Tại Việt Nam, có đến khoảng 70% người dân từng mắc Migraine (chứng đau nửa đầu) ít nhất một lần trong đời. Nếu bạn cũng đang khó chịu bởi những cơn đau này, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Migraine là gì?
Migraine là hội chứng đau nửa đầu thần kinh dẫn đến tình trạng đau đầu dữ dội, suy nhược, buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh,… Chứng đau đầu này thường có tính di truyền và ảnh hưởng đến mọi thành viên trong gia đình mà không phân biệt độ tuổi.
Chẩn đoán đau nửa đầu được xác định dựa trên tiền sử lâm sàng, các triệu chứng bạn đang gặp phải và bằng cách loại trừ các nguyên nhân khác. Theo các báo cáo ghi nhận, phụ nữ có nguy cơ gặp phải chứng đau nửa đầu Migraine cao hơn so với cánh mày râu.
Các triệu chứng đau nửa đầu Migraine thường gặp
Thông thường, các triệu chứng đau nửa đầu Migraine có thể xuất hiện từ một đến hai ngày trước khi cơn đau đầu diễn ra. Các triệu chứng trong giai đoạn này thường bao gồm:
- Cảm giác thèm ăn
- Mệt mỏi
- Không có năng lượng để làm việc
- Ngáp thường xuyên
- Cáu gắt, phiền muộn
- Cảm giác cứng cổ
- Hiếu động thái quá
Nếu bạn mắc phải chứng đau nửa đầu Migraine có triệu chứng thị giác, bạn có thể gặp một vài rắc rối liên quan đến tầm nhìn, cử động và lời nói của mình. Các vấn đề này thường bao gồm:
- Tạm thời mất thị lực
- Nhìn thấy các ánh sáng nhấp nháy hoặc các điểm sáng
- Khó nói rõ ràng
- Cảm thấy ngứa ran, tê nhẹ như có kim châm đâm vào mặt, cánh tay hoặc chân
Ở giai đoạn phát tán, khi chứng đau nửa đầu trở nên nghiêm trọng nhất, bạn sẽ thấy đầu đau buốt. Cơn đau có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và đi kèm với một số triệu chứng như:
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
- Buồn nôn, nôn mửa
- Chóng mặt, cảm thấy choáng, muốn ngất xỉu
- Đâu ở một bên đầu (có thể là bên trái, bên phải, phía trước hoặc sau đầu, đau ở khu vực thái dương)
- Thay đổi về tâm trạng và cảm xúc, có thể từ cực kỳ hưng phấn, hạnh phúc và chuyển sang cảm giác mệt mỏi. Thông thường, sự thay đổi này diễn ra ở giai đoạn cuối của hội chứng đau nửa đầu, khi bạn chỉ còn những cơn đau âm ỉ
Nguyên nhân nào gây ra chứng đau nửa đầu Migraine?
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, thông qua việc điều trị cho các đối tượng bệnh nhân khác nhau, các bác sĩ đã tìm thấy một số yếu tố góp phần có thể gây ra chứng đau nửa đầu Migraine. Một trong những yếu tố chủ yếu chính là sự thay đổi của các chất hóa học trong não, chẳng hạn như mức độ serotonin trong não giảm đáng kể cũng gây nên tình trạng đau nửa đầu.
Ngoài ra, một số yếu tố khác tác động và kích thích chứng đau nửa đầu Migraine gồm có:
- Ánh sáng quá chói
- Thời tiết khắc nghiệt, thường khi nhiệt độ cao và nắng nóng
- Mất nước
- Sự thay đổi áp suất khí quyển
- Sự thay đổi hormone ở phụ nữ, chẳng hạn như sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh
- Căng thẳng quá mức
- Những âm thanh lớn
- Hoạt động thể chất cường độ cao
- Bỏ bữa
- Thay đổi trong chu kỳ giấc ngủ
- Đang sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai hoặc nitroglycerin
- Mùi bất thường
- Thức ăn: đồ uống có cồn hoặc caffein; các loại phụ gia thực phẩm như nitrat (một chất bảo quản trong thịt đông lạnh) hoặc aspartame (một loại đường nhân tạo), bột ngọt (MSG); tyramine – một hóa chất thường xuất hiện tự nhiên trong một số loại thực phẩm
- Hút thuốc
- Sử dụng rượu bia và các chất kích thích
Nếu bạn đang gặp chứng đau nửa đầu, bạn có thể liệt kê những gì bạn đang làm, các thực phẩm bạn đã ăn, những loại thuốc bạn đã dùng trước khi cơn đau nửa đầu bắt đầu,… Như vậy, các bác sĩ có thể phần nào dễ dàng tìm ra nguyên nhân chính mà bạn đang gặp phải là gì, từ đó đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị thích hợp.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu
Không phải ai tiếp xúc với các nguyên nhân gây nên hội chứng đau nửa đầu Migraine cũng sẽ bị đau đầu. Tuy nhiên, một số người lại có nguy cơ mắc phải hội chứng Migraine cao hơn. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đau nửa đầu có thể kể đến như:
Tuổi tác
Chứng đau nửa đầu có thể xuất hiện đầu tiên ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người sẽ trải qua cơn đau nửa đầu đầu tiên trong thời kỳ thanh thiếu niên. Sau khi bước qua tuổi 30, chứng đau nửa đầu sẽ có thể có những dấu hiệu cải thiện hơn.
