Mẹ và Con - Những phương pháp sau đây có thể giúp ba mẹ tránh được việc con bị tiêm nhiễm những điều tiêu cực từ những người bạn xấu đem lại.

Câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” chưa bao giờ là sai. Điều đó thể hiện ở việc một đứa trẻ sẽ có xu hướng bị bạn bè xung quanh ảnh hưởng lên suy nghĩ, hành động và cả tính cách. Nếu đó là một người bạn xấu thì con rất dễ bị tiêm nhiễm những hành vi tiêu cực.

Vì thế, ba mẹ cần phải biết dạy con “chọn bạn mà chơi” và song song với đó là những cách xử lý càng sớm càng tốt nếu chẳng may con đang giao du với bạn bè xấu.

Vì sao phải dạy con cách chọn bạn mà chơi?

Bạn bè là những người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất ở trường, ngoài thầy cô. Vì vậy, việc trẻ bị ảnh hưởng từ những người bạn của mình là điều rất dễ xảy ra. Điều này sẽ vô cùng nguy hiểm nếu đó là một người bạn xấu.

hướng dẫn con phân biệt bạn xấu

Một tình bạn tốt sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mỗi ngày và đem đến những niềm vui chung. Trái lại, nếu đó là một người bạn xấu, chúng ta có thể sẽ bị lây những hành vi tiêu cực và nếu không biết tự kiềm chế bản thân thì rất dễ lầm lỗi.

Tuy nhiên, không phải ba mẹ nào cũng có thể quan sát con mình từng giây từng phút mà phát hiện sớm vấn đề này. Do đó, việc chỉ bảo con đâu là người bạn nên chơi và đâu là người bạn nên tránh xa là những bước đầu tiên để bảo vệ con thơ.

Dạy con chọn bạn như thế nào?

Bạn hãy dạy cho trẻ rằng những đối tượng phù hợp để kết giao bạn bè là những người bạn ngoan ngoãn, lễ phép, chăm học và có hiếu với ba mẹ của các bạn ấy.

Còn những người không nên làm quen sẽ là những người hay cãi lời và vô lễ với bậc sinh thành, giáo viên hoặc những nhân viên khác đang công tác trong trường học. Vô lễ là hành động mà con trẻ rất dễ học theo bạn xấu. Do đó, nếu phát hiện xung quanh con có người bạn nào như vậy thì ba mẹ nên kêu bé hạn chế tiếp xúc với bạn ấy.

Một đối tượng bạn xấu cần né nữa là những người bạn hay thích xu nịnh người khác, cụ thể là chỉ thích chơi với những người nhà giàu, học giỏi và bắt nạt những bạn yếu thế trong lớp. Những đứa trẻ xấu như thế này thường coi trọng vật chất và lợi ích cá nhân của chúng hơn là tình bạn chân thành.

Nếu con bạn giao du với chúng lâu ngày thì bé rất có thể sẽ là những đối tượng bị chúng bắt nạt hoặc bị xúi giục đi bắt nạt lại những bạn khác. Nếu không có sự can thiệp của người lớn, hoặc là con sẽ bị bắt nạt đến mức tâm lý bị suy sụp, hoặc là con sẽ trở thành một “đầu gấu” của trường. Vì thế, bạn cũng cần bảo con phải tránh xa những người bạn xấu như vậy.

chơi với bạn xấu có thể gây bạo lực học đường

Đối tượng tiếp theo mà ba mẹ nên ngăn cản con giao du là những đứa bạn thích nói dối. Một đứa trẻ hay nói dối thì lớn lên không thể trở thành người tử tế vì đây là hành vi trốn tránh trách nhiệm, chỉ nghĩ đến bản thân chứ không quan tâm đến người khác.

Nếu con bạn chơi với chúng thì trẻ cũng học hư nhanh mà thôi. Sau này, con có thể trở thành một người vì mục đích mà sẵn sàng trở nên giả tạo, chấp nhận đánh mất lòng tự trọng và các giá trị đạo đức trong cuộc sống. Nếu không muốn điều này xảy ra, cấm con chơi với những bạn xấu như thế là điều bắt buộc.

Những điều cần làm để con không bị tiêm nhiễm bởi bạn xấu

Để kết luận một đứa trẻ nào đó có phải là “bạn xấu” hay không thì cần rất nhiều yếu tố chứ không thể vội vàng đưa ra phán xét ngay. Nhưng ba mẹ hoàn toàn có quyền tìm hiểu những người bạn chơi chung với con mình.

Nếu có nghi ngờ, thậm chí là phát hiện người bạn nào đó của con có biểu hiện tiêu cực thì sau đây là những điều mà ba mẹ có thể làm để giúp đỡ con trong tình huống này:

Không dạy trẻ dùng bạo lực đối phó với bạn xấu

Khi bị bắt nạt, nhiều trẻ cảm thấy xấu hổ hoặc tự ái nên không dám nhờ đến sự can thiệp của người lớn. Chúng sẽ có suy nghĩ là tự mình “trả đũa” người bạn xấu ấy bằng vũ lực. Điều này có thể gây ra tình trạng bạo lực học đường, nguy hiểm vừa cho đứa bạn vừa cho chính bản thân con mình.

Vì thế, ba mẹ cần nói rõ với con là nếu bị bắt nạt thì phải báo cho thầy cô và ba mẹ, hoặc những người có mặt tại hiện trường lúc đó để can ngăn sự việc. Hãy dạy con luôn dùng sự ôn hòa, tích cực để xử lý mọi chuyện vì dùng bạo lực chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề đúng cả.

Cố gắng giữ sự kết nối với con qua nhiều cách

Ba mẹ cần nắm rõ tình hình của con ở lớp để biết con đang chơi với những ai và có những hành vi bất thường nào đáng lưu tâm hay không. Bạn cũng nên tập cho trẻ việc trao đổi với ba mẹ những câu chuyện diễn ra hằng ngày ở trường, ở khu vui chơi hoặc bất cứ đâu mà con đến.

Tạo một sự gắn kết tình cảm giữa ba mẹ và con cái thông qua trò chuyện là một cách để xây dựng lòng tin cho nhau để con thoải mái bộc bạch mọi thứ với ba mẹ. Tuy nhiên, chúng ta không nên theo con quá sát vì sẽ khiến con ngột ngạt và căng thẳng.

Hãy thể hiện cho con thấy là ba mẹ đang muốn giúp đỡ chứ không phải kiểm soát con. Bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô hoặc bạn bè của con trong trường hợp nghi ngờ con đang không thành thật với mình.

Nói rõ quan điểm của ba mẹ về bạn bè của con

Cả khi bạn đã chắc chắn con đang chơi với người bạn xấu thì cũng đừng vội la rầy, cấm con nghỉ chơi bạn đó ngay lập tức. Vì trẻ sẽ không hiểu lý do, dễ dẫn tới việc trẻ không nghe lời bố mẹ.

Hãy chứng minh cho con thấy đó là người bạn xấu bằng cách chỉ ra những điều tiêu cực ở bạn ấy. Những điều tiêu cực này sẽ tác động không tốt lên con nếu hai đứa cứ tiếp tục chơi với nhau.

Cho con làm quen với những người bạn tốt

Chọn một người bạn tốt ngay từ đầu sẽ giúp con tránh được những rủi ro về sau. Đây là một kỹ năng quan trọng vì còn áp dụng đến cả khi con lớn lên và kết giao những mối quan hệ khác. Ba mẹ hãy chỉ bảo cho con đâu là một người bạn xứng đáng để ta làm quen và đâu là người bạn xấu nên tránh xa.

Xét về khía cạnh khác, dù con biết cách chọn bạn nhưng cũng có thể vì xung quanh con không có một người bạn tốt như kỳ vọng nên để không cô đơn, con đành chơi với một người bạn xấu. Lúc này, ba mẹ hãy cho con tham gia nhiều hoạt động tập thể hay các câu lạc bộ năng khiếu để con có cơ hội gặp nhiều người bạn hơn, giúp con tăng tỉ lệ chọn được bạn tốt.

tránh cho con chơi với bạn xấu bằng cách thay đổi môi trường

“Cách ly” con là phương án cần làm nếu bắt buộc

Nếu nhận thấy con có những hành vi quá mức như chửi thề, con hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện, trốn học, trộm tiền, bắt nạt bạn bè, đua xe, đánh nhau… thì “cách ly” con lúc này là phương án bắt buộc phải làm. Những biểu hiện trên đều có nghĩa là con đã bị tiêm nhiễm quá sâu.

Bởi người bạn xấu và cần sự can thiệp ngay lập tức của ba mẹ. Và hãy nghĩ đến việc chọn trường mới để chuyển trường, cho con thậm chí là chuyển nhà để con tránh xa hoàn toàn và vĩnh viễn người bạn xấu ấy.

Để con không bị tiêm nhiễm bởi bạn xấu thì ba mẹ phải là người hỗ trợ đầu tiên cho con. Điều cần làm là hãy trở thành những người chỉ dẫn thật sáng suốt và khéo léo để vừa bảo vệ con vừa không làm mất tình cảm gia đình, bạn nhé!

Bài viết liên quan