Mẹ&Con – Không ít phụ nữ khi mang thai mới phát hiện mình mắc u nang buồng trứng. Điều này khiến chị em mang tâm lý lo sợ làm ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân và cả thai nhi. Vậy liệu u nang buồng trứng khi mang thai có nguy hiểm? Và khi mắc chứng bệnh này bầu cần làm gì? Những băn khoăn này, Mẹ&Con sẽ giúp chị em giải đáp thông qua bài viết sau đây.
U nang buồng trứng khi mang thai là gì?
Về cơ bản, u nang buồng trứng ở phụ nữ bình thường và phụ nữ mang thai không có gì khác biệt. Bệnh đều là sự xuất hiện của một hoặc nhiều bao nang có chứa dịch với kích thước từ vài milimet đến vài centimet trong buồng trứng phụ nữ. Các bao nang có chứa dịch đó được gọi là khối u nang.
U nang buồng trứng có thể phát triển từ các mô trong buồng trứng hoặc từ các mô trong các cơ quan khác của cơ thể.
Vì sao mắc u nang buồng trứng khi mang thai?
Khi mang thai có hai loại u nang buồng trứng thường gặp là u nang hoàng thể và u nang bệnh lý. Nguyên nhân ở mỗi loại u nang này cũng có những điểm khác biệt:
U nang hoàng thể:
- Do sự thay đổi của nội tiết tố khi mang thai;
- Nang trứng kém phát triển hơn bình thường;
- Quá nhiều chorionic gonadotropin (HCG) khi mang thai;
- Rối loạn nội tiết ở buồng trứng do đa nang.
U nang bệnh lý:
- Phụ nữ từng sảy thai, lưu thai hay từng nạo phá thai;
- Nội tiết mất cân bằng trong thời gian dài, khi có thai hình thành nên u nang bệnh lý;
- Chức năng của tuyến giáp bị suy giảm.
U nang buồng trứng chiếm tỷ lệ khoảng 80% các khối u buồng trứng, có thể gặp ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi, ở bất cứ thời điểm nào.
Triệu chứng u nang buồng trứng khi mang thai
Triệu chứng u nang buồng trứng ở bà bầu cũng tương tự như phụ nữ bình thường là thường không có dấu hiệu rõ ràng trong giai đoạn đầu. Đối với mẹ bầu, dấu hiệu ban đầu để nhận biết u nang buồng trứng đó chính là: chảy máu âm đạo, đau vùng chậu, khoang chậu, đau lưng đôi khi lan xuống hai chân, cảm giác căng tức bụng… Ngoài ra, mẹ còn có biểu hiệu bụng to hơn so với tuần thai. Song dấu hiệu này ở mẹ bầu thường mơ hồ, khó nhận biết, do mẹ không thể phân biệt đâu là bụng lớn do thai và đâu là bụng lớn do u buồng trứng.
Khi có biến chứng của u sẽ xuất hiện các triệu chứng:
- Không thể tiểu tiện, sốt cao, đau lưng do u chèn ép gây nhiễm trùng đường tiết niệu;
- Khó thở do u to chèn ép cơ hoành;
- Đột ngột đau bụng, sốt cao, mạch đập nhanh, huyết áp tụt gây chóng mặt, toát mồ hôi do u bị vỡ hoặc bị xoắn;
- Gầy yếu, sụt cân, bụng to nhanh do u hóa ác tính.
Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý khác như bệnh phụ khoa (viêm nhiễm, u xơ tử cung) hoặc khối u của một bệnh lý khác ở vùng bụng. Vì vậy, cách tốt nhất để nhận biết u nang buồng trứng khi mang thai là mẹ cần đi thăm khám bác sĩ.
U nang buồng trứng khi mang thai có nguy hiểm?
Mẹ bầu mắc u nang buồng trứng thuộc loại u nang hoàng thể là nang sinh lý có vai trò tiết nội tiết nuôi dưỡng thai nhi. Sau 12 tuần tuổi, u nang buồng trứng đã hết nhiệm vụ sẽ tự biến mất một cách tự nhiên. Sự nuôi dưỡng thai nhi sẽ do bánh nhau đảm nhận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, u nang hoàng thể tiếp tục tồn tại và phát triển gây ra các biến chứng nguy hiểm như: xoắn nang, vỡ nang, chèn ép ổ bụng dẫn đến sinh non, sảy thai…
Đối với chị em mắc u nang buồng trứng bệnh lý sẽ đối diện với nhiều nguy cơ:
Suy nhược cơ thể: Sự phát triển bất thường của u nang sẽ chèn ép bàng quang và trực tràng gây đau bụng dưới, bí tiểu, táo bón dẫn đến suy nhược cơ thể người mẹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, bé sinh ra có nguy cơ cao nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Nguy hiểm tính mạng: Nếu u nang buồng trứng có biến chứng hoại tử thì có thể đe đọa tính mạng của thai phụ. Hơn nữa, u buồng trứng có thể thoái hóa ác tính bất cứ lúc nào trong thai kỳ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của cả hai mẹ con.
