Mẹ&Con – Do hệ thống miễn dịch còn yếu nên trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh viêm tai giữa. Vậy cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa thế nào để bé giảm đau, khó chịu và nhanh chóng khỏi bệnh.

Nguyên nhân chính khiến trẻ mắc viêm tai giữa

Có 6 nguyên nhân chủ yếu gây viêm tai giữa ở trẻ nhỏ đó là:

  • Do sức đề kháng còn non yếu, nhất là các bé trong độ tuổi 6-18 tháng thường dễ mắc viêm tai giữa.
  • Do trẻ nằm bú sữa bình không đúng cách khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm.
  • Do trẻ bị nhiễm lạnh.
  • Do trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường, không khí ô nhiễm, có khói thuốc lá.
  • Do dịch xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm.
  • Do việc vệ sinh tai không đúng cách, dùng các vật cứng, sắc nhọn tác động vào tai khiến tai bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh tấn công và gây viêm nhiễm.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa 

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa trước tiên là khi phát hiện trẻ mắc bệnh, mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám tai mũi họng tại các cơ sở chuyên khoa. Tại đây, các bác sỹ sẽ đưa ra hướng dẫn điều trị bệnh theo nhiều cách tùy theo tình trạng của trẻ. Nếu trẻ nhỏ khó chịu, bé có thể uống thuốc giảm đau như paracetamol. Nếu trẻ không bị chảy mủ lỗ tai hay đã từng đặt ống trong tai, bác sĩ có thể cho một loại thuốc nhỏ tai để giảm đau. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho trẻ uống thuốc kháng sinh, ngoại trừ trường hợp trẻ bị viêm tai do siêu vi, kháng sinh sẽ không làm trẻ hết bệnh nhanh hơn. Ngược lại, dùng quá nhiều kháng sinh có thể tạo ra những vi trùng kháng thuốc vô cùng nguy hiểm.

chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa 
Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa. (Ảnh minh họa)

Nếu trẻ bị chất nhầy tích tụ sau màng nhĩ trong thời gian dài khiến trẻ nghe không rõ, hoặc trẻ bị viêm tai tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể đề nghị cho trẻ đặt ống trong tai. Lúc này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ nơi màng nhĩ và đặt một ống nhỏ vào. Ống này làm chất nhầy sau màng nhĩ chảy ra ngoài và giúp thăng bằng áp suất giữa tai ngoài và tai giữa, thính giác của trẻ sẽ được cải thiện nhanh chóng. Trong khoảng 1 năm, ống này sẽ tự động rơi ra và màng nhĩ tự lành. Trong thời gian này, nếu trẻ đi bơi, mẹ cần bịt tai trẻ lại bằng “ear plug”, đồng thời tránh không cho nước vào tai khi tắm hay gội đầu.

Cách làm khô tai trẻ

  • Gấp và cuộn tờ giấy thấm hoặc mảnh vải bông sạch thành hình sâu kèn, không dùng tăm bông, tăm que hoặc giấy viết.
  • Đặt sâu kèn vào tai bé đến khi thấm ướt mủ rồi lấy ra.
  • Ðặt tiếp một “sâu kèn” mới khác, làm như vậy cho đến khi tai khô.
  • Làm khô tai theo cách trên ít nhất 3 lần/ ngày cho đến khi tai khô. Thường phải làm từ 1-2 tuần tai mới khô hẳn.

Cách phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ

Giữ vệ sinh tai, mũi, họng cho bé.

Các bé trong độ tuổi ăn dặm, mẹ tránh để bé ăn ở tư thế nằm, bởi nếu bé ho, sặc, thức ăn sẽ dễ tràn lên tai giữa. Trường hợp bé nôn, mẹ có thể kê gối cao cho bé nằm để dịch nôn không trào ngược vào tai giữa.

Với các bé hay chảy nước mũi, ho có đờm cần phải điều trị dứt điểm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong điều kiện thời tiết mùa đông khô hanh như ở miền bắc thì các mẹ đừng quên nhỏ nước muối sinh lý vào hốc mũi cho con mỗi ngày để đường mũi được thông thoáng, giảm bớt viêm nhiễm. Mỗi sáng, mẹ có thể nhỏ vài giọt vào sâu trong miệng để sát trùng họng bé. Mẹ cũng có thể làm ấm dung dịch trước khi nhỏ để giúp bé dễ chịu hơn vào mùa đông lạnh.

Tránh cho bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá hay người mắc bệnh về đường hô hấp.

Bài viết liên quan