Mẹ và Con - "Thương cho roi cho vọt" là "câu thần chú" của rất nhiều làm bậc cha mẹ. Họ tin rằng, nếu không sử dụng biện pháp mạnh với một đứa trẻ ngỗ ngược, lớn lên chúng sẽ hư hỏng. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đòn roi không mang đến tác động tích cực, ngược lại còn mang đến nhiều hệ lụy như sự việc bé 8 tuổi bị bạo hành đang làm dư luận dậy sóng...

Đối với nhiều bậc cha mẹ, đánh đòn được cho là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để thay đổi hành vi của trẻ. Và nó thường diễn ra trong thời gian ngắn, tần suất thấp… Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, trừng phạt bằng cách xúc phạm thân thể để lại hậu quả lâu dài đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của một đứa trẻ.

Nếu có theo dõi tin tức trong những ngày gần đây, hẳn bạn sẽ không xa lạ với câu chuyện cô bé 8 tuổi ở TP.HCM bị người vợ hờ của bố bạo hành đến tử vong. Thông tin cho thấy, bố cô bé biết việc con gái bị đánh đập nhưng không can ngăn, không có một giải pháp hiệu quả nào để bảo vệ con. Đây được cho là một trong những lời ngụy biện cho sự thiếu tránh nhiệm và sự dung túng cho quan niệm “thương con cho roi cho vọt” vốn đã lỗi thời từ rất lâu. Và thực tế là sự việc đã đi quá xa dẫn đến cái chết thương tâm cho cô bé.

Ngay lúc này, chúng ta, những bậc làm cha mẹ, nên một lần nữa nhìn nhận lại quan niệm này, từng bước thay đổi suy nghĩ và tìm kiếm một cách giáo dục con một cách hiệu quả hơn. Dưới đây, Mẹ và Con sẽ mách ba mẹ cách rèn kỷ luật cho con mà không cần sử dụng hình phạt thể chất. Cùng tìm hiểu nhé!

Đã cũ rồi quan niệm "thương con cho roi cho vọt" 6

“Thời gian chờ”

Đánh trẻ là mầm mống dẫn đến những rối loạn trong việc nhận thức và những hành vi bạo lực về sau. Trẻ sẽ thắc mắc tại sao ba mẹ đánh chúng thì được, nhưng chúng đánh người khác thì không. Do đó, khi thấy trẻ có những hành vi vi phạm chuẩn mực bạn đã đặt ra và thống nhất với con, bạn nên đặt một đứa trẻ vào thời gian chờ. Giải pháp này được rất nhiều bậc cha mẹ trên thế giới áp dụng và chứng minh là mang đến hiệu quả vượt trội, nhất là với trẻ bắt đầu từ 2 tuổi và trong suốt những năm tiểu học.

Khi thực hiện đúng, khoảng thời gian chờ trôi qua một cách vô vị, nhạt nhẽo này dạy trẻ cách bình tĩnh trở lại, học cách tự điều chỉnh, bộc lộ cảm xúc một cách phù hợp và đưa ra những lựa chọn khác nhau trong tương lai. Đây là một kỹ năng sống hữu ích.

Mất các “đặc quyền”

Mục đích của biện pháp này không phải là để khiến trẻ phục tùng mà là để giúp chúng học cách đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho tương lai. Tuy nhiên, điều này cần được thực hành trước. Nếu trẻ làm sai, hãy dạy cho trẻ biết hậu quả sẽ là mất một đặc quyền nào đó. Sự mất mát này nên liên quan đến hành vi chưa đúng của trẻ. Đồng thời, bạn cũng nên nói rõ cho trẻ biết khi nào có thể khôi phục các đặc quyền của mình.

Thông thường, 24 giờ là đủ để dạy con bạn học từ sai lầm của chúng. Vì vậy, bạn có thể nói, “Con đã mất quyền xem tivi 1 ngày và sẽ được xem lại vào ngày mai do đã không dọn dẹp đồ chơi ngay khi ba mẹ yêu cầu.”

Bỏ qua những sai phạm nhỏ 

Bỏ qua có chọn lọc thực sự hiệu quả hơn việc đánh đòn trẻ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn bỏ qua hay giả vờ không thấy khi trẻ cư xử không đúng, đang làm điều gì đó nguy hiểm hoặc không phù hợp.

Ví dụ, khi trẻ quấy khóc để cố gắng thu hút sự chú ý hay đòi hỏi một điều gì đó, bạn có thể lờ đi, nhìn sang hướng khác, giả vờ như bạn không thể nghe thấy và không phản hồi… Sau đó, khi trẻ yêu cầu một cách rõ ràng hay cư xử tử tế, hãy chuyển sự chú ý của bạn về phía trẻ, đáp ứng trong phạm vi giới hạn. Theo thời gian, trẻ sẽ học được rằng, cư xử lịch sự là cách tốt nhất để được đáp ứng yêu cầu của mình.

Dạy trẻ các kỹ năng mới

Một trong những sai lầm chính của việc dùng đòn roi là nó không dạy con bạn cách cư xử tốt hơn. Đáng sợ hơn, roi vọt còn khiến chúng học được cách nổi nóng khi cảm thấy khó chịu.

Trẻ cần được học cách giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc và thỏa hiệp. Khi dạy cho trẻ những kỹ năng này, nghĩa là bạn đã có thể làm giảm đáng kể các vấn đề về hành vi. Hãy sử dụng kỷ luật nhằm mục đích dạy dỗ, không phải để trừng phạt.

Đã cũ rồi quan niệm "thương con cho roi cho vọt" 7

Hệ quả logic của hành vi sai trái  

Ví dụ, nếu trẻ không ăn tối, bạn đừng để chúng ăn vặt trước khi đi ngủ. Hoặc nếu chúng từ chối chơi lắp ráp, đừng cho chúng chơi với món đồ này trong khoảng vài ngày. Sự liên kết trực tiếp hậu quả với hành vi vừa thực hiện giúp trẻ nhận thấy rằng, sự lựa chọn của chúng sẽ mang lại những hậu quả trực tiếp và trẻ phải cân nhắc khi đưa ra quyết định.

Phần thưởng và sự khen ngợi 

Thay vì đánh đòn trẻ khi làm sai, hãy tặng thưởng cho trẻ khi con làm đúng. Ví dụ, nếu trẻ thường xuyên đánh nhau với anh chị em, hãy thiết lập một hệ thống khen thưởng để thúc đẩy trẻ hòa đồng hơn.

Bên cạnh đó, thay vì ngăn ngừa các vấn đề về hành vi bằng cách ép trẻ phải ngoan, sao bạn không khen ngợi con khi trẻ tuân thủ quy tắc và cư xử đúng? Việc nhận lời khen và phần thưởng bao giờ cũng thú vị hơn bị phạt hay bị đánh đòn, đúng không nào?

Bạn ạ, quan niệm “thương con cho roi cho vọt” đã bộc lộ nhược điểm trong việc giáo dục trẻ em, nhất là khi đời sống đã có nhiều thay đổi như hiện tại. Vì thế, hãy từng bước thay đổi suy nghĩ, hành vi của mình và học cách làm ba mẹ tuyệt vời từ những điều nhỏ nhặt nhé! 

Bài viết liên quan