Chỉ còn vài ngày thôi là chúng ta sẽ bước sang năm mới, cùng Mẹ và Con “du lịch” tìm hiểu các phong tục đón tết Nguyên Đán của các nước trên thế giới như thế nào nhé!

Tùy theo vị trí địa lý, sắc tộc, khí hậu… mà mỗi quốc gia sẽ có những phong tục đón tết cổ truyền khác nhau. Sau đây là những điểm thú vị của vài nước khi đón năm mới:

Mông Cổ độc đáo với ngày Tsagaan Sar

Ngày Tsagaan Sar hoặc Tết Trăng trắng là tên gọi của ngày Tết âm lịch của người Mông Cổ. Lễ hội Trăng trắng được tổ chức một tháng sau ngày trăng mới đầu tiên sau Đông chí (vào khoảng tháng một hay tháng hai dương lịch). 

Vào dịp này, người dân Mông Cổ sẽ quây quần bên nhau để chúc mừng, cùng chào đón cho một năm mới đầy may mắn và thành công. Tại các buổi họp mặt đầu năm mới, không thể thiếu những món ăn truyền thống của người dân nơi đây như cơm và sữa đông, cơm và nho khô, thịt cừu nướng… Ngoài ra, nơi đây còn tổ chức nhảy múa với vũ điệu độc đáo chỉ có tại Mông Cổ.

Singapore với 3 sự kiện nổi bật

Cùng ăn Tết Nguyên Đán giống như ở Việt Nam, tại Singapore, vào những ngày Tết thường diễn ra lễ hội mùa Xuân với 3 sự kiện nổi bật là: Lễ hội Hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao, lễ hội đường phố Chingay, cùng nhiều hoạt động khác.

Trong đó, sôi động và tập trung đông người tham gia nhất chính là lễ hội Đường phố Chingay, thường bắt đầu diễn ra từ ngày thứ bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina, và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng. Hoạt động này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố. Tên gọi Chingay theo tiếng Hoa có nghĩa là “nghệ thuật trang phục và hoá trang”. Đây là hoạt động độc đáo để người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.

tết nguyên đán singapore

Vào dịp Tết, người Singapore thường ăn bánh Tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Mâm cỗ Tết của người Singapore còn có những món ăn khác nhu Yusheng (cá sống), Chang Shou mian (mì trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt lợn, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp…).

Hàn Quốc với truyền thống giấu giày đêm giao thừa

Tết Nguyên Đán của người Hàn Quốc được gọi là Seollal, là một trong hai ngày lễ lớn nhất của Hàn Quốc, cùng với Tết Trung Thu, bắt đầu vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm giống như người Việt Nam. Seollal của người Hàn không chỉ đánh dấu cho một năm mới đến mà còn là dịp đặc biệt để nhớ về tổ tiên, những người xa quê trở về nhà để gặp gỡ, đoàn tụ với nhau. Vào ngày này, người Hàn sẽ cùng mặc trang phục truyền thống là Hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian và ăn món ăn truyền thống, cùng kể chuyện cho nhau nghe và gặp gỡ mọi người.

Buổi sáng của lễ Seollal sẽ bắt đầu với nghi thức thờ cúng tổ tiên, các thành viên sẽ cùng tập trung ở phía trước bàn thờ lễ nghi và bắt đầu buổi lễ. Người Hàn cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng đầu năm, với khoảng 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả.       

Theo quan niệm của người Hàn, họ sẽ không ngủ vào đêm giao thừa, bởi họ cho rằng nếu làm vậy, lông mi sẽ bị bạc trắng và đầu óc thiếu minh mẫn. Thêm nữa, họ còn cho rằng vào năm mới những hồn ma sẽ xuất hiện để đánh cắp giày, gây nên những điều xui xẻo. Vậy nên người Hàn thường sẽ cất giày vào những nơi an toàn vào những ngày Tết để đảm bảo may mắn cho mình.

Vào những ngày này, không chỉ cùng nhau trò chuyện, người Hàn cũng tổ chức các trò chơi dân gian như Yutnori, đá cầu, thả diều, nhảy bập bênh… Trước ngày Seollal một tuần, người dân thường sẽ mua sắm, chuẩn bị tặng quà cho người thân cũng như bạn bè, với những món quà như hoa quả, nhân sâm, cá, mật ong, cá khô… 

Nhật Bản với truyền thống viếng đền, chùa

Trước đây Nhật Bản cũng ăn Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, từ năm 1873 đến nay, người Nhật chuyển sang đón năm mới vào ngày 1/1 Dương lịch nhằm tiết kiệm thời gian và tăng lợi ích kinh tế. Mặc dù vậy, Tết của người Nhật Bản vẫn giữ được những nét truyền thống, không bị mai một theo thời gian.

Trong đêm giao thừa, mọi người sẽ ăn mì sợi dài toshikoshi-soba, sau đó tới thăm một ngôi đền hoặc chùa để cầu nguyện, uống rượu amazake được phát cho đám đông tại các đền thờ Thần đạo Shinto, rút quẻ đầu năm. Một số đền chùa nổi tiếng ở Nhật Bản dịp tết là đền Thiên Hoàng Minh Trị ở Tokyo, đền Fushimi Inari Taisha ở Kyoto, Sumiyoshi Taisha ở Osaka… luôn thu hút rất đông người dân và du khách gần xa.

