, dạy trẻ cách chia sẻ cùng bố mẹ mỗi khi gặp phải chuyện vượt khả năng giải quyết của trẻ, hướng dẫn con cư xử hòa nhã, nhẹ nhàng trước mọi nhận xét về mình, hướng dẫn con thiết lập một số “giới hạn” như chỉ cài đặt các trang cá nhân như Facebook, blog ở chế độ dành riêng cho bạn bè thân thiết của trẻ mới đọc được, nhận xét được mà thôi.

Th.S Nguyễn Thị Châu Hà 

Theo dõi chặt chẽ “thế giới ảo” của bé

Internet mang đến cho trẻ một nền văn hóa được kết nối 24/24. Không thể ngăn cấm, nhưng bạn có thể kiểm soát con chặt chẽ hơn trên thế giới ảo này. Đây là một số gợi ý mang tính căn bản nhất.

+ Không để máy tính riêng kết nối internet trong phòng con. Nếu muốn sử dụng mạng, trẻ cần sử dụng ở một không gian chung trong nhà, nơi bạn dễ dàng theo dõi một cách kín đáo xem con đang làm gì với mạng.

+ Sử dụng các phần mềm cho phép loại, chặn một số trang web mà bạn không muốn con vào.

+ Gần gũi con, cùng sử dụng internet với con để có thể như một người bạn “ảo” của trẻ trong thế giới mạng. Bằng cách này, bạn dễ dàng hơn để theo sát những diễn biến của con.

+ Nhắc nhở con không cung cấp các dữ liệu quá chi tiết về bản thân mình trên mạng, kể cả ở những trang web lành mạnh. Trẻ không nên cung cấp địa chỉ nhà, số điện thoại, email, nick chat… một cách thoải mái trên mạng. Càng không nên đưa quá nhiều hình ảnh của bản thân mình lên.

+ Phụ huynh nên tìm hiểu về Facebook vì đó là trung tâm cuộc sống trên mạng của trẻ. Trẻ cần được bạn nhắc nhở và hiểu rõ rằng mọi thứ trẻ đưa lên Facebook đều có thể được chia sẻ (share), sao chép, dán, gửi… cho hàng nghìn người trong một tích tắc. Do đó, trẻ cần phải hết sức cẩn thận lời ăn tiếng nói, tuyệt đối không nên cho rằng mạng là “ảo” để nói năng thô lỗ, gây hấn. Ngay cả nếu trong trường hợp có người cư xử quá khích, trẻ cũng chỉ nên im lặng hoặc báo với cha mẹ để có hướng cư xử ôn hòa. Gian lận, nói dối, cư xử ác ý được xem là những hành động không thể chấp nhận. Ông bà xưa luôn dạy một bàn tay thì không vỗ nên kêu. Nếu chỉ có sự gây hấn, chê trách một chiều từ người khác, trong khi trẻ vẫn im  lặng, cư xử đúng mực thì sự việc sẽ mau chóng qua nhanh.

+ Làm gương tốt cho con. Cách bạn cư xử trên mạng, Facebook thế nào sẽ được trẻ bắt chước y như thế ấy. Cũng cần hướng con đến nhiều hoạt động ngoại khóa bên ngoài đời thực, giúp trẻ cân bằng “thật – ảo”.

Tags:

Bài viết liên quan