Mẹ và Con - Hiện nay nhiều bệnh nhân COVID-19 không hoặc ít triệu chứng đang điều trị tại nhà. Chính vì vậy, việc nắm được chế độ dinh dưỡng cần thiết khi điều trị COVID-19 tại nhà là kiến thức mà ai cũng cần nắm để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tại Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà vừa được ban hành, Bộ Y tế đánh giá việc cung cấp dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà là rất cần thiết, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng. Khi bị nhiễm, người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, làm giảm khả năng ăn uống. Do vậy cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt dẫn tới suy dinh dưỡng. Cùng Mẹ và Con tìm hiểu ngay chế độ ăn uống cần thiết cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà nhé!

Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Người trưởng thành

“Nhu cầu dinh dưỡng của người viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, nhu cầu năng lượng là 27 kcl/kg thể trọng, người suy dinh dưỡng và có bệnh lý nền đi kèm cần 30 kcl/kg thể trọng. Người có cân nặng bình thường, nếu COVID-19 tiến triển thành viêm phổi nặng cần 25 – 30 kcl/kg thể trọng, người thừa cân béo phì cần dưới 25 kcl/kg thể trọng” – Bộ Y tế hướng dẫn.

Cụ thể, người bệnh cần 1gr protit/kg thể trọng, tức là nặng 60kg cần dùng từ 50 – 80gr thịt, cá/ngày, chất béo, vi chất dinh dưỡng, sữa… Người bệnh COVID-19 có thể ăn đầy đủ các loại thực phẩm như phở, bún, cháo, súp, cơm, rau, các loại thịt cá và trái cây, miễn là người bệnh ngon miệng. Với người viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ, Bộ Y tế khuyến cáo cung cấp 1.800 kcl/người/ngày qua các bữa ăn, người bệnh nặng và có bệnh lý nền, năng lượng cung cấp thấp hơn nhưng có kèm theo truyền dịch.

Với người lớn nếu chưa có biến chứng, không nhất thiết cần chế độ ăn riêng, nhưng quan trọng phải cung cấp đủ năng lượng bởi chế độ ăn liên quan nhiều đến sức khỏe chung của cơ thể và chức năng của hệ miễn dịch.

chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng của trẻ em

Khuyến khích cho trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ trên 2 tuổi 500ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày, đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).

Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.

Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào dưới 70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.

*Bộ Y tế cho biết dù chưa có nhiều số liệu, nhưng biểu hiện bệnh qua những ca đã gặp cho thấy bệnh ở trẻ em nhẹ hơn so với người lớn. 

dịch bệnh covid-19

Nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho F0 mức độ nhẹ và không có triệu chứng

– Ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường.

– Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi…

– Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.

– Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng.

– Uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.

10 nguyên tắc “vàng” trong chế độ dinh dưỡng cho F0 đang điều trị tại nhà

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu bệnh nhân mắc COVID-19 có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hơp lý, hệ miễn dịch của cơ thể đã sản sinh ra đủ kháng thể góp thêm phần tiêu diệt virus.

Nguyên tắc 1 và 2: Gạo, bánh mì, khoai

Tinh bột là nền tảng cung cấp đủ năng lượng cho tế bào của hệ thống miễn dịch. Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng có thể chia làm ba bữa chính như người bình thường. Trung bình bệnh nhân sẽ ăn khoảng 200 – 250gr gạo trong một ngày tùy thể trạng. Ngoài các món chế biến từ gạo như cơm, phở, bún, có thể thay đổi các bữa ăn khoai, bánh mì, miến để đảm bảo ngon miệng.

Nguyên tắc 3: Ăn nhiều rau

Cần lưu ý ăn các loại rau theo mùa và thường xuyên thay đổi cho đa dạng các loại vitamin. Lượng tiêu thụ thực phẩm này trong ngày khoảng 300 – 350gr, chia ra làm ba bữa. Rau mặc dù không sinh năng lượng nhưng tốt cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng cho tế bào.

Nguyên tắc 4: Quả chín

Chế độ ăn của bệnh nhân cần có thêm quả chín sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút hoặc trong các bữa phụ. Với những loại quả có độ ngọt trung bình như dưa hấu có thể ăn khoảng 300 gr/ngày, loại quả ít ngọt hơn như dưa lê, dưa chuột có thể dùng số lượng nhiều hơn, loại quả có hàm lượng đường cao chỉ nên sử dụng khoảng 100 – 120gr như sầu riêng, chuối tiêu…

dinh dưỡng

Nguyên tắc 5: Chất đạm

Protein có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên cấu trúc tế bào, một bữa ăn sẽ là không đầy đủ nếu thiếu thành phần này. Protein thực vật có trong cơm, rau, đậu phụ… Protein động vật có trong các loại thịt như thịt bò, thịt heo với định lượng 50 gr/ngày, hải sản hoặc cá khoảng 80 gr/ngày, chia làm ba bữa.

Nguyên tắc 6: Chất béo

Để đảm bảo màng tế bào được khỏe mạnh không thể thiếu thành phần này trong bữa ăn. Nếu ăn đồ luộc thì nên bổ sung thêm các loại ngũ cốc như vừng, lạc. Tuy nhiên với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chuyên gia khuyên sử dụng dầu ăn tốt hơn vì trong dầu ăn có chứa axit béo không no, có tác dụng giảm viêm làm giảm sốt ở bệnh nhân.

Nguyên tắc 7: Hạn chế đường

Trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân mắc COVID-19 cần được bổ sung thêm các loại quả xay và nước ép, có thể cho thêm đường nhưng lượng chỉ ba thìa cà phê (dưới 15 gr/ngày). Nếu không sử dụng đường có thể đổi sang quả ngọt hoặc mật ong.

Nguyên tắc 8: Hạn chế muối

Muối là thành phần cần phải chú ý không dùng quá liều lượng để không làm tăng gánh nặng tuần hoàn đối với những bệnh nhân có triệu chứng có thể gây ra phù phổi. Lượng muối khuyến cáo trong ngày là dưới 6gr. Bên cạnh muối, người bệnh có thể dùng nước mắm.

Mỗi bữa ăn của bệnh nhân chỉ nên dùng khoảng gần 2gr muối hoặc gần 10ml nước mắm.

Nguyên tắc 9: Nước theo khuyến cáo

Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng tiêu chảy, dưới 55 tuổi, lượng nước được khuyến cáo là 40ml/kg cân nặng, còn trên 55 tuổi là 35ml/kg cân nặng. Với những người bệnh có kèm triệu chứng tiêu chảy, ngoài lượng nước khuyến cáo cần phải bù thêm nước.

covid-19

Nguyên tắc 10: Sữa cung cấp canxi

Bổ sung sữa vào chế độ ăn hằng ngày giúp người bệnh có đủ canxi và các nguyên tố vi lượng cần thiết hằng ngày. Lượng sữa nên được nạp vào cơ thể khoảng 400ml/ngày.

Bên cạnh những nguyên tắc chế độ dinh dưỡng quan trọng trên đây, các bạn cần phải tăng thêm các loại gia vị như: tỏi, gừng, lá chanh, kinh giới, húng, đinh lăng… và uống thêm trà xanh. Đây đều là những thực phẩm giúp chống lại các chất oxy hóa, hỗ trợ tốt cho tế bào miễn dịch. Quan trọng nhất là các bạn nên giữ tinh thần lạc quan, suy nghĩ về những điều tích cực để sức khỏe nhanh hồi phục nhé!

Bài viết liên quan