Ngày nay, nhiều bà mẹ phải quay trở lại với công việc khi trẻ ở tháng thứ 5 hoặc 6 nên thường chọn cách trữ sữa ở ngăn đá cho trẻ. Tuy nhiên, trước khi bé cai sữa (theo thời gian truyền thống là 1 tuổi) thì mẹ thường bị tức sữa, rất khó chịu lúc đang ở công ty. Vậy nên, ăn dặm kiểu Nhật từ sớm là lựa chọn đảm bảo cho sự phát triển của trẻ nhỏ và tiện lợi cho cả mẹ.
Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Đây là phương pháp giúp trẻ ăn thô sớm, cơ hàm phát triển giúp cho việc nhai, nuốt tốt hơn. Nếu trẻ biếng ăn, đừng bắt trẻ ăn hết lượng thức ăn chuẩn bị cho bữa đó trong một lần mà nên chia nhỏ ra thành nhiều bữa. Hãy đảm bảo dưỡng chất đầy đủ trong mọi bữa ăn để trẻ không bị suy dinh dưỡng.
Ăn dặm kiểu Nhật cho phép trẻ được lựa chọn đa dạng những món ăn mình thích và hầu như các món ở dạng thô, vị nguyên bản không nêm nếm thêm bất kỳ gia vị nào. Bên cạnh nó, công đoạn chuẩn bị, chế biến đơn giản, các mẹ có thể để trữ thực phẩm tươi ở tủ lạnh nên rất tiết kiệm thời gian.
Khi nào trẻ nên ăn dặm?
Trong 6 tháng đầu đời hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn và chỉ nên ăn dặm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bắt buộc thì các mẹ có thể cho bé ăn dặm kiểu Nhật trước thời hạn trên. Ví dụ như mẹ đi làm sớm, không có điều kiện cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu; trẻ không tăng cân tốt; trẻ không thích sữa mẹ hoặc thời gian giữa các cữ bú ngắn, trẻ thường xuyên đòi bú và dậy vào ban đêm…
Những ngày đầu tiên ăn dặm, bé sẽ khóc nhiều hoặc ói hết, nhưng hãy kiên nhẫn và chia làm nhiều bữa khác nhau cho con. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng đồ ăn quá cứng nên bé không thể nhai và tiêu hóa. Do đó, bạn nên chú ý để nấu loãng hoặc mềm hơn.
Các giai đoạn ăn dặm kiểu Nhật
Giai đoạn 1 (5-6 tháng tuổi)
Đây là giai đoạn bắt đầu ăn dặm nên các món nên làm theo dạng bột, sánh, lỏng như cháo loãng được rây nhuyễn chẳng hạn.
Bên cạnh đó, với những món như khoai luộc, rau luộc, cháo, đậu hũ non, bí đỏ, chuối, táo… bé cũng nên được làm quen. Mẹ hãy dùng rây bột để nghiền nhuyễn thay vì dùng máy xay. Để riêng thực phẩm cũng là cách hay giúp bé quen thuộc với từng vị riêng biệt. Mẹ có thể tăng độ đặc lên dần để bé hình thành phản xạ nhai nuốt.
Giai đoạn 2 (7-8 tháng tuổi)
Ở giai đoạn 2 này, bé bắt đầu dùng lưỡi để lấy thức ăn và tập nhai. Thức ăn của bé nên được ninh nhừ, nghiền sơ. Nếu giai đoạn trước cháo được nấu với tỷ lệ 1 gạo : 10 nước thì lúc này tỷ lệ là 1 gạo : 7 nước và rây nhuyễn sau khi chín.
Ngoài các món ăn như giai đoạn trước, mẹ có thể bổ sung thêm trứng, thịt lườn gà, cá thịt trắng, đỏ, dưa leo, nấm… Vẫn áp dụng theo cách dùng rây nghiền. Khi bé quen, thì mẹ có thể băm nhuyễn.
Giai đoạn 3 (9-11 tháng tuổi)
Khi ăn dặm kiểu Nhật ở 9-11 tháng tuổi, các mẹ có thể tăng dần độ cứng của thức ăn để bé có thể nhai bằng lợi. Cháo được nấu với tỷ lệ là 1 gạo và 5 nước, nấu kỹ để nguyên hạt.
Những thực phẩm được thêm vào trong giai đoạn này là tôm đồng, thịt heo, bò, gà, miến, giá đỗ… cho bé.
Giai đoạn 4 (1 tuổi trở lên)
Một số bé ở giai đoạn này đã có răng, mẹ nên để thức ăn ở dạng mềm vừa phải để bé có thể nhai. Tuy nhiên, nếu bé chưa mọc răng thì độ mềm vẫn nên để giống như giai đoạn 3.
Từ 1 tuổi trở đi bé có thể ăn một ít hải sản như mực, cua và hầu như các loại rau. Sau một thời gian thì có thể chuyển sang cơm nát.
Nuôi con là cả một quá trình cần rất nhiều sự kiên nhẫn và tỉ mỉ. Để có thể yên tâm khi con ở nhà với người chăm sóc, mẹ nên dạy trẻ tự lập, tự ăn dặm từ sớm nhé. Hy vọng những chia sẻ của Mẹ&Con sẽ giúp mẹ biết thêm về bí quyết giúp bé ăn dặm hiệu quả hơn!