Thắt ống dẫn trứng là một trong những biện pháp kiểm soát sinh sản an toàn và tối ưu hiện nay. Tuy nhiên, nhiều nghi vấn vẫn nảy ra về hiệu quả, ảnh hưởng cũng như rủi ro sau phẫu thuật thắt ống dẫn trứng. Trước khi lựa chọn phương pháp này, hãy tìm kiếm thông tin và xin ý kiến kỹ lưỡng từ các bác sĩ chuyên khoa.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về thắt ống dẫn trứng ở nữ giới để bạn tham khảo.
Thắt ống dẫn trứng là gì?
Thắt ống dẫn trứng là một trong số các biện pháp tránh thai ở phụ nữ hay còn gọi là triệt sản nữ. Mục đích của quá trình này là ngăn trứng di chuyển từ buồng trứng đến tử cung qua ống dẫn trứng hoặc ngăn không cho tinh trùng di chuyển lên ống trứng để thụ tinh.
Thắt ống dẫn trứng không phải là hoàn toàn mang lại hiệu quả 100%. Thêm vào đó, phương pháp này cũng có thể gây ra một số nguy cơ như mang thai sau khi thắt ống dẫn trứng, nhưng trường hợp như này rất hiếm.
Khi nào thắt ống dẫn trứng?
Thắt ống dẫn trứng là phương pháp kiểm soát sinh sản phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn phù hợp với tất cả phụ nữ. Bạn chỉ nên cân nhắc việc thắt ống dẫn trứng để triệt sản vĩnh viễn trong những trường hợp sau:
- Bạn đang có mối quan hệ ổn định, vững chắc với bạn đời và đã có đủ số con mong muốn.
- Việc mang thai khiến các vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Bạn hoặc bạn đời mắc chứng rối loạn di truyền nào đó và không muốn truyền sang cho con.
Mặc dù vẫn có thủ thuật nối lại ống dẫn trứng nhưng hiệu quả không như mong muốn, tỉ lệ mang thai lại khá thấp. Do đó, cần cân nhắc chắc chắn liệu bản thân có nguyện vọng mang thai thêm hay không. Nếu vẫn muốn thì chỉ nên áp dụng các phương pháp tránh thai tạm thời như đặt vòng tránh thai, que cấy tránh thai, thuốc tránh thai…
Ưu và nhược điểm của phương pháp thắt ống dẫn trứng
Bất kể phương pháp nào cũng sẽ tồn tại những ưu điểm và nhược điểm nhất định.
Ưu điểm:
- Không gây ảnh hưởng gì đến chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ.
- Có thể thực hiện phương pháp này bất cứ lúc nào, ngay sau khi sinh con hoặc thậm chí là kết hợp cùng với một thủ thuật phẫu thuật ổ bụng khác.
- Không làm mất đi sự nữ tính, cũng không dẫn đến tăng cân và phát triển lông mặt như một số phương pháp tránh thai khác.
- Thắt ống dẫn trứng không gây ảnh hưởng đến sự ham muốn
- Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
Nhược điểm:
- Thắt ống dẫn trứng không phải phương pháp đem lại hiệu quả 100%, vẫn có những trường hợp mang thai lại, dù số lượng rất hiếm.
- Nguy cơ chửa ngoài tử cung là rất lớn nếu thủ thuật thắt ống dẫn trứng thất bại
- Khó có thể khôi phục lại khả năng sinh sản như ban đầu.
- Một số trường hợp cần phẫu thuật vi phẫu để nối ống dẫn trứng nhưng không phải lúc nào kết quả cũng như ý muốn.
- Thắt ống dẫn trứng không có khả năng bảo vệ phụ nữ khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục nên vẫn cần dùng bao cao su
Những rủi ro khi thắt ống dẫn trứng
Trong quá trình thực hiện thắt ống dẫn trứng vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định, bao gồm:
- Chảy máu hoặc có mủ từ vết mổ hoặc chảy máu bên trong ổ bụng
- Nếu bị nhiễm trùng có thể gây sốt, vết mổ đau dữ dội, chảy máu, sưng tấy
- Tác dụng phụ của thuốc gây mê.
