Viêm đường hô hấp
Bạn tự hỏi, sao bình thường bé vốn khỏe, mà cho đi chơi mới 1 ngày đã bắt đầu húng hắng ho, khụt khịt mũi…? Thật ra, chuyện này rất dễ xảy ra. Một phần, khi đi chơi trẻ chạy nhảy khiến mồ hôi ra nhiều, không kịp lau khô mồ hôi cơ thể trẻ sẽ dễ bị nhiễm lạnh dẫn tới ho, viêm phổi. Ngoài ra, việc trẻ tắm (hồ bơi, biển) lâu cũng là một nguyên nhân gây bệnh về đường hô hấp cho trẻ.
Để tránh chuyện này, suốt thời gian đi du lịch, bạn cần thường xuyên cho trẻ uống nước (khoảng nửa tiếng một lần). Nếu cơ thể thiếu nước, trẻ dễ bị sốt nóng, từ đó dẫn đến các bệnh khác về đường hô hấp, nhiễm trùng tai mũi họng hoặc cảm sốt sẽ dễ gây nên chứng co giật sốt cao ở trẻ.
Khi thấy trẻ bị hắt hơi, sốt… cần lập tức đo chính xác xem nhiệt độ cơ thể trẻ lúc này là bao nhiêu. Cho trẻ uống nhiều nước, hạ sốt bằng cách nhúng khăn bằng nước mát, vắt khô và lau ở vùng cổ, nách, bẹn cho trẻ. Cho trẻ uống paracetamol theo cân nặng. Tuyệt đối không hạ sốt cho trẻ bằng nước đá, nước lạnh. Nếu không đỡ sốt, hãy đưa trẻ đi khám cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ bị say nắng
Ảnh minh họa.
Sau một hồi đi với bố mẹ ngoài trời, trẻ bắt đầu có dấu hiệu mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, nhịp thở nhanh… Đấy chính là trường hợp trẻ bị say nắng (cơ thể bị phơi dưới ánh nắng nóng quá lâu, vượt quá mức chịu đựng).
Nên hạn chế việc này từ đầu bằng cách chỉ ở lâu ngoài trời vào buổi sáng sớm, chiều mát… Tránh những buổi đi chơi kéo dài từ sáng đến mãi 1-2 giờ trưa. Khi trẻ đi ngoài trời, nhất thiết phải có nón mũ.
Trong trường hợp xảy ra tình trạng bé bị say nắng, lập tức đưa bé vào một nơi thoáng mát, dùng khăn thấm nước mát đắp lên đầu, lên trán trẻ, lau nhẹ nhàng mình mẩy, chân tay trẻ.
Trẻ bị dị ứng
Khi đi du lịch, trẻ thường được bố mẹ và các cô chú trong đoàn cho “thưởng thức” các loại thức ăn đặc sản của vùng miền. Chính những món khác lạ ngày thường này sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng. Đặc biệt, trẻ đi biển, việc dị ứng càng dễ xảy ra do không phải cơ địa của bé nào cũng thích nghi được với đồ ăn biển.
Khi trẻ bị dị ứng, cần xác định nguyên nhân do thức ăn hay nước uống… để tránh cho trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Bình thường, khi không tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nữa, cơ thể sẽ nhanh chóng quay về “hiện trạng cũ”. Tuy nhiên, nếu thấy dị ứng, mẩn ngứa kéo dài, bạn nên đưa trẻ đến một bác sĩ nào đó kiểm tra cho yên tâm.
Cũng cần nhắc thêm là dị ứng không chỉ đến từ các loại thức ăn, thức uống. Khi trẻ chơi đùa nghịch ngợm ngoài trời, những loại cây cỏ trẻ tiếp xúc cũng có thể khiến cho trẻ bị tác động. Bạn nên chọn cho trẻ các loại quần áo có chất liệu thoáng mát nhưng dài tay, phủ kín chân và dặn dò trẻ không táy máy sờ vào các loại lá cây, nấm lạ trên đường.
Giảm thiểu tối đa những bất trắc
Đây là vấn đề rất quan trọng! Dù không ai muốn, nhưng vẫn cần bình tĩnh nhìn nhận rằng không ít trẻ bị tai nạn trong chính quá trình đi du lịch với bố mẹ. Do đó, bạn cần để mắt đến trẻ mọi lúc mọi nơi, tuyệt đối không để trẻ lang thang chơi đùa ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ. Khi trẻ tắm biển hoặc tắm hồ, bắt buộc phải mặc cho trẻ áo phao an toàn (dù có thể bé tự tin là con biết bơi!). Nhiều bé trai rất hay “chứng tỏ mình” (khi có các bé khác trong đoàn) bằng cách cố thoát khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ, chạy nhảy, leo trèo ở những nơi nguy hiểm. Hãy biết chính xác tâm lý đó để trẻ hạn chế tối đa những chuyện không hay có thể xảy ra.
Nhớ đề phòng kỹ, tránh bị “tào tháo rượt”
– Nếu bị “tào thoát rượt”: Hãy cho bé uống nhiều nước (sử dụng nước đóng chai tinh khiết). Ăn loãng nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Trường hợp bé đang bị tiêu chảy, nên hạn chế thức ăn có nhiều chất xơ, thức ăn nhiều dầu mỡ. Nếu thấy có máu trong phân, uống thuốc vẫn không đỡ nên lập tức đưa bé đến bệnh viện gần nhất.
Lưu ý:
– Trong túi xách của mẹ khi đi du lịch, nên mang theo: Dầu xoa bóp, nước sát trùng oxy già, bông gạc và băng, thuốc cảm, aspirin, paracetamol, thuốc ho, thuốc đau bụng, tiêu chảy, thuốc chống dị ứng…
– Luôn yêu cầu bé đội nón, không cởi trần chạy ngoài trời. Duy trì giấc ngủ trưa cho trẻ đều đặn trong những ngày đi chơi xa. Đó là cách để không gây xáo trộn đồng hồ sinh học ở trẻ.