Mẹ&Con - Sống thử trước hôn nhân giờ thành chuyện nhỏ rồi! “Mốt” mới đang có xu hướng thành trào lưu là cứ mang thai, thậm chí sinh em bé đã, rồi mới tính chuyện cưới xin.

Người trong cuộc phẩy tay: “Có con mới quan trọng, mới là sự ràng buộc thiêng liêng nhất. Chứ sá gì mảnh giấy đăng ký kết hôn!” Nhưng nói thì nói thế thôi, những hệ lụy đằng sau các mái gia đình không-ràng-buộc này thì quả là không đơn giản!

Lên chức “bố mẹ” khi còn… chưa kịp cưới!

Không hề “vỡ kế hoạch”, lỡ có con như kiểu các em sinh viên hay các cô gái từ quê lên thành phố bị dụ dỗ như trong các bộ phim, những cặp “bố mẹ không đăng ký kết hôn” này thường đã đi làm, chủ động về tài chính, có cách nghĩ tương đối thoáng, cá tính và độc lập.

Quỳnh Mai (29 tuổi) là nhân viên một công ty truyền thông lớn. Trẻ trung, xinh xắn, công việc ổn định với mức lương cao, thế nhưng chuyện tình duyên với Mai lại khá thăng trầm. Chia tay vài ba mối tình, ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy mình đã xấp xỉ tuổi 30, Mai quyết định… thả luôn, bỏ hẳn các biện pháp tránh thai. Ba tháng sau, cô nháy mắt cười, báo tin vui với bạn trai bằng chiếc que thử hai vạch và không hề đòi ràng buộc.

Có con trước hôn nhân 7

(Ảnh minh hoạ)

“Mình chẳng thấy có gì nghiêm trọng cả. Phụ nữ có cả cuộc đời để… kết hôn, có thể cưới kể cả khi đã ở tuổi 40. Nhưng khả năng làm mẹ thì không chờ mình được, nó có giới hạn thời gian. Mình không muốn chờ đến khi kết hôn rồi mới có con, vì bạn trai mình bảo anh ấy chưa muốn cưới sớm, ít nhất phải 5 năm nữa. Nhỡ đến lúc ấy mình đã ngoài 35, không thể có một đứa con khỏe mạnh thì sao?”, Mai giải thích.

Cùng suy nghĩ với Mai, đôi bạn trẻ Tuấn Anh – Ngọc Thảo cũng quyết định có con, dù kế hoạch kết hôn vẫn còn… lơ lửng tận “phương trời” nào vì gia đình hai bên chưa đồng ý. Thảo tỏ ra thoải mái: “Kệ, cứ thực hiện thiên chức làm bố – làm mẹ đã, chứ anh ấy đã 31 tuổi, mình cũng đã 28 rồi còn gì! Gia đình đến lúc nào đó sẽ chấp thuận dâu rể, con cháu thôi.

Quan trọng là tụi mình yêu nhau, và đủ khả năng kinh tế chung tay lo cho em bé. Thế là được! Chứ cưới sớm làm gì rồi hục hặc suốt ngày. Giờ người ta cũng thoáng lắm rồi. Chẳng ai nhìn các bà mẹ đơn thân như kẻ đáng gọt đầu bôi vôi nữa đâu. Bạn bè mình chúc mừng ầm ầm trên facebook. Mình và bạn trai vẫn sống riêng nhà, nhưng anh ấy có thể qua nhà mình bất kỳ lúc nào để chăm sóc, chơi với con!”.

Quả thật chuyện này giờ không lạ nữa! Khi tuổi kết hôn ngày càng có vẻ muộn hơn, không ít bạn trẻ chọn cách “đi tắt đón đầu” rồi mới… tính! Đăng Khôi, một chàng trai 30 tuổi, vừa lên chức “bố” được hơn 2 tháng cũng cảm thấy “vô tư đi” với chuyện có con trước này: “Mình chưa thật sự sẵn sàng với cuộc sống gia đình, vì vẫn cảm thấy yêu cuộc sống độc thân và còn kha khá những dự tính công việc muốn dồn sức vào làm.

Nhưng có con thì… được, vì mình yêu bạn gái và mình nghĩ cô ấy có thể là một người mẹ tốt. Khi cô ấy báo có thai và muốn giữ lại con, mình ủng hộ. Giờ mình vẫn ghé qua, chăm sóc cô ấy và chơi một chút với con mỗi ngày. Thời buổi này tình trạng hiếm muộn ngày một tăng nên việc có một đứa con, mình nghĩ là chuyện đáng mừng. Chứ cưới nhau về rồi nhỡ một trong hai người không có con, lúc ấy mới càng… có chuyện!”

Có con trước hôn nhân 8

(Ảnh minh hoạ)

Nhưng có những chuyện “biết tỏ cùng ai”!

Nghe sự tính toán của những bạn trẻ này, không ít người ngẫm nghĩ rồi gật đầu: “Cũng có lý đấy chứ! Quan trọng là họ có trách nhiệm với chuyện sinh ra một hài nhi, đủ sức lo được cho bé. Chứ cứ chờ kết hôn rồi mới cưới, đâu phải dễ. Khối phụ nữ bây giờ đến tận tuổi ngoài 35 mới kết hôn đấy thôi. Chẳng lẽ cũng phải xếp luôn ước mơ làm mẹ lại chỉ vì… chờ cho có chồng à?”