Tiểu sử gia đình
Nếu một thành viên trong gia đình từng mắc chứng đau nửa đầu Migraine, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc chứng bệnh này hơn. Trên thực tế, 90% bệnh nhân đau nửa đầu có tiền sử gia đình mắc chứng đau nửa đầu. Trong đó, cha mẹ thường là người có ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu cha hoặc mẹ từng mắc chứng đau nửa đầu, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.
Giới tính
Khi còn nhỏ, trẻ em trai bị đau nửa đầu nhiều hơn trẻ em gái. Tuy nhiên, sau tuổi dậy thì, phụ nữ có nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu cao gấp 3 lần so với nam giới.
Cách hạn chế chứng đau nửa đầu Migraine diễn ra thường xuyên
Nếu bạn được chẩn đoán mắc chứng đau nửa đầu Migraine, đừng quá lo lắng về những cơn đau đầu khó chịu. Bạn hoàn toàn có thể ngăn không cho chứng bệnh này phát tác thường xuyên bằng một số cách như:
Tránh căng thẳng
Mặc dù không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát các tình huống gây ra căng thẳng cho bản thân, nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng với chúng. Chứng đau nửa đầu thường xảy ra khi bạn bị stress, áp lực hoặc căng thẳng quá mức.
Vì thế, mỗi khi cảm thấy cảm xúc bản thân đang thay đổi theo chiều hướng tệ hơn, bạn nên nghe nhạc, tập yoga hoặc thiền, làm mọi thứ để đẩy lùi cảm giác lo lắng, căng thẳng đang manh nha xuất hiện.
Chọn các bài tập nhẹ nhàng
Tập thể dục thường xuyên góp phần giúp bạn duy trì lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, việc tập thể dục cường độ cao, chọn các bài tập nặng có thể gây nên tình trạng đau nừa đầu.
Do đó, nếu muốn ngăn chặn chứng đau nửa đầu Migraine phát tác, bạn có thể chọn các bài thể dục nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như thái cực quyền, yoga hay đơn giản là đi bộ nhẹ nhàng bạn nhé! Khi tập, bạn có thể quan sát các phản ứng của cơ thể để xem liệu mình có đang tập quá sức hay không.
Ăn ngủ theo chu kỳ sinh hoạt đều đặn
Nhịn ăn hoặc bỏ bữa dẫn đến đói và mất có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Hơn nữa, thiếu ngủ cũng khiến tình trạng đau nửa đầu của bạn trở nên tồi tệ hơn. Do đó, hãy chắc chắn bạn ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày bạn nhé!
Đặc biệt, bạn cần lưu ý rằng việc ngủ quá nhiều cũng có thể gây đau đầu. Do đó, đừng cố gắng để ngủ quá nhiều nếu hôm trước bạn bị mất ngủ. Điều này không hề giúp sức khỏe của bạn tốt hơn mà chỉ khiến mọi thứ thêm tồi tệ mà thôi.
Chú ý đến thời tiết
Những thay đổi về thời tiết có thể ảnh hưởng đến chứng đau nửa đầu Migraine của bạn. Độ ẩm cao và thời tiết nóng bức có thể kích thích cơn đau đầu. Hay đơn giản trong thời điểm giao mùa, khi những ngày mưa bắt đầu cũng là lúc bạn cảm thấy đau đầu hơn.
Vì thế, bạn nên chú ý đến thời tiết và hạn chế ra ngoài khi trời đang quá oi bức, nắng nóng cao độ hoặc đang có những cơn mưa dầm kéo dài.
Cẩn thận với những thay đổi liên quan đến nội tiết tố
Hormone đóng một vai trò quan trọng đối với chứng đau nửa đầu Migraine. Nhiều phụ nữ có xu hướng bị đau nửa đầu nhiều hơn trong hoặc ngay trước kỳ kinh nguyệt của họ. Vì thế, trong thời gian này, bạn nên chú ý hơn thói quen tập thể dục và khẩu phần ăn uống của mình.
Ngoài ra, nếu bạn đang uống các loại thuốc có tác động đến nồng độ hormone trong cơ thể, bạn nên chú ý mình có đau nửa đầu hay không để kịp thời thay đổi thuốc phù hợp hơn.
Chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm
Một số thay đổi nhỏ trong khẩu phần ăn uống cũng sẽ góp phần cải thiện chứng đau nửa đầu của bạn. Nên hạn chế các loại thực phẩm như:
- Socola
- Rượu vang đỏ
- Các loại đồ ngọt
- Phomai
- Các chất phụ gia
- Đồ uống có cồn
- Caffein
Tránh tiếng ồn lớn và đèn sáng quá mức
Tiếng ồn lớn, đèn nhấp nháy là những nguyên nhân phổ biến gây đau nửa đầu. Tuy các nguyên nhân này thường khó có thể tránh khỏi nhưng bạn vẫn có thể hạn chế một số trường hợp như lái xe vào ban đêm, tham gia các buổi nhạc hội đông người, ra ngoài vào giữa trưa, sử dụng thiết bị điện tử quá mức,…
Nếu bạn đang mắc chứng đau nửa đầu Migraine, hãy cố gắng để ghi chép lại thói quen sinh hoạt của mình, từ đó tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục hội chứng đau nửa đầu khó chịu này bạn nhé! Và đừng quên lưu lại bài viết của Tạp chí Mẹ và Con để có những thông tin bổ ích liên quan đến tình trạng đau nửa đầu của mình.