Mẹ&Con - Đó là mong ước của mọi phụ nữ đóng vai trò “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Cuối tháng, thở phào nhẹ nhõm khi kết sổ thu chi, dư ra được chút đỉnh để gửi vào ngân hàng hay chỉ là để đãi cả nhà một bữa ra trò, thu xếp cho một chuyến đi du lịch sáng đi chiều về cũng đã vui rồi. Nhưng làm thế nào để… dư? Thật ra, điều này không hẳn phụ thuộc vào mức thu nhập của vợ chồng bạn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng quản lý tiền bạc, chi tiêu. Những “mẹo” sau đây sẽ giúp bạn! 8 mẹo tiết kiệm khi đi chơi Bí quyết tiết kiệm dành cho mẹ 12 bí quyết chi tiêu hợp lý

1. Xác định rõ tổng thu nhập của gia đình

Hiện tại, bạn kiếm được bao nhiêu tiền, anh xã kiếm được bao nhiêu tiền? Mỗi tháng vợ chồng bạn thống nhất khoản đóng góp chính thức cho gia đình là bao nhiêu? Trừ hết những khoản chi tiêu mang tính cá nhân, “dằn túi” của hai vợ chồng, bạn sẽ có được một khoản “tiền quỹ” cho cả gia đình. Khoản này nếu ổn định, tháng nào cũng được như thế thì quá tốt. Trường hợp vợ chồng bạn có thu nhập thất thường, hãy xác định lại mức tối thiểu nhất vợ chồng có thể góp vào cho “quỹ” gia đình.

Nên có sổ thu chi rõ ràng. Nhiều người không thích làm sổ thu chi vì cho rằng phức tạp, mất thời gian, hoặc “sao mà cứ phải đo lọ mắm đếm củ hành”, “không tin tưởng nhau hay sao”… Kỳ thực, sổ thu chi rất quan trọng, vì nó giúp kiểm soát phần “quỹ” gia đình. Một khi đã nắm được mức thu nhập tổng cộng mà bạn có thể dùng cho gia đình hàng tháng và có một cuốn sổ thu chi, bạn sẽ bắt đầu vào công cuộc tiết kiệm, quản lý tiền bạc rất dễ dàng.

2. Trừ ra tất cả những khoản chi cố định

Sẽ có một số khoản chi mang tính cố định, ví dụ như tiền thuê nhà cố định hàng tháng, tiền học phí cho con hàng tháng, tiền trả nợ vay ngân hàng mua nhà hàng tháng, tiền điện nước (có thể tăng giảm nhưng thường sẽ chênh lệch không nhiều) hàng tháng… Ngay khi cầm được khoản “tổng thu”, hãy làm một phép trừ và nhanh chóng thanh toán, đóng ngay những khoản chi mang tính cố định và quan trọng này. Trường hợp các khoản chi cố định quá cao, bạn hãy nhìn lại chúng sau 3-6 tháng/lần, để tìm cách thay đổi. Chẳng hạn như tiền thuê nhà của bạn đang cố định là 4 triệu đồng/tháng, nhưng vợ chồng bạn đang gặp giai đoạn tổng thu nhập bị giảm đi (chồng bị giảm lương), bạn nên tìm một chỗ thuê nhà mới, chỗ ở có thể chật chội hơn, nhưng đảm bảo để mức tiền thuê chỉ còn 2-3 triệu đồng/tháng, giúp bạn giảm bớt gánh nặng ở các khoản chi cố định quan trọng này.

kế hoạch chi tiêu

3. Luôn có một khoản nhỏ để phòng xa

Sau khi thanh toán xong các khoản chi cố định, bạn chỉ còn lại một số tiền “ít ỏi”. Nhưng đừng ngần ngừ để trừ thêm từ trong số đó ra một khoản nhỏ (tùy khả năng của bạn) gọi là khoản phòng xa của gia đình. Ít thì vài trăm ngàn đồng, nhiều thì vài triệu hoặc hơn nữa. Bao nhiêu cũng được, nhưng khoản này chính là khoản bạn tạm thời “không được phép” đụng tới. Nên mang nó gửi vào thẻ ATM của mình và tự nhủ sẽ không rút nó ra trừ khi có việc thật sự cấp bách, chẳng hạn như có người đau bệnh. Nên làm việc này ngay từ đầu tháng, khi túi bạn đang rủng rỉnh. Nhớ là cũng cần quyết tâm, đừng vội rút nó ra chỉ vì thấy một cái đầm quá đẹp hay muốn đổi chiếc tivi mới trong nhà, trong khi chiếc tivi cũ vẫn còn dùng được.

