Mẹ&Con – Trải qua một tuổi thơ vất vả, từng phải “nếm” nhiều món của thời cơ cực nên không ít bố mẹ vô tình bị ám ảnh, cứ nhất định tránh hết cho con những món ăn này.

Nhưng, điều thú vị là không ít món “nhà nghèo” hóa ra lại tốt cho sức khỏe hơn cả những món “sang trọng” như gà rán, thịt hộp, bánh kẹo, nước ngọt, kem… mà bố mẹ đang ráng “bù đắp” cho con.

Giờ sướng rồi, sao lại bắt con ăn “kham khổ”?

Từng có một tuổi thơ gắn bó chặt chẽ với những bữa cơm độn khoai lang, thèm chén cơm trắng cũng không có được nên chị Hương Mai (Quận 1) luôn sợ và ngán mỗi khi nhìn thấy bất kỳ củ khoai lang nào! Nỗi ám ảnh này lớn đến mức sinh ra hai đứa con, từ lúc con biết ăn dặm đến nay, khi bé đã được 7-8 tuổi, chị hầu như rất hiếm khi cho con đụng đến… khoai lang. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Rất nhiều bậc cha mẹ khi gặp bác sĩ hỏi về dinh dưỡng cho con, được bác sĩ tư vấn những thực đơn như cho bé ăn khoai lang, ăn rau luộc, ăn bắp luộc, ăn cháo đậu xanh, cháo đậu đỏ muối mè… đều nhíu mày băn khoăn: “Bác sĩ ơi, sao bắt bé ăn chi mà cực dữ vậy bác sĩ?!! Ăn uống thiếu chất như vậy sao bé nó lớn được!”, thậm chí là: “Con em ăn kham khổ vậy tội nghiệp lắm, không được đâu bác sĩ!!!”

Có một chuyện rất ngộ nghĩnh (nhưng rất đúng): Thói quen ăn uống của trẻ ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ rất nhiều. Bạn để ý mà xem, nếu người mẹ không ăn được khổ qua (vì sợ đắng) thì thông thường là họ chẳng bao giờ nấu khổ qua cho con ăn luôn, vì nghĩ con cũng sợ đắng như mình. Nếu người mẹ không chịu ăn mỡ thì thường bé cũng sẽ không biết ăn mỡ, vì ảnh hưởng cách nấu ăn, thói quen ăn của mẹ.

Kẹt thay, không ít người mẹ như đã nói, cứ thấy hồi bé mình thèm cái gì là nghĩ cái ấy tốt cho con, thương con nên muốn “bù đắp” cho con. Có chị, ngày nào cũng cho bé ăn kem. Bác sĩ nhắc nhở thì bảo: “Ngày xưa em cứ nhìn thấy que kem là thèm chảy nước miếng mà làm gì có tiền mua. Giờ sướng rồi, em không muốn con cơ cực giống mình nữa nên muốn bù đắp cho con!” Cách “bù đắp” của mẹ là cứ cho con ăn những món thật đắt tiền, cho con vào các nhà hàng sang trọng, có người phục vụ, cho con thưởng thức những phần ăn mà ngày xưa mình chả bao giờ được đụng tới, từ bánh pizza hải sản, đến gà rán chiên giòn, đến khoai tây lắc, kem tươi, pa-tê đóng hộp, nước trái cây đóng hộp, coca, các loại nước ngọt đóng chai, v.v..

Ơ hay, nhưng sao bé cứ càng ăn những món này càng nảy sinh những vấn đề về sức khỏe? Có bé, con “nhà giàu” hẳn hoi, muốn ăn gì được ăn nấy, thậm chí mẹ còn mua cho cả yến sào để con ăn mỗi cuối tuần nữa, mà suy dinh dưỡng vẫn hoàn suy dinh dưỡng! Mang con đến trung tâm dinh dưỡng với tình trạng bé biếng ăn nặng, cơ thể thiếu chất, phát triển không toàn diện, mẹ cứ căng thẳng phân bua với bác sĩ: “Em chả tiếc với con cái gì cả, món đắt tiền mấy em cũng mua cho bé ăn mà sao con lại suy dinh dưỡng bác sĩ?”. Có bé, không suy dinh dưỡng thì lại béo phì. Bác sĩ lên chế độ ăn giảm cân, yêu cầu tăng cường rau, thay thế những thịt cá, thức ăn nhanh thì mẹ lại thở vắn than dài: “Cho con ăn khổ quá tội nó bác sĩ ơi!”, “Thấy con đói, bảo thèm ăn mà mình không cho, em cứ xót cả ruột gan!”

