Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, trên thế giới có khoảng 5 triệu trẻ em tử vong vì bệnh đường hô hấp, trong đó, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, bệnh đường hô hấp ảnh hưởng đến khoảng 38% trẻ em. Tức là cứ 10 trẻ thì có khoảng 4 bé mắc phải các bệnh về đường hô hấp. Một con số dễ làm bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào phải hoảng sợ.
Khi bé yêu không thở được
Một người có thể nhịn ăn, nhịn uống vài ngày nhưng nếu nhịn thở thì… chỉ cần vài phút thôi, tất cả đã là quá muộn. Trẻ em không là ngoại lệ. Thực tế, bệnh hô hấp rất dễ tấn công trẻ vì hệ thống hô hấp ở trẻ em còn rất non yếu. Đặc biệt, nếu trẻ rơi vào các trường hợp như: sinh non – thiếu tháng, bị suy dinh dưỡng ngay từ khi mới chào đời, ở độ tuổi dưới 1 tuổi, sống trong khu vực có thời tiết thay đổi thất thường (từ nóng chuyển nhanh sang lạnh và ngược lại), khu vực nhà đang ở được xếp vào khu vực ô nhiễm, trong nhà có người hút thuốc lá, bé chưa được chích ngừa đầy đủ… thì càng dễ mắc phải hơn.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu được bú sữa mẹ hoàn toàn thì sữa mẹ sẽ giúp truyền sang cho con một số chất có khả năng chống đỡ lại các tác nhân vi khuẩn, vi trùng. Trong trường hợp trẻ phải bú sữa ngoài, hoặc đã trên 6 tháng tuổi thì cơ chế bảo vệ này đã mất, các tác nhân gây bệnh sẽ có thể xâm nhập vào trẻ rất dễ dàng, gây ra các bệnh khó lường. Khi mắc các bệnh về đường hô hấp, trẻ sẽ xuất hiện những dấu hiệu dễ thấy như chán ăn, quấy khóc, chảy nước mũi, nước mắt, ho khan, ho có đờm, sốt (có thể sốt cao), khó thở, li bì, mê sảng, thậm chí là tím tái người.
Có một điều quan trọng mẹ nên biết thêm, đó là trẻ dễ gặp phải cơn ngừng thở khi ngủ. Cơn ngừng thở khi ngủ là một rối loạn hô hấp rất nguy hiểm vì nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ. Cơn ngừng thở khi ngủ được định nghĩa là hiện tượng rối loạn hô hấp trong khi ngủ do tắc nghẽn ở đường hô hấp trên, làm cản trở luồng khí đi ra và đi vào phổi. Rối loạn này thường xảy ra với trẻ từ 2 – 4 tuổi, thường xuất hiện ở những bé có hiện tượng ngủ ngáy, thừa cân, béo phì, amiđan quá to, có bệnh rối loạn về thần kinh, có thể di truyền (trong gia đình từng có người mắc chứng này). Bạn nên nghi ngờ con bị rối loạn hô hấp nếu thấy con luôn có vẻ khó thở khi ngủ, ngủ không an giấc, thường trở mình, thường nằm sấp, hay thở bằng đường miệng.
Khi mắc chứng ngừng thở khi ngủ, trẻ có thể gặp phải những nguy cơ như sẽ chậm phát triển, hay than đau đầu (dù còn rất bé), hay ngủ gật, ít thích tham gia vào các hoạt động thể chất như chạy nhảy, v.v.. Lâu ngày, trẻ đâm ra bướng bỉnh, khó bảo, cộc cằn và có những dấu hiệu rối loạn ứng xử kèm theo. Nếu thấy con có các biểu hiện bất thường kể trên, nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa, kiểm tra công thức máu, làm điện tâm đồ, điện não đồ trong khi ngủ. Phải cố gắng giữ cho trẻ không béo phì ngay từ nhỏ, vì đa phần trường hợp trẻ gặp bất thường này sau khi điều trị béo phì thì đều giảm các triệu chứng đáng ngại ban đầu.
Chăm sóc “hơi thở” cho con
Để giúp bé yêu thở tốt, nguyên tắc cơ bản đầu tiên mà bạn cần biết là phải tuyệt đối giữ gìn vệ sinh không gian sống của trẻ. Nhà cửa cần thông thoáng, sạch sẽ ở mức cao nhất bạn có thể làm. Tránh giữ con trong phòng kín, suốt ngày mở máy lạnh vì không khí không được lưu thông điều hòa, trẻ càng dễ mắc bệnh hơn. Phòng ốc của trẻ phải sạch, thoáng đãng, cửa sổ mở thường xuyên vào buổi sáng để lấy khí trời tự nhiên.
Nhà có trẻ nhỏ (nhất là trẻ sơ sinh) không nên nuôi chó mèo. Nếu bạn lỡ nuôi, hãy đảm bảo rằng tối thiểu chó mèo không được vào khu vực gần nơi trẻ nằm. Cũng cần để tâm đến cả các tác nhân như phấn hoa, bụi, khói của nhà hàng xóm. Không nên đưa con thường xuyên ra đường bằng xe máy, vì một chiếc khăn voan mỏng bạn phủ lên mặt trẻ không thể đủ sức bảo vệ con khỏi lượng khói bụi khủng khiếp như hiện nay.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nên duy trì việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Khi con đến tuổi ăn dặm, bạn hãy sớm bổ sung cho con những chất dinh dưỡng đầy đủ, nhất là những chất có khả năng tăng cường sức đề kháng như sữa chua. Mẹ cũng cần học các kỹ năng sơ cứu cho trẻ khi trẻ chẳng may gặp vấn đề về hô hấp. Ví dụ như nếu trẻ đang ăn và bị ho, bị nôn, sặc, mẹ phải lập tức biết cách dùng miệng của mình hút ngay các chất bẩn đó ra đúng cách, lau sạch để trẻ dễ thở. Vì chỉ cần một chút sơ sẩy của mẹ, trẻ thậm chí có thể hít phải các chất vừa nôn, gây sặc, dễ tử vong.
Một điều cần nhớ là không nên lạm dụng kháng sinh mỗi khi trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Kháng sinh chỉ được dùng khi có sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa. Nếu tùy tiện cho trẻ uống kháng sinh, vi khuẩn sẽ lờn thuốc, bệnh dễ nặng thêm và thuốc thì cứ tăng liều nhưng vẫn không khỏi được.
Nhiều bà mẹ thấy con ho, sổ mũi, sợ con nhiễm lạnh nên chọn cách không tắm cho con. Đây là một cách làm sai. Vì không tắm thì vệ sinh của trẻ kém, lại càng dễ nhiễm bệnh nặng hơn. Hãy nhớ rằng với trẻ đang bị viêm đường hô hấp, việc vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ là tối quan trọng. Có điều, bạn không nên để trẻ bị nhiễm lạnh thêm. Phải chọn chỗ tắm kín gió, nước vừa đủ ấm, tắm từng phần chứ không cởi hết quần áo trẻ ra tắm một lần. Tắm xong phần nào nên lau khô cho trẻ ngay phần ấy, quấn khăn vào càng tốt. Xong hết thì thay quần áo sạch sẽ.
Trẻ bắt buộc phải được đưa khẩn cấp đến bệnh viện nếu có các dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp ở thể nặng, cần cấp cứu như: thở rít, rút lõm lồng ngực, li bì, co giật, bỏ bú, v.v.. Đối với các trường hợp trẻ thở nhanh và gấp nhưng vẫn tỉnh táo, có thể đưa trẻ đi khám ở các phòng khám, bệnh viện, sau đó điều trị ngoại trú tại nhà và theo dõi chặt chẽ, khoảng 2 ngày sau tái khám lại. Trong trường hợp trẻ chỉ ho, chảy mũi, vẫn bú được và không có dấu hiệu thở rít, li bì thì có thể chăm sóc trẻ tại nhà, cho trẻ bú nhiều, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể và theo dõi các diễn biến bệnh.
Làm gì khi trẻ ho và sổ mũi?
Khi trẻ ho, bạn không nên tự mua thuốc giảm ho cho con uống vì phản xạ ho sẽ không thể thực hiện, trẻ không tống được chất đàm trong phế quản ra ngoài sẽ khiến bệnh nặng hơn. Chỉ nên cho trẻ uống các loại thuốc ho được bào chế từ dược liệu đơn giản, phù hợp để làm thông thoáng đường thở (luôn hỏi bác sĩ trước khi cho trẻ uống). Cũng có thể cho trẻ ăn tắc chưng đường phèn cách thủy, sẽ giảm ho một cách tự nhiên.
Khi trẻ sổ mũi mà còn quá bé, không tự hỉ mũi được, mẹ nên làm thông thoáng mũi bằng cách nhỏ dung dịch nước muối có bán ở các tiệm thuốc tây (nhớ nói rõ độ tuổi của con để có được loại phù hợp), dùng dụng cụ hút mũi để hỗ trợ cho bé.