Tăng nguy cơ sảy thai, sinh non: Nếu u to sẽ chèn ép vào tử cung, kích thích tử cung co bóp và gây sẩy thai. Ở nhiều trường hợp, u nang tuy lớn nhưng thai vẫn phát triển bình thường ở hai quý đầu; nhưng sang quý ba, thai đã lớn làm cho tử cung to ra nên khối u gây chèn ép, kích thích tử cung co bóp nhiều rất dễ gây sinh non.
Cản trở sự bình chỉnh của thai nhi trong tử cung: Thông thường, đến tháng thứ 7 hoặc 8, đầu thai nhi phải quay xuống dưới để ra ngoài. Tuy nhiên, với sự tồn tại của khối u nang sẽ ép tử cung vào thành bụng làm thai nhi không thể quay đầu, khiến ngôi thai trở nên bất thường như ngôi ngang, ngôi ngược. Điều này làm cản trở tiến triển của quá trình chuyển dạ sinh thường nên phải mổ lấy thai.
Nguy cơ cắt bỏ tử cung nếu là u ác tính: Dù tỉ lệ không cao nhưng u nang cũng có thể dẫn đến ung thư buồng trứng. Nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, việc mang thai có thể vẫn được tiếp tục, chỉ có buồng trứng bị cắt bỏ. Nếu phát hiện muộn, khi ung thư đã lan ra khỏi buồng trứng, cắt bỏ tử cung để tránh lan rộng hơn thường được khuyến nghị và nên thực hiện càng sớm càng tốt. Nếu thai nhi dưới 24 tuần tuổi, cắt bỏ tử cung sẽ chấm dứt thai kỳ và sự tồn tại của thai nhi. Nếu thai nhi trong khoảng 24 – 36 tuần tuổi, có thể phải sinh non trước khi cắt bỏ tử cung.
Cách xử lý u nang buồng trứng khi mang thai
Như đã trình bày trên đây, u nang buồng trứng khi mang thai ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Do đó, việc tìm cách xử lý, điều trị căn bệnh này cần đặc biệt lưu ý và không nên chủ quan. Bởi lẽ, chỉ cần mắc phải bất cứ một sai sót nào cũng sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Thông thường, việc điều trị đối với phụ nữ mang thai có khối u buồng trứng sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn thai kỳ.
Nếu xảy ra vào 3 tháng đầu các bác sĩ thường chỉ định theo dõi chặt chẽ và chờ hết 3 tháng đầu mới thực hiện phẫu thuật để tránh gây sẩy thai. Trong trường hợp đó có thể được mổ nội soi bóc u nang. Bởi lẽ ở tuổi thai này, tình trạng thai tương đối ổn định nên cuộc mổ nội soi hầu như không gây sảy thai.
Nếu u buồng trứng phát hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ và u được dự đoán lành tính thì có thể chờ chuyển dạ tự nhiên mới phẫu thuật. Trường hợp u có thể trở thành u tiền đạo làm cản trở cuộc sinh thì phải mổ lấy thai, đồng thời có thể mổ lấy luôn khối u.
Trong trường hợp nghi ngờ u ác tính hoặc có biến chứng khác như vỡ, xoắn… thì sẽ phẫu thuật ngay, ở bất kỳ thời điểm nào của thai nghén nhằm đảm bảo an toàn cho người mẹ.
Bác sĩ có thể xem xét việc mổ nội soi bóc tách u nang để tránh những rủi ro về sau này khi thai lớn lên khi khối u có một trong các đặc điểm:
- Khối u còn tồn tại đến tam cá nguyệt giữa;
- Khối u có đường kính lớn hơn 10cm;
- Siêu âm thấy khối u đặc hoặc dạng hỗn hợp vừa đặc vừa nang.
Thời gian tối ưu cho điều trị phẫu thuật trong thai kỳ là đầu tam cá nguyệt giữa bởi một những lý do sau:
- Sự hình thành các cơ quan thai nhi đã hoàn tất, do đó sẽ hạn chế tối đa các nguy cơ gây quái thai khi sử dụng thuốc cho mẹ.
- Chức năng tiết hóc-môn của hoàng thể đã được thay thế bởi bánh nhau, nhờ vậy sự giảm tiết progesterone sau phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc cắt nang không ảnh hưởng đến nồng độ progesterone nữa.
