Mẹ và Con - Trên thị trường hiện đang có rất nhiều thông tin về các loại thuốc chống đột quỵ được quảng cáo là có thể giúp ngừa tình trạng này một cách hiệu quả. Vậy thực hư các loại thuốc này như thế nào?

Thuốc chống đột quỵ là thuốc gì và có khả năng phòng ngừa nguy cơ đột quỵ hay không? Liệu người bình thường có cần uống thuốc chống đột quỵ để ngăn ngừa trước tình huống xấu có thể xảy ra? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay bạn nhé!

Thuốc chống đột quỵ là gì và cơ chế hoạt động như thế nào? 

Khái niệm thuốc chống đột quỵ 

Thuốc chống đột quỵ (hay còn được gọi là thuốc phòng đột quỵ) là loại thuốc được biết đến với hiệu quả giúp phòng ngừa nguy cơ đột quỵ. 

Hiện nay trên thị trường chưa có bất kỳ loại thuốc nào được công nhận và cấp phép là thuốc chống đột quỵ. Tuy nhiên, có một số loại thuốc có khả năng điều trị các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, béo phì, mỡ máu cao,… – những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các loại thuốc này tạm được xem như là thuốc chống đột quỵ.

Cơ chế hoạt động

Cơ chế của những loại thuốc này sẽ dựa trên những nguyên nhân và yếu tố gây đột quỵ để điều trị dự phòng từ sớm, từ đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra cơn đột quỵ. Tùy theo từng loại thuốc mà cơ chế hoạt động cụ thể sẽ khác nhau, chẳng hạn như có thuốc giúp làm loãng máu hay làm tan cục máu đông, có thuốc giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông hay điều chỉnh huyết áp, ổn định huyết áp,…

Thuốc chống đột quỵ là gì

Các loại thuốc chống đột quỵ phổ biến hiện nay

Các loại thuốc ngừa đột quỵ được phân loại dựa trên nguyên nhân gây đột quỵ. Bác sĩ sẽ căn cứ theo nguyên nhân bạn từng bị đột quỵ, các vấn đề sức khỏe của bạn cũng như hiện tại bạn đang có những nguy cơ đột quỵ nào để chỉ định loại thuốc phù hợp.

Các loại thuốc chống đột quỵ hiện nay bao gồm:

  • Thuốc kháng tiểu cầu: Thuốc kháng tiểu cầu còn được biết đến là thuốc chống tập kết tiểu cầu. Vai trò của loại thuốc này chính là giúp ngăn ngừa tiểu cầu dính lại với nhau hình thành nên cục máu đông gây đột quỵ. Các loại thuốc kháng tiểu cầu phổ biến trên thị trường gồm có: aspirin, acetylsalicylic acid, ticlopidine, clopidogrel, dipyridamole,…
  • Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu là một loại thuốc chống đột quỵ hoạt động trên cơ chế can thiệp vào quá trình đông máu, giúp làm loãng máu để hạn chế cục máu đông hiện có trở nên lớn hơn cũng như ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Thuốc thường được chỉ định cho người bị đột quỵ, có nhịp tim không đều và chống chỉ định cho nhóm đối tượng thường xuyên uống rượu bia, mới bị chấn thương sọ não, huyết áp cao, nguy cơ té ngã cao,… 
  • Thuốc làm tan các cục máu đông: Thuốc làm tan cục máu đông thường được dùng ở những trường hợp cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng hoặc để chống đột quỵ ở những người có phát hiện cục máu đông trong cơ thể nhưng chưa có dấu hiệu đột quỵ. Thuốc giúp làm tan các cục máu đông nhanh chóng và được đánh giá là một trong những loại thuốc điều trị đột quỵ hiệu quả hiện nay. 
  • Thuốc giảm cholesterol: Một loại thuốc chống đột quỵ khác chính là thuốc làm giảm cholesterol trong máu, chẳng hạn như rosuvastatin (Crestor), lovastatin (Altoprev), pitavastatin (Livalo), atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol),… Thuốc có khả năng ức chế enzyme mà cơ thể cần để tạo ra cholesterol là HMG-CoA reductase.
  • Thuốc giảm huyết áp: Ổn định huyết áp là một trong những bước quan trọng khi phòng ngừa đột quỵ. Do đó, các loại thuốc giảm huyết áp cũng được xem như thuốc chống đột quỵ thứ cấp, giúp duy trì huyết áp một cách ổn định ở người từng bị đột quỵ có huyết áp cao. 
  • Các loại thuốc dự phòng đột quỵ khác: Bên cạnh những loại thuốc kể trên thì còn có một số thuốc chống đột quỵ được sử dụng cho người mắc các bệnh lý mạch máu não, có tiền sử thiếu máu não, trong gia đình có người từng bị đột quỵ,…

Khi được kê đơn dùng thuốc chống đột quỵ, cần uống theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng hay loại thuốc.

thuốc chống đột quỵ

Người bình thường có nên dùng thuốc chống đột quỵ hay không?

Hiện nay, tại Việt Nam mỗi năm có đến hơn 200.000 ca đột quỵ. Và nước ta cũng thuộc nhóm các nước có tỷ lệ bị đột quỵ cao nhất thế giới. 

Người bị đột quỵ nếu không được cấp cứu trong thời gian vàng bằng những phương pháp phù hợp có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như liệt nửa người, rối loạn vận động, xẹp phổi, rối loạn nuốt,… hay thậm chí có thể gây tử vong.

Đứng trước nỗi lo về nguy cơ đột quỵ, nhiều người đã tự mua các loại thuốc chống đột quỵ với mong muốn chủ động bảo vệ sức khỏe của mình. Tuy nhiên, thuốc chống đột quỵ chỉ nên sử dụng để dự phòng đột quỵ tái phát ở người từng bị đột quỵ hoặc dùng cho các trường hợp chưa bị đột quỵ nhưng có nguy cơ rất cao và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc.

Không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc chống đột quỵ để tránh việc dùng sai cách dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm đối với sức khỏe. Thay vào đó, bạn có thể áp dụng những biện pháp phòng tránh đột quỵ khác.

Cơ chế hoạt động của thuốc phòng đột quỵ

Các phương pháp phòng ngừa đột quỵ

Ngoài thuốc chống đột quỵ, hiện nay có nhiều phương pháp giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Bạn có thể áp dụng để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân:

  • Ăn uống lành mạnh và đa dạng thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tránh ăn thực phẩm nhiều chất béo, nhiều muối và đường. 
  • Hạn chế bia rượu và đồ uống có cồn. Không hút thuốc lá và tránh sử dụng các chất kích thích. 
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, không nên để căng thẳng quá mức, stress kéo dài.
  • Thường xuyên vận động, tập thể dục 15 – 30 phút mỗi ngày.
  • Khám sức khỏe định kỳ. Chủ động tầm soát đột quỵ để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ và có phương pháp can thiệp sớm, điều trị hiệu quả.

Thuốc chống đột quỵ tuy có hiệu quả trong việc phòng ngừa nguy cơ đột quỵ, nhưng không phải mọi đối tượng đều có thể sử dụng. Do đó, nếu bạn đang lo lắng về nguy cơ bị đột quỵ, tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn chính xác nhất theo tình trạng sức khỏe bản thân bạn nhé.

Bài viết liên quan