Vấn đề không phải là không nên cho con làm quen sớm mà là cha mẹ thường không có kỹ năng giáo dục được đào tạo bài bản như các giáo viên. Nên nếu muốn dạy con thì bạn cần biết cách dạy bé đánh vần sao cho phù hợp. Từ đó con học hiệu quả mà cha mẹ cũng ít áp lực vì “dạy mãi không thông”.
Cha mẹ có cần biết cách dạy bé đánh vần?
Bước vào lớp 1 bé sẽ bắt đầu làm quen với một cách học khác với lượng kiến thức nhiều hơn hẳn. Nếu cha mẹ biết cách dạy bé đánh vần ghép chữ tại nhà sẽ giúp con nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường mới. Việc giúp trẻ tự tin, mạnh dạn ở lớp sẽ kích thích sự hứng thú trong việc học mà không cần cha mẹ thúc ép.
Tuy nhiên, việc học đánh vần tại nhà trước khi vào lớp một nên là các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng hơn là tạo áp lực học hành lên trẻ. Có thể bạn chưa biết, trẻ em học tốt hơn khi được vui chơi. Tinh thần thả lỏng và sự vui vẻ chính là chìa khóa giúp kiến thức “in” vào trí óc các con hiệu quả nhất. Vậy nếu muốn dạy bé đánh vần tại nhà cha mẹ cần làm gì?
Dạy bé đánh vần ghép chữ gồm những gì?
Dạy bé đánh vần bằng cách làm quen mặt chữ
Trước tiên thì cần cho bé làm quen với mặt chữ. Bạn có thể chọn mua các bộ chữ được làm sẵn hoặc tự thiết kế đồ chơi cho bé. Mỗi ngày dạy bé 1-2 chữ cái mới, dạy cách đọc, phát âm chính xác cho con với nhiều hình ảnh minh họa sinh động giúp bé nhớ lâu, đặc biệt là các bé có tính hay quên. Sau khi học hết 29 chữ cái thì trẻ cần được học tiếp về thanh dấu.
Dạy con về dấu câu
Trong tiếng Việt có 5 dấu câu và 6 thanh điệu, hãy mô tả kèm phát âm minh họa để trẻ nhanh chóng nắm bắt được chúng:
- Dấu sắc: Lên giọng mạnh.
- Dấu huyền: Âm đọc giọng nhẹ, hơi trầm.
- Dấu hỏi: Đọc xuống giọng rồi lại lên cao.
- Dấu ngã: Đọc lên giọng rồi xuống ngay (ngược lại với hỏi nhé).
- Dấu nặng: Đọc nhấn giọng xuống.
- Thanh ngang: Không lên xuống giọng, không có dấu câu.
Cha mẹ cần tập để trẻ phân biệt được rõ ràng và phát âm đúng các dấu câu này trước khi bước sang phần cuối cùng – ghép vần.
Dạy bé đánh vần ghép chữ
Bước khó nhất chính là dạy bé đánh vần ghép chữ. Cha mẹ không nên dạy theo thói quen. Bạn cần tham khảo để dạy sát với sách giáo khoa lớp 1 nơi bé học để tránh ở nhà dạy một đằng đến trường học một nẻo. Đây có lẽ cũng là điều nhiều phụ huynh lo lắng khi muốn dạy bé đánh vần tại nhà.
Trong tiếng Việt, một tiếng thường gồm: âm đầu, vần và thanh. Bạn dạy bé ghép vần với những từ đơn giản trước để bé làm quen tại nhà. Ví dụ dạy bé đánh vần “a nờ an”, sau đó ghép vần với âm đầu “bờ an ban” và ghép với thanh dấu “bờ an ban nặng bạn”. Lưu ý rằng bạn cần xem cách dạy ghép vần trong sách giáo khoa bé được học nhé.
Sau khi đã vượt qua được các từ đơn giản thì tiến hành dạy trẻ ghép các từ khó, dài như “uyên”, “ưu”, “nghiêng”… Cha mẹ nhớ không được nôn nóng và phải đảm bảo trẻ đánh vần, ghép âm đúng trước khi bước sang từ tiếp theo nhé.
Lưu ý gì khi dạy con đánh vần?
Không phải đứa trẻ nào cũng học nhanh chóng, dạy một hiểu mười. Có những bé chậm hiểu, những bé không có năng khiếu học ngôn ngữ hoặc các bé thích những môn học khác hơn. Đó là chưa kể trẻ con khó có thể tập trung trong thời gian dài như người lớn. Vậy nên để buổi học hiệu quả thì cha mẹ nhớ:
- Chọn thời điểm thích hợp: Dạy trẻ đánh vần trong tối đa 20 phút. Chọn thời điểm trẻ tỉnh táo, tránh bị xao nhãng, ồn ào hoặc thời gian bé sắp ngủ/mới ăn no.
- Bình tĩnh và kiên nhẫn: Như đã nói, không phải đứa trẻ nào cũng là “thần đồng”. Cha mẹ không nên đặt kỳ vọng cao rồi tạo áp lực, quát mắng khi con học chậm. Điều này chỉ khiến bé càng sợ hãi việc học, học chậm hơn thậm chí chán ghét học hành. Hãy từ tốn và khen ngợi bất cứ lúc nào con làm đúng. Luôn sẵn lòng trả lời và khuyến khích con hỏi ngay khi không hiểu.
- Chọn phương pháp học tập hiệu quả: Có nhiều cách học khác nhau. Có bé nhớ tốt khi nghe, có bé thì giỏi nhớ hình ảnh mặt chữ… Cha mẹ cần tìm hiểu xem con thích học qua kênh nào nhất để thiết kế những buổi học hiệu quả.
Nhìn chung, học tập ở trường thường chưa đủ. Một lớp có rất đông học sinh nên thầy cô giáo khó lòng theo sát từng bé. Cha mẹ nên dạy bé đánh vần nhằm tạo cảm hứng học tập cho bé ngay từ cấp học đầu tiên. Hãy quan tâm và tìm cách hỗ trợ khi con gặp khó khăn mà không phải quát tháo, áp lực phải học nhanh học giỏi.