Mẹ&Con - Ăn dặm khoa học và an toàn, đúng cách sẽ góp phần rất lớn để giảm thiểu những nguy cơ dị ứng cho trẻ. Dưới đây là những lưu ý cho mẹ.

Chọn đúng thời điểm

Bạn chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm vào thời điểm trẻ được 6 tháng tuổi. Tránh cho trẻ ăn dặm quá sớm. Một số mẹ mong con “cứng cáp”, từ tháng thứ 4-5 đã nôn nóng cho con ăn dặm. Thậm chí, có người còn vô tình cho trẻ ăn những món vốn chỉ được ăn sau khi trẻ đã tròn 12 tháng tuổi.

Cho con ăn dặm đúng cách sẽ giảm được dị ứng 6

Chọn thời điểm ăn dặm sai không chỉ gây tác hại tức thời (trẻ tiêu hóa không được, dị ứng) mà còn để lại hậu quả lâu dài về sau.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là mẹ đừng “kỹ” quá mức, hiểu sai rồi làm ngược lại – tức để bé ăn dặm quá muộn (đến 7-8 tháng hoặc hơn mới cho ăn dặm). Vì giai đoạn sau 6 tháng, nhu cầu năng lượng của trẻ sẽ tăng nhanh. Nếu chỉ có sữa mẹ thì không đủ đáp ứng nữa nên trẻ sẽ còi cọc, chậm phát triển. Nguồn sắt từ sữa mẹ lúc này không bù đắp nổi cho trẻ nên những trẻ ăn dặm quá muộn có thể gặp phải tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Cho trẻ ăn dặm thế nào để hạn chế dị ứng?

– Thời điểm này, mẹ vẫn duy trì cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần.

– Bổ sung cho trẻ từ 1-2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày cho đến khi gần 1 tuổi.

– Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ cần được cung cấp đủ các nhóm thực phẩm: Đạm, tinh bột, chất béo, vitamin – khoáng chất.

– Mẹ lưu ý nấu cháo cho con chỉ sử dụng gạo tẻ, gạo tám, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc khó ăn). Tuyệt đối không trộn thêm bất cứ thứ gì khác ngoài gạo trong giai đoạn đầu ăn dặm như hạt sen, đậu xanh… vào cháo, vì dễ gây cảm giác khó ăn và khó tiêu cho trẻ.

– Nên tranh thủ thời gian tự nấu cháo, bột cho con ở nhà. Tránh mua và cho trẻ ăn thường xuyên các loại bột nấu sẵn, cháo nấu sẵn, bún, phở… bán ngoài hàng quán. Vì hệ tiêu hóa của trẻ lúc này rất non nớt, rất dễ dị ứng với những loại phụ gia mà người bán có thể đã thêm vào.

– Với nhóm chất đạm, mẹ cần ghi nhớ thuộc lòng một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng. Ban đầu, khi mới ăn dặm, nên cho trẻ ăn thịt nạc heo, gà, lòng đỏ trứng. Nhớ là lòng trắng trứng chỉ cho ăn khi trẻ trên 1 tuổi. Trẻ sang tháng thứ 7-8 mới cho ăn thịt bò, cá, tôm, cua. Với tôm, cua… (hải sản nói chung), chỉ cho trẻ trong nhóm có nguy cơ dị ứng cao ăn thử chừng nửa muỗng cà phê, xem phản ứng cơ thể của trẻ. Nếu thấy an toàn, bình thường, trẻ tiêu hóa tốt, không xảy ra các dấu hiệu dị ứng thì lần sau tăng dần lên 1 muỗng cà phê, rồi cứ thế tăng lên.

Cho con ăn dặm đúng cách sẽ giảm được dị ứng 7

– Dầu mỡ thường không gây dị ứng cho trẻ. Tuy nhiên, nếu con rơi vào nhóm có nguy cơ dị ứng cao, bạn cũng nên thận trọng bổ sung theo nguyên tắc từ ít đến nhiều. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, ôliu, dầu cá hồi…), riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà chỉ nên 1-2 lần/tuần để tránh thừa vitamin A.