An kieu con nha ngheo

(Ảnh minh hoạ)

Món “khổ” thật ra không hề “khổ”

Thực tế, rất nhiều món ăn “bị” mẹ xếp vào nhóm món của con “nhà nghèo” lại là món cực kỳ tốt cho sức khỏe. Trong khi ngược lại, rất nhiều món tưởng là chỉ các cậu ấm cô chiêu được bố mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa mới cho thưởng thức lại không phải món tốt cho con bạn như bạn vẫn tưởng.

Đơn cử dễ thấy nhất như món cháo đậu xanh. Đậu xanh vốn được biết đến bởi tính ưu việt trong việc giải độc, thanh nhiệt cơ thể. Trong đông y, đậu xanh có thể giúp làm mát gan, làm sạch mát nước tiểu, chữa lở loét, làm sáng mắt, hạ huyết áp, mát buồng mật, bổ dạ dày, giúp giảm cả tiêu chảy. Trong những trường hợp ngày nắng nóng, đậu xanh lại có tác dụng giúp giảm hẳn những cơn say nắng, giúp ngăn ngừa mụn nhọt cho bé.

Chưa hết! Đậu xanh lại có thành phần dinh dưỡng rất cao. Bên cạnh thành phần chính là protein, tinh bột, chất xơ, đậu xanh chứa rất nhiều vitamin như vitamin E, B1, B2, B3, B6, C, vitamin K, acid folic, các vi khoáng gồm canxi, magiê, kali, natri, sắt, kẽm, v.v.. Đậu xanh lại còn cung cấp chất xơ hòa tan. Chất này đi qua đường tiêu hóa, lấy đi những chất béo thừa và loại bỏ khỏi cơ thể trước khi hấp thụ, nhất là cholesterol.

Ăn cháo đậu xanh thường xuyên giúp những trẻ bị béo phì kiềm chế sự thèm ăn và giảm lượng chất béo nguy hiểm cho cơ thể. Đồng thời đậu xanh giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn nên rất tốt, có thành phần hạ mỡ máu hữu hiệu nên nó giúp cơ thể phòng chống chứng xơ cứng động mạch và bệnh cao huyết áp. Đọc đến đây, bạn có thấy bạn bỏ đi của con bao nhiêu chất tốt lành trong một món cháo đậu xanh ăn với nước tương đơn sơ, dân dã, kiểu con “nhà nghèo” ấy chưa?

Một món điển hình khác của con “nhà nghèo” là… khoai lang! Khoai lang quá rẻ, quá dễ tìm nên nhiều bà mẹ không biết rằng nó là thứ thần dược được gọi là Sâm Nam (quý như củ sâm của phương Nam). Qua nghiên cứu, người ta phát hiện khoai lang chứa dồi dào chất Beta-caroten, rất hữu ích cho cơ thể. Chỉ cần mỗi ngày ăn một củ khoai lang luộc, cũng đủ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư lên gấp nhiều lần.

Khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C, E, protein, tinh bột, chất nhựa, các axit amin và hơn 10 loại nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khoẻ cơ thể như: Canxi, Kẽm, Sắt… Nó được xếp vào các loại thực phẩm cân bằng dinh dưỡng lý tưởng nhất. Chưa hết, khoai lang còn chứa rất nhiều chất xơ trong trạng thái lỏng nên có khả năng giảm rõ rệt chất cholesterol trong máu. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây nên đặc biệt tốt với trẻ cần giảm cân. Ngoài ra, khi trẻ bị cảm sốt, cho trẻ ăn khoai lang nấu nhừ với một vài lát gừng và ít muối thì bệnh thoái lui cực nhanh, trẻ rất mau bình phục. Thật đáng tiếc nếu như vì những “ám ảnh” không đáng có của thời cơ cực mà bạn loại bỏ mất món ăn này trong thực đơn của con yêu! 

Hỏi nhanh bác sĩ

H: Khi nấu cháo đậu xanh cho con, có nên đãi bỏ lớp vỏ bên ngoài đi không, thưa bác sĩ? Một vài lần em đãi bỏ lớp vỏ này nhưng mẹ em lại bảo giữ vỏ lại, cho bé ăn cả vỏ mới tốt. Điều này có đúng không?

Đ: Mẹ bạn nói đúng đấy bạn ạ! Khi nấu chè đậu xanh hoặc cháo đậu xanh cho bé ăn, bạn đừng đãi bỏ lớp vỏ bên ngoài, vì đó chính là nơi chứa các thành phần có tác dụng hỗ trợ sức khỏe và phòng chống bệnh. Các thành phần này bao gồm các vitamin, vi khoáng, và cả các chất flavonoid thảo mộc có tác dụng làm tăng đề kháng, giúp cơ thể chống lại với các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Lượng chất xơ trong đậu xanh cũng được cung cấp chủ yếu từ lớp vỏ này. Bạn chỉ cần rửa sạch đậu xanh rồi nấu nguyên cả vỏ cho chín mềm nhừ là được.

Tags:

Bài viết liên quan