Sau phẫu thuật amidan trẻ có thể thấy mệt mỏi, choáng váng, chán ăn. Cha mẹ nhớ lưu ý các vấn đề trong chăm sóc trẻ sau khi cắt amidan sau đây.
Vì sao cần cắt amidan?
Amidan là tổ chức hạch lympho lớn nhất của cơ thể. Khi há to miệng có thể thấy rõ amidan nằm ở hai bên thành họng, ngay tại giao điểm của khí quản và thực quản. Amidan được ví như cửa ngõ bảo vệ của cơ thể với chức năng sản xuất kháng thể IgG và các hoạt chất tham gia vào quá trình chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus trong cơ thể.
Tuy nhiên, khi cơ thể chống lại các mầm bệnh này thì chính amidan cũng có thể viêm nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời thì sẽ hình thành ổ mủ, áp xe, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Khi tình trạng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần thì có thể cần cắt amidan.
Mặt khác, trường hợp amidan quá to cũng có thể được chỉ định cắt bỏ. Nguyên nhân là amidan to, hay viêm nhiễm sẽ gây các tác động xấu như:
- Hô hấp: Cản trở đường thở gây ngủ ngáy thậm chí ngưng thở khi ngủ. Trẻ phải há miệng thở vì ngưng thở có thể bị xô lệch hàm, lệch khớp cắn, ảnh hưởng phát triển vùng mặt… Về lâu dài, tình trạng này có thể ảnh hưởng tới sự thông khí của phổi và phế quản. Đồng thời, hô hấp tắc nghẽn làm não thiếu oxy sẽ gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng trí tuệ, rối loạn tinh thần cũng như nhiều bệnh lý khác.
- Tai mũi họng: Amidan trở thành ổ viêm chứa đầy vi khuẩn ở “cửa vào” cơ thể dẫn đến viêm xoang, viêm họng hay viêm tai giữa ở trẻ em.
- Tiêu hóa: Amidan to lại choáng chỗ thực quản có thể dẫn tới khó nuốt thậm chí là đau đớn khi nuốt thức ăn.
Khi nào cắt amidan cho trẻ?
Có thể thấy bản chất amidan là tốt nhưng nếu ảnh hưởng tiêu cực lại nhiều hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định cắt amidan. Khi nào cắt amidan cho trẻ thường dựa vào một số triệu chứng như:
- Viêm amidan liên tục kéo dài (7 lần 1 năm hoặc 5 lần/năm trong 2 năm hoặc 3 lần/năm và kéo dài 3 năm).
- Amidan sưng to, cản trở chức năng hít thở, nhai nuốt.
- Amidan bất thường, sưng to, nghi ngờ khối u
Tuổi cắt amidan thích hợp nhất là từ 4 tuổi. Nếu cắt amidan khi bé còn quá nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì có thể ảnh hưởng tới sức đề kháng của bé. Dĩ nhiên nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu ngưng thở thì vẫn cần phải cắt, tránh hụt hơi, đột tử trong khi ngủ.
Nhìn chung, chỉ định khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ amidan cần do bác sĩ có chuyên môn đưa ra. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường khi ngủ, tiêu hóa, hô hấp để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác nhất.
Một số trường hợp trẻ có chỉ định cắt amidan nhưng do vấn đề sức khoẻ không chịu được phẫu thuật thì cần phải điều trị tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Cắt amidan cho trẻ có nguy hiểm không?
Cắt amidan cho trẻ có nguy hiểm không? Có làm ảnh hưởng nặng tới miễn dịch và sức khỏe nói chung không là vấn đề nhiều cha mẹ băn khoăn. Nhất là khi trước đây cắt amidan là trải nghiệm “kinh hoàng” của nhiều phụ huynh. Kỹ thuật cũ gây đau, chảy máu và thời gian lành rất lâu.
Hiện nay, cắt amidan cho trẻ có nhiều phương pháp: Coblator, dao Plasma, sử dụng dao điện, cắt amidan bằng phương pháp sluder… Trong đó Coblator, dao Plasma là hai phương pháp hướng đến tiêu chí ít chảy máu, ít đau, nhanh gọn, hồi phục nhanh. Nhược điểm hiển nhiên là đắt đỏ, đây là hai phương án cắt amidan có chi phí cao nhất.
Việc cắt amidan có dẫn tới biến chứng nguy hiểm hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là chăm sóc sau phẫu thuật như dưới đây.
Cách chăm sóc trẻ sau cắt amidan
Sau khi phẫu thuật, thuốc gây tê có thể khiến trẻ rất dễ bị mệt mỏi, chóng mặt và buồn ngủ. Để hạn chế biến chứng, nhanh hồi phục, hãy chú ý các vấn đề sau:
Tuân thủ chỉ định
Điều quan trọng nhất là tuân thủ các dặn dò ra viện từ bác sĩ. Bao gồm uống thuốc theo toa; tái khám đúng hẹn; không nên cho trẻ đi máy bay trong 1 tuần sau mổ.
Theo dõi chảy máu
- Nên: cho trẻ nằm nghiêng một bên; nằm gối thấp hoặc không lót gối; chú ý lùa nước bọt ra ngoài liên tục.
- Không nên: để trẻ la hét lớn, tránh ho, khạc mạnh ảnh hưởng tới vết mổ.
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sau khi cắt amidan
Cần bổ sung đủ dinh dưỡng cho bé và đặc biệt là cho trẻ uống đủ nước để vết thương nhanh lành.
- Nên: Uống sữa lạnh sau 2 giờ mổ; 2 ngày đầu ăn cháo xay nhuyễn, súp; ngày 3-7 thì ăn các món mềm và nguội; sau 1 tuần có thể ăn cơm mềm trở lại.
- Không nên: Ăn các món chua, cay, cứng, nước ngọt.
Vận động sau mổ
Sau khi mổ nên hạn chế vận động, trong ngày đầu tiên chỉ nên để trẻ sinh hoạt tại giường. Cần đảm bảo luôn có người nhà bên cạnh theo dõi để kịp thời xử lý tình huống bất thường.
Dấu hiệu nguy hiểm
Nếu trẻ xuất hiện một trong các dấu hiệu sau thì cần liên hệ ngay với nhân viên y tế hoặc tốt nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất:
- Trẻ sốt cao trên 38 độ C, không đáp ứng paracetamol hạ sốt.
- Nhả máu đỏ tươi.
- Đau càng lúc càng nhiều và không đáp ứng thuốc giảm đau thông thường.
- Bỏ ăn bỏ uống.
- Buồn nôn hoặc nôn nặng.
Chăm sóc trẻ sau khi cắt amidan cần lưu ý nhiều vấn đề khác nhau. Nếu trẻ được chỉ định phẫu thuật amidan thì cha mẹ nên chú ý tìm hiểu từ sớm cũng như hỏi thật kỹ bác sĩ thăm khám cho bé. Tuân thủ đúng chỉ định thì nguy cơ biến chứng là rất thấp nên gia đình không cần quá lo lắng nhé.