– Rau củ và trái cây (nhóm cung cấp vitamin và chất xơ) cũng cung cấp ban đầu 1 muỗng rau, sau đó tăng lên 2-3 muỗng rau/1 chén bột cháo. Lưu ý rau củ hiện nay trên thị trường rất dễ nhiễm hóa chất độc hại. Do đó, bạn cần chọn mua rau củ, trái cây có nguồn gốc sạch, an toàn. Cần ngâm rửa rau củ rất kỹ trước khi chế biến cho con.

– Khi nấu bột, cháo cho trẻ ăn dặm, mẹ hạn chế tối đa việc nêm nếm gia vị. Tất cả các loại bột nêm, bột ngọt, đường, muối, mắm… đều không tốt (và không cần thiết) cho trẻ mới ăn dặm.

Để giúp trẻ dễ hấp thu…

– Mẹ cần cho trẻ ăn các thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu và chia thành các bữa nhỏ (với trẻ mới ăn dặm.

– Không để cho trẻ dưới 1 tuổi ăn thức ăn thô nguyên hạt vì chúng gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ.

– Không nôn nóng cho trẻ ăn hải sản sớm với mong muốn con có nhiều Canxi và “cứng cáp”.

– Việc tập cho bé ăn dặm cần được thực hiện một cách từ từ, với nguyên tắc: từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, thức ăn tăng dần theo từng lứa tuổi.

Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhất mẹ cần nhớ

1. Sữa bò:

Dị ứng sữa bò thường xảy ra ở trẻ em, nhưng hầu hết trẻ em bị dị ứng sữa thường tự hết sau 3 năm. Không nên cho trẻ uống sữa bò tươi đến khi trẻ được 1 tuổi và cần thận trọng trong bước đầu trẻ uống, nhất là khi trẻ thuộc nhóm nguy cơ dị ứng cao.

2. Lúa mì:

Lúa mì có protein có thể gây ra phản ứng với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một số trẻ có phản ứng tiêu hóa với một chất dính gọi là gluten có trong protein lúa mì. Đây cũng là món bạn nên chờ đến khi trẻ sau 1 tuổi và cần chú ý.

Cho con ăn dặm đúng cách sẽ giảm được dị ứng 8

3. Hải sản có vỏ như sò, tôm, hàu, nghêu…:

Trẻ chỉ được ăn tôm từ tháng thứ 7 trở đi, với nghêu sò hàu… thì chỉ ăn sau khi trẻ được tròn 1 tuổi nếu trẻ thuộc nhóm nguy cơ dị ứng. Khi ăn những món này, chỉ cho trẻ ăn thật ít (dưới nửa muỗng cà phê) trong lần đầu tiên để “thăm dò” cơ thể.

4. Lòng trắng trứng:

Lòng trắng trứng rất dễ gây dị ứng cho trẻ. Bạn chỉ cho trẻ ăn lòng trắng trứng khi trẻ trên 1 tuổi. Từ 6-12 tháng, trẻ chỉ được ăn riêng lòng đỏ trứng.

5. Đậu phộng (lạc):

Cần vô cùng thận trọng với họ đậu, nhất là đậu phộng. Trẻ nhỏ thuộc nhóm có nguy cơ dị ứng cao càng phải được chú ý hơn. Đậu phộng có thể gây nên những cơn khó thở bất ngờ, sưng tấy và phát ban cho một số trẻ.

6. Dứa (thơm):

Dứa dễ gây dị ứng. Do đó, với trẻ dưới 1 tuổi, bạn nên tránh cho con uống nước ép dứa hoặc thêm dứa vào các món canh. Khi trẻ trên 1 tuổi, mới thăm dò bằng cách cho trẻ uống nước ép dứa từng ít một.

7. Các loại hạt khô:

Hạt điều, hạnh nhân… đều rất dễ gây dị ứng. Bạn không nên cho con thử các loại hạt này cho đến khi trẻ được trên 2 tuổi. 

Tags:

Bài viết liên quan