- Hầu hết những nang chức năng sẽ biến mất vào thời gian này.
- Nguy cơ sảy thai thấp khi mổ vào tam cá nguyệt giữa.
- Sảy thai tự phát do bất thường chính bản thân thai thường xảy ra trước giai đoạn này và sẽ không bị gán là do những sai lầm khi phẫu thuật gây ra.
Phòng ngừa u nang buồng trứng khi mang thai
Thăm khám phụ khoa tiền thai sản
Trước khi mang thai, chị em cần đi khám phụ khoa. Đây là chìa khóa giúp chị em phòng ngừa u nang buồng trứng khi mang thai cũng như các bệnh liên quan đến phụ khoa khác khi bước vào thai kỳ.
Trong quá trình thăm khám, nếu phát hiện ra các bất thường, nghi ngờ mắc bệnh phụ khoa thì chúng sẽ được xử lý triệt để trước khi mang thai. Từ đó, đảm bảo sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi sau này.
Hạn chế tối đa việc nạo, phá thai
Nạo, phá thai chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng điển hình và một số bệnh phụ khoa nghiêm trọng khác. Đặc biệt, nạo phá thai nhiều lần còn ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của bạn sau này.
Xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý
Bạn cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao nhằm nâng cao sức đề kháng giúp chống đỡ với bệnh tật nói chung và u nang buồng trứng nói riêng tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên tập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Việc thường xuyên thức khuya sẽ gây rối loạn nội tiết tố. Rối loạn nội tiết tố cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh phụ khoa, trong đó có u nang buồng trứng.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Các bác sĩ chuyên khoa khuyên chị em nên hạn chế thức ăn chứa nhiều mỡ động vật, chất béo bão hòa, đồ ăn nhanh, nhiều đường, “nói không” với rượu, bia và các chất kích thích khác. Thay vào đó, chị em cần ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi nếu không muốn u nang buồng trứng “ghé thăm”.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên bổ sung đủ nước cho cơ thể (khoảng 2 lít nước mỗi ngày). Cơ thể không chỉ cần nước để duy trì hoạt động, mà còn cần nước để thanh lọc, đào thải các chất độc ra ngoài. Thiếu nước khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động không hiệu quả, sức đề kháng suy giảm làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Giữ tâm trạng thoải mái, hạn chế stress
Tinh thần lạc quan, tâm trạng thoải mái, vui vẻ luôn tốt cho sức khỏe tổng thể. Ngược lại, tâm trạng không tốt, thường xuyên lo âu, căng thẳng dễ dẫn đến rối loạn nội tiết tố và sinh bệnh. Do đó, kiểm soát tốt tâm trạng là cách đơn giản để bạn bước vào một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Thực phẩm tốt cho mẹ mắc u nang buồng trứng
Rau xanh có nhiều lá
Rau xanh là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều dưỡng chất, vitamin quan trọng cho sức khỏe. Trong rau xanh có nhiều lá thường chứa nhiều chất xơ, sắt, kali, canxi, magiê, vitamin nhóm B, vitamin C, K, E… giúp cân bằng hóc-môn trong cơ thể, làm chậm sự phát triển của u nang.
Rau, củ nhiều màu sắc
Những loại rau, củ nhiều màu sắc như ớt chuông, cà chua, cà rốt, củ cải, củ dền… cung cấp các chất chống ôxy hóa, chống lại sự phát triển của các khối u hiệu quả. Vì vậy, khi mắc u nang buồng trứng, mẹ đừng bỏ lỡ các loại rau, củ nhiều màu sắc trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Trái cây tươi
Bầu mắc u nang buồng trứng cũng cần chú ý tăng cường trái cây tươi vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Sự hiện diện của chất xơ cùng các loại vitamin, khoáng chất trong các loại trái cây tươi là cách làm giảm kích thước u nang tự nhiên.
Thực phẩm giàu sắt
Các loại thực phẩm giàu sắt như thịt gà, trứng gà, bông cải xanh, bí đỏ, chuối, cam… cũng có lợi cho mẹ mắc u nang buồng trứng. Chất sắt trong các loại thực phẩm này có khả năng ổn định lượng hóc-môn trong cơ thể, ngăn các khối u nang không phát triển lớn thêm gây biến chứng.
Thực phẩm chứa nhiều omega 3
Thực phẩm chứa thành phần omega 3 như các loại cá béo, dầu cá, dầu hạt, dầu oliu, bơ thực vật… có thể phòng ngừa và ngăn chặn sự phát triển của u nang buồng trứng hiệu quả. Đây là lượng chất béo tốt và có thể thay thế lượng chất béo không lành mạnh từ thức ăn nhanh cho mẹ đang mắc u nang buồng trứng khi mang thai.