Mẹ&Con - Có nên cưới khi đang mang thai hay không? Nếu cô dâu đang mang thai tổ chức hôn lễ thì cần chuẩn bị đám cưới như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!

Kết hôn và mang thai đều là những chuyện vui lớn trong đời của mỗi người. Tuy nhiên, mẹ bầu cũng nên lưu ý chuẩn bị đám cưới làm sao để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi. Dưới đây là những điều cần lưu ý để các bà bầu tham khảo trong chính ngày cưới của mình. Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay nhé!

chuẩn bị đám cưới

Có nên tổ chức lễ cưới khi đang mang thai?

Ngày xưa việc “ăn cơm trước kẻng” thường khiến nhị vị phụ huynh cảm thấy không vui, hàng xóm bàn ra tán vào nên ngay khi vừa phát hiện ra đã mang thai, nhiều cặp đôi vội vàng “cưới chạy bầu”, hay nói vui là “bác sĩ bảo cưới” để tránh sự dị nghị của xã hội. Tuy nhiên ngày nay, khi xã hội hiện đại hơn, tư tưởng thoáng hơn, việc quan hệ và mang thai trước hôn nhân là một điều hết sức bình thường. Thậm chí có các ngôi sao, người nổi tiếng sau khi về sống cùng một nhà, con chung đã lớn mới bắt đầu tính đến chuyện hôn lễ.

Có thể thấy, việc cưới khi mang thai hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có muốn tổ chức lễ cưới hay không chứ không phải là bị miễn cưỡng buộc phải cưới như trước. Khi cân nhắc việc tổ chức hôn lễ, bạn cần cân nhắc tình hình sức khỏe có ổn định hay không, tình hình tài chính hiện tại có cho phép tổ chức lễ cưới hay không. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh, bạn nên cân nhắc thật kỹ việc tổ chức hôn lễ bởi lúc này, cô dâu và chú rể phải tiếp xúc với rất nhiều khách nên nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn.

lễ cưới mùa covid
Cần cân nhắc khi quyết định cưới trong mùa Covid

Cô dâu khi đang mang thai cần lưu ý gì khi chuẩn bị đám cưới?

Chọn trang phục

Chọn váy cưới luôn là bước hào hứng nhất với chị em phụ nữ đang chuẩn bị đám cưới. Nếu mới chỉ mang thai trong vài tháng đầu thì tất nhiên dáng cũng như eo của bạn vẫn chưa quá to so với lúc chưa mang thai. Do đó, những chiếc váy bình thường, chiết eo cũng không làm khó bạn. Tuy nhiên, những tháng đầu tiên của thai kỳ rất quan trọng và bất kỳ những tác động ví dụ như mẹ thắt bụng lại cũng có thể khiến thai nhi gặp vấn đề, thậm chí sảy thai. Vậy nên, khi tới các cửa hàng váy cưới, đừng ngần ngại nói với nhân viên việc bạn đang có em bé để được tư vấn những chiếc váy thoải mái, vừa đảm bảo mẹ đẹp mà con khỏe mạnh.

Đối với việc chọn giày, hãy tìm một đôi có cỡ lớn hơn chân khoảng ½-1 size vì chứng phù thai kỳ có thể làm bàn chân và mắt cá sưng to. Tuyệt đối không đi giày cao gót mũi nhọn hoặc chỉ nên chọn giày cao gót đế thấp, gót dày để giữ thăng bằng và “sơ cua” một đôi giày bệt.

Chọn thời gian tổ chức đám cưới

Thông thường khi chuẩn bị đám cưới thì nhiều gia đình sẽ đi xem ngày. Tuy nhiên, tốt nhất nếu muốn tổ chức đám cưới an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé thì nên bắt đầu từ 3 tháng giữa thai kỳ (tức là từ tuần 13 đến hết tuần 27 của thai kỳ). Lúc này, mẹ gần như thoát được việc ốm nghén nên dễ dàng đối mặt hơn với mùi thức ăn trong chính tiệc cưới của mình. Hơn nữa, với những phụ nữ mang thai lần đầu, phải từ tháng thứ 5 bụng mới lộ rõ rệt nên có thể thoải mái trong việc chọn váy giấu bụng hơn.