- Nôn, buồn nôn, chóng mặt hoặc ngất xỉu sau phẫu thuật
- Thắt ống dẫn trứng có thể tổn thương các cơ quan khác trong ổ bụng như tử cung, bàng quang, ruột… Rủi ro này thường đến từ thao tác và tay nghề của bác sĩ thực hiện.
- Dù hiếm gặp nhưng một số trường hợp triệt sản nữ vẫn có thể mang thai, đặc biệt là nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
Với những trường hợp bất thường kể trên sau khi phẫu thuật thắt ống dẫn trứng thì cần đi khám càng sớm càng tốt. Mặt khác, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cá nhân mà bạn có thể gặp các vấn đề rủi ro khác nhay khi thắt ống dẫn trứng. Trong đó,nếu đã hoặc đang gặp những vấn đề sau đây thì nguy cơ rủi ro sau phẫu thuật càng cao:
- Mắc bệnh tiểu đường
- Thừa cân, béo phì
- Từng phẫu thuật bụng
- Mắc bệnh viêm vùng chậu
- Mắc các bệnh lý về phổi.
Trước khi thực hiện thắt ống dẫn trứng, hãy cho bác sĩ biết về những trường hợp sức khỏe trên để có phác đồ phù hợp và hiệu quả nhất nhé!
Biện pháp thắt ống dẫn trứng
Thắt ống dẫn trứng có thể được thực hiện sau khi sinh hoặc bất cứ lúc nào như một thủ tục ngoại trú bằng cách nội soi và gây mê toàn thân.
Đối với những trường hợp không phải thắt ống dẫn trứng ngay sau khi sinh thì cần thực hiện các thủ tục sau:
- Trước khi tiến hành thủ thuật. Bạn có thể yêu cầu xét nghiệm mang thai để đảm bảo chắc chắn rằng bạn không mang thai
- Trong khi phẫu thuật: bác sĩ sẽ sử dụng một mũi hoặc một vết mổ nhỏ ở rốn, sau đó bơm khí (carbon dioxide hoặc nito oxide). Tiếp sau đó bác sĩ sẽ rạch thêm một đường nhỏ thứ hai để đưa các dụng cụ đặc biệt qua thành bụng. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ này để thắt ống dẫn trứng bằng cách phá huỷ các bộ phận của ống hoặc chặn chúng bằng vòng nhựa/kẹp.
- Sau phẫu thuật: Khí được sử dụng trong quá trình thắt ống dẫn trứng sẽ được loại bỏ sau khi thực hiện. Lúc này, bạn có thể được phép về nhà sau vài giờ tiến hành. Thêm vào đó, việc thắt ống dẫn trứng ngay sau khi sinh con cũng không phải nằm viện lâu.
Một số triệu chứng thường gặp sau khi phẫu thuật thắt ống dẫn trứng như đau bụng, chuột rút, mệt mỏi, chóng mặt, đầy hơi, đau vai… Bạn có thể tắm sau 48 giờ sau khi làm thủ thuật, nhưng tránh làm căng hoặc chà xát tại vết mổ, đồng thời cần phải rất cẩn thận làm khô vết mổ sau khi tắm. Tránh quan hệ tình dục cho tới khi bác sĩ kiểm tra sau phẫu thuật và có kết luận an toàn.
Một số dấu hiệu xấu có thể xảy ra như: sốt trên 38 độ, ngất xỉu, đau bụng dữ dội và kéo dài hoặc tình trạng có thể tồi tệ hơn sau 12 giờ, chảy máu vết thương thông qua băng… Lúc này cần tới bệnh viện để kiểm tra và cấp cứu kịp thời.
Nhìn chung thắt ống dẫn trứng là phương pháp triệt sản nữ vĩnh viễn với tỷ lệ rủi ro cực kỳ thấp. Do đó, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể yên tâm khi lựa chọn phương pháp này nếu không muốn sinh thêm con trong tương lai. Điều quan trọng hơn là bạn cần lựa chọn được bệnh viện uy tín, đội ngũ bác sĩ tay nghề cao để đảm bảo quá trình triệt sản diễn ra an toàn và giúp bạn tránh thai hiệu quả.