Thế nhưng, bài toán này chỉ đưa ra được một đáp số đẹp khi cả hai cùng đồng lòng, quyết chí, cùng yêu thương thật sự và chuyện cưới xin chỉ là “sớm muộn”. Còn lại, khi không có sự ràng buộc, đừng quên rằng luôn có thể có những sự cố bất ngờ nảy sinh, luôn có những “người thứ ba” chen vào hay những tình huống thiệt thòi – nhất là cho người phụ nữ – xảy đến.

Một năm sau ngày con chào đời, chị Hà P. (Quận 4) tá hỏa khi nghe bạn trai mình chuẩn bị… cưới vợ, nhưng đó lại không phải là mình. Gây gổ, tranh cãi, anh thờ ơ bảo: “Thì ban đầu đã thỏa thuận với nhau không ràng buộc cơ mà! Anh vẫn có trách nhiệm đầy đủ với con đấy thôi!”. Chị chỉ còn biết nghẹn ngào, vì quả thật lúc đòi có con, chị đã hồ hởi và đầy tự tin bảo rằng sẽ chẳng “ép” gì anh cả, bao giờ anh thích thì mới cưới. Giờ, chị càng không thể “cạnh tranh” khi người vợ sắp cưới của anh lại là con gái một gia đình “môn đăng hộ đối” được bố mẹ anh chấm từ trước.

Dở khóc dở cười hơn, chị Ngọc T. (Quận Phú Nhuận) bộc bạch cùng chuyên viên tư vấn: “Tụi em sống chung, con đã 8 tháng nhưng anh ấy vẫn thoải mái như người… chưa có gia đình. Ra ngoài đường, thấy em nào dễ thương, xinh xắn anh ấy vẫn chọc ghẹo, tán tỉnh, vẫn xòe bàn tay không đeo nhẫn và khẳng định: Anh là… con trai nheo nhẻo đây này! Em nổi cáu nhưng phải cắn răng chọn cách giữ chân anh thật nhẹ nhàng, vì nếu không, anh ấy bỏ đi, thì em mất cả chì lẫn chài.

Dù có một đứa con với nhau rồi, nhưng em lại không thể có một người chồng trọn vẹn để lo cho mái ấm của mình. Em tìm cách gợi ý cho anh ấy đăng ký kết hôn nhưng anh ấy gạt phăng. Con em trên khai sinh vẫn là con ngoài giá thú. Và em vẫn hồi hộp không biết anh ấy có thể bỏ mẹ con em để đi… lấy vợ ngày nào!”.

Chưa hết, trong “trò chơi mạo hiểm” này, phần thiệt thòi không ít còn dồn về các thiên thần bé bỏng. Bởi lẽ hầu hết các ông bố “chưa-chịu-làm-chồng” đều có tính khá thoải mái, chưa quen ràng buộc, chưa thật sự cảm nhận được trách nhiệm của người trụ cột gia đình.

Với họ, chuyện có con chỉ như một cụm từ mới mẻ và có-phần-thú-vị, nên họ có thể vui vẻ ẵm bé chụp hình, đăng lên facebook khoe với bạn bè, nhận những lời chúc tụng, gửi một ít tiền hàng tháng để đóng góp vào “trách nhiệm” nuôi con, song lại không hề toàn tâm toàn ý xem vợ con là tất cả của mình.

Con bệnh, bố chỉ biết ghé qua bệnh viện thăm như… một người bạn ghé thăm. Con ị, con bú, con khóc đêm… bố đều vắng mặt vì vẫn ở riêng, hoặc ở chung thì lại bỏ “đi làm”, “đi chơi” với bạn bè. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ: “Rất khó trách, vì thật ra quá trình làm vợ làm chồng là một quá trình chuẩn bị quan trọng trước khi thành bố thành mẹ.

Khi làm vợ làm chồng, bạn sẽ tập thích nghi dần với trách nhiệm của mình với gia đình, với người bạn đời, tập cân nhắc tính toán những thứ thực tế của cuộc sống đời thường, tập làm quen những điều xấu tốt ở nhau, tập hóa giải xung đột, tập yêu gia đình, tập bớt đi những thói quen của thời độc thân để dung hòa với cuộc sống chung.

Có nền tảng đó rồi thì việc có con sẽ trở nên rất thuận lợi, dễ dàng. Ngược lại, khi đốt cháy giai đoạn hôn nhân mà nhiều bạn tưởng là không quan trọng, nhiều người – nhất là nam giới – sẽ không ý thức và theo kịp trách nhiệm cần có của một người cha”.

Vâng… trước mắt, có thể nhiều bạn trẻ rất thoải mái, tự tin với chuyện “cưới sau” này, khi mà con vẫn chào đời khỏe mạnh, khi mà bạn vẫn độc lập về tài chính, vẫn thừa sự tự tin để cho rằng “chẳng cần ràng buộc gì nhau cho mệt với một mảnh giấy đăng ký kết hôn hay một đám cưới”.

Nhưng… để nuôi dạy một đứa trẻ nên người là cả một chặng đường dài. Chặng đường ấy cần sự cam kết gắn bó bền chặt và thiêng liêng giữa hai bậc cha mẹ, cần sự toàn tâm toàn ý “tất cả vì con”. Và chắc chắn, sẽ rất khó cho bạn, nếu như người “phi công phụ” của bạn sẵn sàng… rời “máy bay” một ngày nào đó, vì một lý do “trời ơi đất hỡi”, để lại mình bạn xoay sở với bé yêu chưa-kịp-khôn-lớn của mình!

Tags:

Bài viết liên quan