đám cưới

Trang điểm khi mang thai

Chọn địa điểm trang điểm phù hợp cũng là bước chuẩn bị đám cưới quan trọng. Nhiều bà bầu do hormone thay đổi trong lúc mang thai nên khiến làn da nhiều khuyết điểm hơn bình thường. Chính vì thế việc tìm tới các chuyên gia cũng sẽ tốn một khoản kha khá. Khi trang điểm, bạn có thể tự chuẩn bị mỹ phẩm cho mình và chọn mua các loại mỹ phẩm hữu cơ, có nguồn gốc tự nhiên, an toàn và lành tính. Những loại mỹ phẩm này sẽ hạn chế tối thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé! Ngoài ra, bạn có thể nói trước với thợ trang điểm để có thể lựa chọn kiểu trang điểm đơn giản, nhẹ nhàng, không sử dụng quá nhiều mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, khi làm tóc cũng phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất mà thay vào đó là tạo kiểu nhẹ nhàng, tự nhiên. Bạn có thể chọn mua hoặc thuê các loại kẹp hoa, vương miện để tạo điểm nhấn cho tóc thay vì quá tập trung vào việc sử dụng hóa chất để làm tóc cầu kỳ.

Giữ tâm tình thoải mái

Trước và trong chuẩn bị đám cưới luôn là công việc đau đầu, căng thẳng và phức tạp. Do đó, mẹ bầu nên cố gắng giảm khối lượng công việc gánh vác lại, điều này đồng nghĩa bớt cầu kỳ, giảm rườm rà cho đám cưới của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhờ sự trợ giúp của phụ huynh hai bên hoặc thuê bên dịch vụ thứ 3 để được tư vấn tổ chức trọn gói.

bến bờ hạnh phúc

Tự chuẩn bị nước và thức ăn nhẹ cho bản thân

Là một nhân vật chính trong một tiệc cưới đồng nghĩa với việc bạn phải tập trung quá nhiều cho lễ nghi, tiếp khách và chẳng có thời gian ăn. Chính vì thế khi lên kế hoạch chuẩn bị đám cưới, cô dâu nên tự chuẩn bị sẵn nước và thức ăn nhẹ để kịp thời bổ sung năng lượng cho bản thân.

Ngoài ra, hãy nói “không” với rượu bia, nước ngọt mà thay vào đó là cụng ly bằng nước lọc, như vậy vừa đảm bảo sức khỏe cho em bé vừa bổ sung nước cho cơ thể.

Bỏ qua việc chào bàn

Để chuẩn bị đám cưới thì bạn nên bàn luận với chồng sắp cưới cũng như hai bên gia đình về vấn đề chào bàn. Khi mang thai, việc di chuyển quá nhiều sẽ khiến cô dâu cảm thấy đau bụng, khó chịu và tức ngực. Do đó, bạn nên thảo luận về vấn đề hạn chế đi chào bàn, tốt nhất là bỏ qua luôn để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con. Đối với những bàn người lớn khó tính, quan trọng thì có thể tới để chào hỏi hoặc nhờ phụ huynh hai bên giúp đỡ việc này.

Chuẩn bị đám cưới luôn là công việc “nhức não”, phức tạp nhưng đối với một bà bầu còn khó khăn hơn nhiều vì phải cẩn thận rất nhiều thứ khác. Tuy nhiên, đám cưới bà bầu cũng có cái lợi vì bỏ đi được nhiều lễ nghi rườm rà cũng như phải mọi thủ tục phải nhanh chóng để không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Vậy nên, các cô dâu mới, những người mẹ mới cũng đừng quá lo lắng nhé!

Bài viết liên quan