Mẹ&Con – Thường thì bạn thấy trẻ con hay quấn quýt với mẹ vì mẹ là người gần gũi chăm sóc hàng ngày. Nhưng vẫn có trường hợp, trẻ lại quấn quýt bố hơn, thậm chí có phần hơi “quá”.

Chào bác sĩ!

Tôi băn khoăn rất nhiều trước khi gửi đến tòa soạn tình huống cần tư vấn của mình. Vợ chồng tôi có một bé gái, năm nay cháu học lớp 5. Từ khi còn rất nhỏ đến giờ, cháu đã có sự quấn quýt với bố rất đặc biệt. Ai cho quà bánh gì, cháu đều để phần cho bố chứ không để phần cho tôi (trừ khi có hai cái, cháu mới đưa bố trước rồi đưa cái còn lại cho tôi sau). Bài tập làm văn cô giáo cho tả người mà em yêu quý nhất, cháu luôn chọn bố để viết. Trong những bức tranh của cháu cũng vậy, bố là người ở vị trí trung tâm, tôi thì may lắm mới được ké phần, còn lại cháu chỉ vẽ mình bố hoặc vẽ bố với cháu mà thôi.

Chuyện con gái gần gũi, thương bố hơn mẹ tôi cũng đã nghe nhiều. Nhưng ở con gái mình, tôi thật sự bị cảm giác như “ra rìa”. Trong thời gian gần đây, cháu lại có biểu hiện lạ. Cháu thể hiện sự bực tức rõ rệt nếu như bố mẹ muốn ở riêng với nhau, có khoảng thời gian dành cho nhau. Ví dụ cháu không chịu về nhà bà nội, vùng vằng, khóc lóc giận hờn khi chúng tôi định gửi cháu để đi xem phim (phim người lớn) và đi ăn riêng một chút cho có “giây phút riêng tư” (xin nói rõ là rất hiếm khi chúng tôi làm việc này, bình thường chúng tôi đều ưu tiên dành thời gian cho cháu cả). Cháu thậm chí bày chuyện để “nói xấu” tôi với bố, không hiểu vô tình hay cố ý làm hỏng một chiếc trâm cài rất đẹp bố cháu tặng tôi. Tất cả những việc này thật sự vừa khiến tôi stress vừa khiến tôi lo lắng, bất an. Tôi không hiểu cháu có biểu hiện lệch lạc gì không và cần làm gì để uốn nắn con?

N.T.Q.C (Quận 8)

bác sĩ trả lời

 con giành bố với mẹ

Ảnh minh họa

Việc các bé gái thần tượng bố, xem bố “trội” hơn mẹ thường xảy ra. Tuy nhiên, theo những mô tả của chị thì không đơn thuần chỉ là như thế. Chị không diễn đạt ra thành lời, nhưng tôi cảm nhận được khi đọc thư của chị, rằng chính linh cảm người mẹ cũng đã khiến chị mơ hồ nhận ra (cái điều chị không muốn gọi rõ thành tên) rằng bé có biểu hiện “quá đà” về tâm lý trong tình cảm dành cho bố. Từ đó dẫn đến xu hướng muốn sự tuyệt đối, cảm thấy khó chịu khi “bị” san sẻ bớt tình cảm ấy với mẹ và có những phản ứng khác thường.

Một mặt, trước hết chị cần rà soát lại chính tình cảm của mình với con, xem mình có làm gì khiến bé cảm thấy hụt hẫng với mẹ (ở tuổi này trẻ rất nhạy cảm và dễ “đổ vỡ thần tượng” chỉ vì những nguyên nhân rất “trẻ con”) dẫn đến việc muốn xa lánh mẹ, ghét mẹ, rồi mới dồn hết tình thương sang bố và thậm chí muốn đẩy mẹ “ra rìa” hay không. Chị nên gần gũi con, tỏ rõ thiện ý với con, dành thật nhiều thời gian bên con, đưa bé đi chơi, chuyện trò và lắng nghe bé nói. Có thể sẽ rất vất vả nhưng hy vọng rằng qua đó, chị sẽ có được câu trả lời.

Mặt khác, chị có thể nhờ bố cháu làm cầu nối. Bằng sự khéo léo của một người bố, anh sẽ dễ dàng dung hòa bé với mẹ, khiến bé chịu nói ra những gì bé không vui, uốn nắn và định hình lại tình cảm của con, để con biết rằng một gia đình hạnh phúc là gia đình có cả “ba ngọn nến lung linh”. Chị cũng nên tạm “hy sinh”, giảm bớt những khoảng thời gian riêng tư chỉ có hai vợ chồng mà tăng cường tối đa trong thời gian này những hoạt động dành cho cả gia đình, để gắn kết cả 3 thành viên lại với nhau như cùng đi du lịch, cắm trại, dọn dẹp nhà cửa, v.v..

Trong trường hợp sau tất cả những nỗ lực trên mà cháu vẫn không thay đổi, anh chị có thể đưa cháu đến khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng hoặc các trung tâm tư vấn để các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý có thể tiếp cận, chuyện trò, tháo bỏ những gút mắc ẩn chứa trong lòng trẻ. Chúc chị thành công!

Bác sĩ Lê Phương Thúy

> 7 câu nói này của bố mẹ là cách nhanh nhất hủy hoại trẻ vị thành niên

> Bố mẹ đã biết những cách dạy con thông minh vượt trội

Tags:

Bài viết liên quan