Tại đây bán rất nhiều vật phẩm có thể mua làm quà như bùa may mắn, thiệp mừng năm mới. Tấm bưu thiếp của Nhật Bản thậm chí có in dãy số dự bốc thăm may mắn đầu năm, với giải thưởng là tiền mặt hoặc đặc sản địa phương. Một mặt hàng tết khác là fukubukuro, có nghĩa là túi may mắn, bên trong chứa một món đồ bất kỳ. Giá của fukubukuro thường rẻ hơn so với mặt hàng trong túi. 

Ấn Độ lễ hội của sắc màu

Lễ hội đón tết âm lịch của người dân Ấn Độ được gọi là lễ hội Holi, được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 3 hàng năm. Holi còn được gọi là “Lễ hội Sắc màu”, là một trong những lễ hội quan trọng của Ấn Độ. Theo quan niệm của người Ấn Độ, mùa lễ hội tới sẽ báo hiệu cho sự ấm áp, yên bình của mùa xuân xua tan sự u ám, lạnh lẽo của mùa đông đã qua, và cũng là biểu hiện cho cái thiện đánh bại những cái ác.

Tại lễ hội, người dân thoa bột màu lên quần áo và gương mặt của tất cả mọi người kể cả lạ hay quen để chúc mừng một năm mới bình an. Đây cũng chính là nét đặc trưng của mùa lễ hội ở Ấn Độ, thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách du lịch.

tết nguyên đán ở ấn độ

Malaysia đón tết cùng gia đình

Malaysia là đất nước đa sắc tộc, trong đó phần lớn là người gốc Hoa. Do đó, họ cũng đón Tết Nguyên Đán theo âm lịch giống như Việt Nam hay các quốc gia châu Á khác. Vào dịp Tết Nguyên Đán, người Malaysia cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhằm quét dọn những xui xẻo trong năm cũ đón chào những may mắn trong năm mới. Họ cũng rất thích trang trí bằng những món đồ màu đỏ, nhằm mang lại nhiều may mắn.

Tết Nguyên Đán cũng là ngày sum họp và đoàn tụ. Người Malaysia chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên, lì xì cho trẻ nhỏ, người chưa lập gia đình. Nếu như bạn ghé đến đây vào những ngày này, sẽ được gia chủ tiếp đón bằng những món ăn, đồ uống ngon, đặc biệt trong đó không thể thiếu được quýt. Lịch nghỉ Tết chính thức chỉ có hai ngày nhưng các lễ hội thường sẽ kéo dài cho đến hết rằm tháng Giêng.

Bữa ăn ngày Tết sẽ bao gồm đầy đủ các thành viên trong gia đình, họ hàng, bên cạnh đó rất nhiều nhà hàng Trung Quốc sẽ phục vụ bữa ăn gia đình cho những gia đình không muốn tổ chức tại nhà. Ngoài ra còn có các tiết mục múa hát, múa lân sư rồng chào đón năm mới vô cùng nhộn nhịp, sôi động.

Triều Tiên đón tết với nhiều trò chơi dân gian

Ban đầu, Tết Nguyên Đán của người Triều Tiên vào tháng 10 và tháng 11, dần dần, họ cũng chuyển sang đón Tết Nguyên Đán vào ngày mùng 1 tháng giêng giống với những quốc gia châu Á khác. Trong dịp Tết Nguyên Đán, bên cạnh bữa cơm sum họp gia đình, người dân cũng nơi đây cũng đến các khu vực công cộng để tham gia các trò chơi dân gian như thả diều, nhảy dây, mừng tuổi cho trẻ em.

Tết Nguyên Đán hay còn có tên gọi là Seollal bị lãng quên từ lâu, mãi đến tận năm 1989 nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il đã giúp nó trở lại và trở thành ngày lễ được mong đợi nhất năm. Trong những ngày này, mọi người sẽ cùng quây quần bên nhau, chơi các trò chơi và thưởng thức những món ăn truyền thống như Tteokguk (súp bánh gạo), món ăn mang ý nghĩa giúp cho mọi người sống thọ hơn.

Vào đêm 30 Tết, mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí bằng tranh Tết, câu đối và cùng nhau làm mâm cơm Tết. Sáng mồng 1, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ thực hiện lễ Tạ ơn gia tiên.

tết nguyên đán triều tiên

Thái Lan đặc trưng của lễ hội té nước

Người Thái ăn Tết Nguyên Đán trong vòng 3 ngày, từ ngày 13/4 – 15/4 (theo âm lịch). Nét đặc trưng của lễ hội truyền thống lớn nhất của người Thái là phong tục té nước. Lễ hội Té nước được diễn ra trên đường phố, người trẻ sẽ té nước vào những người lớn tuổi hơn để thể hiện lòng thành kính và tôn trọng. Qua đó, người già cũng muốn bày tỏ sự biết ơn đối với con cháu vì đã chịu đựng sự khó tính và những bất cẩn khi ở tuổi “xế chiều”.

Lễ hội Té nước của người Thái Lan ngày càng được đông đảo khách du lịch biết đến và coi đây như là một địa điểm tham quan cần phải đến một lần trong đời. Vì thế, tại các lễ Té nước của người dân Thái Lan sẽ xuất hiện không ít khách du lịch hòa chung vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của mùa lễ hội có một không hai này. 

Tuy có những nét văn hóa đón tết Nguyên Đán khác nhau, nhưng tất cả các nước trên thế giới đều xem trọng ngày tết cổ truyền và xem đây là thời điểm để đoàn viên với nhau. Cùng nhau chia sẻ lại những chuyện trong năm cũ và trao nhau điều chúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Mẹ và Con xin chúc các bạn có một năm mới có nhiều sức khỏe và gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống cũng như công việc.

Bài viết liên quan