Dùng con để trói chân chồng “bài tủ” của các bà vợ
Chiêu này được xem là khá phổ biến vì nó có hiệu quả đáng kể. Một số chị em chẳng may gặp phải chồng “hũ hèm” hay chồng “ham dzui”, khoái tụ tập bạn bè để nhậu nhẹt tán hươu tán vượn ngoài quán hơn là về nhà ăn cơm với vợ thì sử dụng con cái làm vũ khí một cách triệt để. Nhưng việc lợi dụng con cái làm áp lực bắt chồng phải “nhớ đường về” mọi lúc mọi nơi như Ngọc Dung thì hơi quá. Bản thân Dung làm thư ký cho một công ty tư nhân. Công việc nhàn hạ, thường về nhà sớm. Còn chồng cô là kiến trúc sư, lại mê nhậu số một, tối nào cũng phải sau mười giờ đêm mới về tới nhà. Thoạt đầu, Dung còn nước mắt ngắn dài, ôm cái điện thoại réo gọi chồng suốt. Khi chồng về với hơi rượu lè nhè là bị cô “xả stress” thêm một chặp nữa, anh chỉ có nước lủi thẳng vô phòng ngủ, chẳng nói năng gì tới vợ đang hầm hầm. Dung càng tức tối hơn. Hàng xóm mách nước: “Có bảo bối đó mà không xài! Đàn ông thằng nào chẳng thương con. Kêu thằng con mày réo cha nó về!”. Dung sực nhớ tới thằng con trai 3 tuổi, tỉnh hẳn ra, cuống quýt huấn luyện con chèo kéo ba nó về sau khi tan sở. Chồng Dung vốn rất quý con nít, mà con trai Dung là đứa kháu khỉnh, rất dễ thương. Quả thật, mấy lần Dung dạy con nói chuyện điện thoại với ba nó. Chỉ cần nghe con ngọng nghịu gọi: “Ba ơi về ăn cơm với con!” hay “Ba về sớm chở con đi chơi thú nhún nghen!” là anh ba chân bốn cẳng cáo lui chiến hữu về với vợ con ngay. Những bữa chiều đó, Dung tươi cười đối đãi với chồng như “thượng đế”.
Chị Phượng, nhân viên kiểm toán của một công ty chuyên về thuế-tài chính bộc bạch: chồng chị là hướng dẫn viên du lịch, cái máu đam mê khám phá những nơi xa xôi, mới lạ cùng “bệnh nghề nghiệp” vẫn không thuyên giảm trong anh khi hai người đã kết hôn. Hai vợ chồng cứ như mặt trăng mặt trời, có nhà riêng tươm tất nhưng anh cứ dẫn khách đi tour suốt nên chị cứ phải cuốn gói về tá túc nhà mẹ ruột vì…sợ ma. Thế là dù chưa muốn có con ngay, chị vẫn quyết định có thai để vừa thử lòng, vừa níu kéo chồng về với gia đình. Nghe tin chị dính bầu, anh chồng chưng hửng vì anh đã dặn dò chị uống thuốc cẩn thận. Chị khóc váng lên, cho rằng anh không tin tưởng vợ, không biết yêu thương máu mủ của mình. Nghe chị giải thích, anh hiểu ra nỗi mong muốn có con của vợ, cũng vui lây, còn chăm sóc chị rất chu đáo. Anh xin phép sếp đi những tour gần, trong ngày để tiện về lo cho bà bầu. Nhìn anh tíu tít chuẩn bị quần áo, tã lót, mũ vớ…chị rất mừng, nghĩ rằng kế hoạch “chụp mũ” của mình thành công.
“Lạt mềm con” có thật sự lúc nào cũng “buộc chặt” được người cha?
Thực tế mà nói, không phải cô vợ nào cũng đủ kinh nghiệm để trở thành huấn luyện viên chuyên nghiệp của con trong việc níu kéo tình cảm người chồng. Trường hợp của Ngọc Dung là một bài học cay đắng: sau khi dùng con để kéo chồng về sớm hiệu quả, cô còn lạm dụng con để theo dõi, rình rập chồng xem anh đi đâu, với ai, có hành động mờ ám với “ả” nào không? Mỗi lần chồng xách xe đi đâu là Dung thả con theo, khi về nó báo cáo hết mọi việc cho mẹ nghe. Một tối nọ, anh ra ngõ uống cà phê với bạn. Thằng bé đã ngủ say nhưng Dung vẫn dựng con dậy. Anh chồng sửng sốt khi thấy thằng nhỏ tóc tai bù xù, mắt mở không lên, lò dò vô quán cà phê tìm ba. Thằng nhỏ khóc nói mẹ bắt đi theo ba. Lần đó, Dung được chồng thưởng cho cái bạt tai như trời giáng. Hiểu ra mọi việc đều do vợ đạo diễn, anh chồng thất vọng, càng ngày càng nhậu nhiều hơn, vắng nhà nhiều hơn.
Kế hoạch “chụp mũ” chồng của chị Phượng cũng dần dần phá sản. Vì dù có thương con thật, nhưng công việc của anh bắt buộc phải thường xuyên vắng nhà. Anh tranh thủ tối đa “hậu phương” từ hai bên nội ngoại sang giúp vợ chăm sóc con, còn anh, vẫn điệp khúc “đi mây về gió” y như cũ. Chị Phượng thất bại ở chỗ không thấu hiểu và thông cảm với chồng, đặt anh vào trường hợp chẳng đặng đừng, đưa anh vào “thế bí” khi anh chưa hoàn toàn sẵn sàng để đón nhận. Gía như chị đừng vội vàng chủ động có con ngay, mà hãy cho anh thời gian để chuẩn bị, thu vén công việc, có lẽ anh đã chu toàn trách nhiệm hơn với hai mẹ con chị mà không mang tiếng là loại đàn ông ưa bay nhảy.
Tình cảm cha con là điều vô cùng cao quý và thiêng liêng. Tự bản thân người cha nào cũng thương con, bằng nhiều cách. Nếu người vợ khéo léo, thông minh, nên biết cách chuẩn bị cho chồng một tư tưởng và tinh thần vững vàng ngay từ khi chưa có con để họ có ý thức trách nhiệm với vợ con về sau. Không phải lúc nào dùng con cái để níu kéo tình cảm của chồng đều là hay, là đúng. Mà phải tùy trường hợp, tùy vào tính cách, công việc của chồng để nuôi dưỡng tình cảm hai vợ chồng. Nếu người vợ nào tinh tế, sẽ không cần phải lôi con ra làm “lạt mềm” để trói chân chồng. Chỉ cần một mình cô ấy cũng đủ làm chồng từ bỏ các thú ăn chơi không lành mạnh mà luôn khao khát trở về mái ấm cùng vợ con sau mỗi giờ tan sở.