Nhiều mẹ thường nghĩ rằng, sinh mổ là một trong những giải pháp ưu việt cho sản phụ, bởi chỉ cần sau một giấc ngủ ngon lành, mẹ tỉnh dậy là đã được nhìn thấy bé yêu trong vòng tay. Tuy nhiên, trên thực tế sinh mổ là một quyết định đã được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng của các bác sĩ để đảm bảo cho mẹ hoàn tất chặng đường cuối cùng của thai kỳ một cách suôn sẻ.
Khi nào mẹ cần phải sinh mổ?
Theo đó, Mẹ và Con sẽ chia thành hai trường hợp mẹ cần phải sinh mổ gồm Sinh mổ chỉ định và Sinh mổ không định trước. Cụ thể:
- Sinh mổ chỉ định: Việc mẹ sinh nở bằng phương pháp mổ đẻ được bác sĩ quyết định trước khi mẹ chuyển dạ do nhận thấy mẹ không thể sinh nở bằng ngả âm đạo thông thường. Đơn cử như các trường hợp sức khỏe của mẹ và bé không đảm bảo do: Mẹ có bệnh lý về tim mạch, bệnh nhiễm khuẩn có thể lây nhiễm cho bé khi sinh thường; Mẹ mang thai nhiều bé; Mẹ có vết mổ tử cung trước đó hay thai không quay đầu khi đến gần ngày sinh, thai có dấu hiệu ngừng phát triển…
- Sinh mổ không định trước: Quyết định sinh mổ đôi khi cũng xuất hiện ngay khi quá trình chuyển dạ của mẹ không suôn sẻ hoặc bị ngừng hoàn toàn; Xuất hiện tình trạng thai suy và cần phải đưa bé ra ngoài càng sớm càng tốt; Nhau thai có vấn đề và có thể khiến mẹ bị băng huyết khi sinh…
Có hai trường hợp sinh mổ là sinh mổ chỉ định và sinh mổ không chỉ định trước
Ảnh hưởng của sinh mổ đối với mẹ
Trong tình huống mẹ không thể sinh nở một cách tự nhiên, liệu sinh mổ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ? Trên thực tế, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em cho rằng, sinh mổ có thể gây nên rất nhiều hệ lụy cho mẹ như:
- Mẹ mất nhiều máu hơn sinh tự nhiên, không chỉ ảnh hưởng đến sự co thắt bình thường của tử cung làm cho mẹ dễ bị viêm nhiễm, mà còn khiến cho quá trình phục hồi sau sinh nở mất nhiều thời gian hơn các mẹ sinh bằng ngả âm đạo.
- Mẹ dễ bị dính ruột, tắc ruột, viêm bàng quang, nhiễm trùng vết mổ… Bên cạnh đó, sinh mổ cũng khiến cho lần mang thai tiếp theo của mẹ đối diện với nhiều nguy cơ như vỡ tử cung, thủng tử cung hoặc phải tiếp tục sinh mổ và tốn nhiều chi phí hơn.
- Mẹ cũng có thể gặp tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê như tụt huyết áp, buồn nôn… Đặc biệt, do quá trình sinh mổ khiến cho mẹ mất nhiều sức hơn nên ảnh hưởng đến nguồn sự phân tiết bình thường của tuyến sữa, làm mẹ mất sữa, kém sữa…
Sinh mổ có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ
Những chuẩn bị cho kỳ vượt cạn bằng cách mổ đẻ
Tuy sinh mổ có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe của mẹ và bé, nhưng trong tình huống không thể sinh nở bằng con đường tự nhiên, mẹ cũng không nên lo lắng quá. Thay vào đó, mẹ nên chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo để chuẩn bị đón bé yêu chào đời thật khỏe mạnh bằng những lời khuyên dưới đây.
Trước khi mổ
Mẹ bầu và gia đình nên có sự trao đổi trực tiếp với bác sĩ sản khoa để được giải đáp các thắc mắc có liên quan, đồng thời cân nhắc các vấn đề: gây tê hay gây mê, sinh thường hay sinh theo dịch vụ gia đình có người thân bên cạnh, phương pháp giảm đau trong và sau khi sinh… Bên cạnh đó, đừng quên giữ cho tâm trạng thật thoải mái, tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học và chuẩn bị đầy đủ đồ dùng trước khi vào viện.
Trước khi vào viện 1 ngày
Kể cả khi đã được thông báo về phương pháp sinh mổ hoặc chưa, mẹ bầu cũng nên có sự chuẩn bị thật chu đáo cho khoảnh khắc “vượt cạn” của mình bằng cách:
- Tắm rửa và gội đầu thật kỹ, dọn sạch “cỏ” ở vùng “tam giác vàng” để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Tháo rời và cất đồ trang sức để không ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, không làm mẹ bị thương và cũng đề phòng nguy cơ mất cắp khi mẹ chưa hồi tỉnh.
- Tuân thủ nghiêm túc lời dặn của các bác sĩ về việc không ăn uống trong khoảng 10 tiếng trước khi sinh mổ để quá trình mổ đẻ diễn ra suôn sẻ, không bị sặc hay ngạt.
- Kiểm tra lại lần cuối cùng toàn bộ đồ dùng mang vào bệnh viện, giấy tờ tùy thân, hồ sơ theo dõi thai kỳ và luôn có người thân ở bên cạnh để hỗ trợ khi cần.
Trước khi sinh mổ mẹ bầu cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn
Mẹ được chỉ định sinh mổ khi nào?
- Mẹ có khung chậu hẹp, lệch, méo, tử cung dị dạng
- Mẹ bị bất thường về đường sinh dục, cản trở sinh ngả âm đạo
- Mẹ lớn tuổi, có bệnh lý tim mạch, bệnh nhiễm khuẩn…
- Mẹ có bất thường cơ co tử cung
- Mẹ sinh khó do cổ tử cung có vết mổ cũ
- Mẹ chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung
- Thai to, ngôi thai bất thường
- Thai suy và bị đe dọa tính mạng
- Phần phụ của thai có bất thường: sa dây rốn, nhau tiền đạo…