4. Chia nhỏ để kiểm soát chi tiêu hàng ngày, hàng tuần

Khoản tiền còn lại sau khi “trừ” đi cả tiền phòng xa, bạn không nên giữ “một cục” rồi chi tiêu cho đến khi thấy… hết tiền. Nên làm một phép chia. Chẳng hạn như tiền còn lại cho gia đình tháng này là 4,5 triệu đồng, thì nghĩa là mỗi ngày bạn chỉ được phép sử dụng tối đa 150 ngàn đồng. Bằng cách chia nhỏ ra thành ngày hoặc thành tuần, bạn sẽ thấy mình “quản” số tiền cần chi tiêu trong gia đình dễ dàng hơn. Chỉ cần có một sự “bội chi” nho nhỏ trong ngày nào đó, bạn cũng phát hiện ngay để điều tiết lại mình. Nếu không chia nhỏ thành ngày, bạn rất dễ rơi vào cảnh đầu tháng thì cả nhà ăn uống thịt cá ê hề, nhưng chỉ đến giữa tháng, bạn lúng túng vì khoản còn lại quá ít, không đủ chi tiêu, thế là cho cả nhà chuyển sang… rau củ quả!

Kế hoạch chi tiêu

5. Chỉ xài trong phạm vi cho phép

Bạn thở dài: “Người ta dư mới làm chuyện đó dễ dàng, chứ nhà mình thì cứ… tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, chi xài trong phạm vi cho phép lúc nào thấy cũng thiếu!”. Thật ra, như đã nói rất rõ từ đầu, có rất nhiều mẹo khác nhau để có thể có được mức sống tương thích với thu nhập của mình. Bạn sẽ làm được điều đó nếu bạn quyết tâm và nỗ lực tìm ra cho mình những cách tiết kiệm, từ những điều nhỏ nhất.
Chẳng hạn, với một khoản tiền chợ ít ỏi, bạn có thể tính toán nấu cơm sáng cho các thành viên, không ăn ngoài, nước uống có thể đun sôi để nguội thay vì chỉ mua nước đóng thùng, đóng chai. Giai đoạn đầu, việc này có vẻ rất khó khăn. Nhưng ông bà luôn có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Khi chỉ chi tiêu thấp hơn mức mình có được, sau vài tháng bạn sẽ thấy mình nhẹ thở, thoải mái hẳn, thấy mình trở về với trạng thái “rủng rỉnh” túi mỗi cuối tháng, không còn lo lắng chuyện nợ nần.

Làm 10, xài 9!
Khi nghe đến chữ “dư”, bạn hay hình dung gia đình đó hẳn phải sướng lắm, vợ chồng thu nhập cao, chi dùng không hết! Nhưng kỳ thực không phải vậy. Có những gia đình, hai vợ chồng, 1-2 đứa con, thu nhập chỉ 7-8 triệu đồng cuối tháng vẫn dư. Ngược lại, có những gia đình hệt như thế, thu nhập đến 20 triệu/tháng mà cuối tháng nào cũng “la làng” lên rằng thiếu, phải vay chỗ nọ, mượn chỗ kia.
Nguyên tắc đầu tiên và cơ bản nhất của một người “tay hòm chìa khóa” là hãy chi tiêu lượng sức mình. Luôn luôn chi tiêu thấp hơn mức mình có thể kiếm được, chứ không nhìn sang người khác mà so sánh, bạn sẽ hạn chế được tối đa rơi vào cảnh thắt ngặt, lúc nào nhà cũng thiếu tiền.

Tags:

Bài viết liên quan