Có bầu nhổ răng được không chắc hẳn là thắc mắc chung của nhiều mẹ bầu. Theo các chuyên gia, việc nhổ răng khi mang thai không được khuyến khích. Tuy nhiên, so với việc “sống chung” với một chiếc răng đau nhức hoặc tình trạng nhiễm trùng răng miệng thì rủi ro từ việc nhổ răng trong thai kỳ sẽ thấp hơn rất nhiều. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ thông tin về sức khỏe răng miệng khi mang thai cũng như trả lời cho câu hỏi “Có bầu nhổ răng được không?”
Những bệnh răng miệng thường gặp khi mang bầu
Thực tế, quá trình mang thai khiến phụ nữ dễ gặp các vấn đề răng miệng hơn bình thường, thậm chí là hình thành những bệnh lý răng miệng mới. Từ năm 1996, các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh: Phụ nữ mang thai bị viêm lợi, viêm nha chu sẽ tăng nguy cơ sảy thai, sinh non gấp 2-3 lần, dễ bị tiền sản giật, trẻ sinh ra nhẹ cân (dưới 2,5kg).
Khi mẹ viêm lợi, viêm nha chu, trong miệng sẽ xuất hiện một số vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn này di chuyển từ khoang miệng vào nhau thai, làm tăng nồng độ sinh lý trong dịch ối, gây chuyển dạ sớm, sinh non, sinh nhẹ cân. Ngoài ra, khi mang thai, mẹ bị viêm lợi sẽ khiến lượng canxi bé hấp thụ từ mẹ giảm sút, đây là nguyên nhân khiến bé nhẹ cân và không khỏe mạnh.
Một số vấn đề răng miệng trong tháng cuối thai kỳ thường bao gồm:
Viêm lợi (nướu)
Nội tiết tố trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng khiến mẹ bầu dễ bị viêm nướu hơn khi mang thai. Tình trạng này có thể gây sưng đau và chảy máu khi bạn đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Thậm chí, ngay cả khi không làm gì tác động thì bạn vẫn gặp tình trạng trên. Nếu không điều trị, viêm nướu có thể trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Nguy cơ sâu răng
Nguy cơ sâu răng khi mang thai của phụ nữ cũng tăng cao do lý do:
- Chế độ ăn giàu carbohydrate hơn bình thường
- Do ốm nghén nôn mửa làm tăng lượng axit trong khoang miệng của bạn. Điều này sẽ góp phần làm mòn lớp men răng, tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công răng dễ dàng hơn và gây ra tình trạng sâu răng.
U nướu
Trong khi mang thai, nhất là thời kỳ tam cá nguyệt thứ hai, một số phụ nữ sẽ gặp tình trạng nổi một vài cục u trên nướu răng. Khối u này sẽ sưng tấy, chảy máu gây khó chịu và thường tự lành sau khi sinh.
Có bầu nhổ răng được không?
Mặc dù những vấn đề kể trên có thể bình thường nhưng nếu không chăm sóc, xử lý đúng cách sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Do vậy, đối với vấn đề có bầu nhổ răng được không thì câu trả lời là không được khuyến khích đối với hầu hết mẹ bầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu các vấn đề răng miệng của bạn nghiêm trọng và thì phương pháp nhổ răng là cần thiết.
Những biểu hiện cần đi khám ngay, cụ thể gồm:
- Mẹ bầu đau nhức răng dữ dội, không thuyên giảm và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
- Các vấn đề hoặc bệnh lý răng miệng của mẹ bầu có nguy cơ nhiễm trùng.
- Các vấn đề răng miệng làm tăng nguy cơ tổn thương vĩnh viễn cho răng và nướu.
Tốt nhất, khi có dấu hiệu đau răng hoặc nướu, mẹ nên đi khám nha sĩ ngay. Bên cạnh đó, cần thông báo với nha sĩ về việc mình mang thai để được tư vấn về việc có bầu nhổ răng được không hoặc các phương pháp chữa trị an toàn.
