Có phải mẹ bầu nào cũng nghén?
Chỉ có 3/4 phụ nữ bị nghén trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Chưa đúng đâu bầu nhé! Vì theo thống kê chỉ có 3/4 phụ nữ bị nghén trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Bạn có thể hình dung những cơn buồn nôn, khó chịu hoặc người mệt lả song không phải ai trước khi làm mẹ cũng phải chịu “nỗi khổ” này. Điều này còn tùy thuộc và thể trạng của từng mẹ bầu. Có người chẳng hề biết “nghén” là gì, vì có thai mà vẫn ăn ngon, ngủ tốt. Có người chỉ nghén đúng một thời gian nhất định (thường nặng nhất vào khoảng tuần thứ 8 – 9 của thai kì rồi giảm dần, đến 14-16 tuần thì chấm dứt hẳn). Nhưng cũng có không ít mẹ bầu ốm nghén kéo dài từ lúc mang thai đến tận tháng thứ tư, thứ năm mới hết. Những triệu chứng phổ biến thường gặp ở những bà bầu ốm nghén là thường có cảm giác buồn nôn, khó chịu với mùi thức ăn và một số mùi nhất định nào đó. Một số mẹ bầu cứ ăn vào lại nôn ra.
Nguyên nhân gây ốm nghén được lý giải là sự thay đổi nội tiết tố gây ra, một số khác có thể là do các chất từ nhau thai và thai nhi tiết ra, sự thay đổi ở hệ tiêu hóa cũng là một trong những yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra chứng ốm nghén ở mẹ bầu.
Ngoài ra, quá căng thẳng, mệt mỏi, hoặc các yếu tố về tâm lý khác cũng khiến mẹ bầu dễ bị ốm nghén trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Thông thường những cơn ốm nghén chỉ xuất hiện một thời điểm nào đó trong ngày hoặc khi mẹ bầu ngửi mùi thức ăn hoăc mùi hương nào đó. Các triệu chứng này thường không xuất hiện thường xuyên. Nhưng trong trường hợp nếu các cơn ốm nghén kéo dài bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và giúp đỡ thêm. Vì các triệu chứng buồn nôn, nôn kéo dài này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con do mất nước và điện giải hoặc có thể do nguyên nhân khác gây ra chứ không phải là ốm nghén do bầu bí.
Đặc biệt lưu ý, bạn không tự ý mua và sử dụng bất cứ loại thuốc nào để uống nhằm giảm ốm nghén nếu như không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bạn có thể uống nhiều nước, dành thời gian để nghỉ ngơi, chia nhỏ bữa ăn, ăn các món như bánh quy, đồ chua cũng có tác dụng giảm ốm nghén hiệu quả. Nếu các cơn ốm nghén vẫn kéo dài không dứt nên gặp bác sĩ để được giúp đỡ.