Cách chăm sóc sức khỏe răng miệng trong thai kỳ
Vì nguy cơ gặp các bệnh răng miệng cao hơn bình thường nên mẹ bầu cũng cần tạo thói quen vệ sinh răng miệng tốt mỗi ngày. Cụ thể như:
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm trong 2 phút, sử dụng cùng với kem đánh răng chứa Fluoride.
- Thay bàn chải mỗi 3 đến 4 tháng hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị xơ, mòn. Khi lông bàn chải trở nên xơ, mòn thì hiệu quả làm sạch răng sẽ suy giảm, và có thể gây kích thích lợi của bạn.
- Làm sạch kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn. Điều này sẽ giúp loại bỏ thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng và một phần cổ răng dưới lợi.
- Đến khám nha sĩ ngay khi có kế hoạch mang bầu để phòng và điều trị các bệnh răng miệng trước khi có nguy cơ tiến triển nặng hơn trong quá trình mang thai, cũng như giảm thiểu can thiệp trong quá trình mang thai.
- Tăng cường sử dụng những nguồn thực phẩm giàu canxi như cua đồng, tôm đồng, tép nhỏ, các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, sữa tiệt trùng…), một số loại rau quả (chuối, kiwi, cam, rau súp lơ xanh, rau cải chíp, rau mùng tơi, muống, đậu, rau cần, cà rốt…). Điều này giúp tạo hàm răng vững chắc, khỏe mạnh cho mẹ và bé.
- Với những phụ nữ mang thai nôn nhiều do nghén hãy súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch baking soda loãng. Cách làm này sẽ giúp trung hòa axit liên quan, giảm nguy cơ sâu răng khi mang thai.
Những thủ thuật trong khi nhổ răng có an toàn không?
Bên cạnh những thắc mắc có bầu nhổ răng được không thì cũng nhiều người quan tâm tới vấn đề là liệu các thủ thuật nha khoa có an toàn. Cùng tìm hiểu một số thủ thuật cơ bản trong nha khoa nhé!
Chụp X-quang trước khi nhổ răng
Thực tế việc chụp X-quang khi nhổ răng là điều cần thiết. Nhưng mẹ bầu không cần quá lo lằng vì một tia X-quang không chứa đủ bức xạ để gây tổn hại đến thai nhi. Chưa kể, các nha sĩ sẽ cho bạn mặc áo bảo hộ để hạn chế bức xạ tiếp xúc với vùng bụng và có thể gây ảnh hưởng đến em bé.
Thuốc gây tê khi nhổ răng
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (Journal of the American Dental Association) vào tháng 8 năm 2015 cho biết thủ thuật gây tê tại chỗ bằng thuốc lidocaine là an toàn trong thai kỳ. Bởi vì phương pháp này không làm tăng nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc sinh bé nhẹ cân. Quan trọng là bạn phải cho nha sĩ biết về việc mang bầu, còn lại thì bạn không cần lo lắng về việc có bầu nhổ răng được không, vì họ sẽ lựa chọn loại thuốc gây tê phù hợp với bạn.
Dùng thuốc giảm đau sau khi nhổ răng
Vấn đề dùng thuốc giảm đau sau khi nhổ răng cần được thảo luận trước với nha sĩ hoặc bác sĩ khoa sản để hạn chế tối đa rủi ro cho mẹ và bé. Trường hợp được dùng thì thuốc acetaminophen là lựa chọn an toàn nhất. Đây là loại thuốc giảm đau được cho phép sử dụng trong thai kỳ vì không gây hại cho thai nhi.
Thông qua bài viết trên thì các mẹ cũng không cần quá lo lắng về vấn đề có bầu nhổ răng được không? Mặc dù không được khuyến khích nhưng không phải không được. Trong trường hợp bắt buộc nhổ thì hoàn toàn yên tâm là có thủ thuật phù hợp và an toàn cho mẹ và bé. Một lưu ý quan trọng nữa là chị em cần chọn những bệnh viện, phòng khám lớn và uy tín khi có nhu cầu nhổ răng để luôn đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé!