Mẹ&Con – Yêu biết mấy những sợi tóc của con. Con “lơ thơ” mấy sợi tóc thôi, mà mẹ đã suốt ngày vuốt ve. Thế nhưng, chăm sóc tóc cho con lại là cả một việc “gian nan” đấy chứ không đùa. Chẳng thế mà nhiều bà mẹ phát hoảng khi mấy tháng đầu đời, con cứ bị rụng hết tóc và trơ đầu “trọc lóc” nhé.

Chăm sóc tóc thế nào?

Trước tiên, phải chia sẻ với bạn một “nỗi lo” thường gặp ở các bà mẹ trẻ. Đó là trong vòng 6 tháng đầu đời, bé yêu của bạn rất dễ xảy ra tình trạng… “trọc lốc bình vôi”, dù bé trai hay bé gái vẫn cứ “nhẵn thín” chẳng còn sợi tóc nào. Cũng có bé, ban đầu sinh ra đã có nhiều tóc rồi.

Nhưng sau đó lại rụng dần, rụng dần. Mới chăm con lần đầu, thấy tóc con rụng nhiều, có bà mẹ nào mà chẳng hoảng! Nhất là mẹ của các bé gái, nhiều chị lo xa: “Bác sĩ ơi, thế này thì sau này bé có bị… hói không?”, “Sao con gái mà tóc bé ít dữ vậy bác sĩ, chẳng làm điệu được gì cho bé cả”.

Câu trả lời cho bạn là xin đừng lo. Chuyện đó hết sức bình thường. Trong vòng 6 tháng đầu đời, cơ thể của trẻ thường có sự thay đổi nội tiết tố rất rõ rệt, do đó chuyện rụng tóc dễ xảy ra. Nhưng sau một thời gian, tóc bé sẽ mềm mại, mượt mà, “mọc mới” lại đầy đủ và tha hồ cho mẹ chải, mẹ chăm, tết tóc (nếu là bé gái).

Một nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng rụng tóc của bé, là do bé hay phải nằm ngủ cùng một tư thế. Đầu bé lúc này cọ xát liên tục với mặt giường. Điều này cũng có thể làm tóc yếu đi và rụng bớt.

Một thắc mắc khác cũng thường gặp ở các bà mẹ trẻ: Có nên cắt tóc cho con không, và cắt khi nào? Trái với tình trạng rụng tóc đã nhắc đến phía trên, những bé này lại có mái tóc… quá dài, phát triển quá nhanh (hơn cả mức độ hình dung của mẹ). Thế là thay vì chỉ có lơ thơ vài sợi tóc, tóc bé lại đen dày, mượt mà.

Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều người bảo nên cắt “tóc máu” cho bé (tức cắt lớp tóc mọc đầu tiên sau khi bé chào đời), để lớp tóc kế tiếp sẽ mọc ra đen, dày, khỏe đẹp hơn. Nhưng nhiều bà mẹ phân vân, vì lại có lời khuyên không nên cắt tóc cho bé trước khi bé “đóng thóp”, để tránh cho bé khỏi bị lạnh đầu, bị cảm.

Nên làm cách nào mới đúng? Điều này còn tùy vào từng trường hợp khác nhau. Ví dụ như bé mới được 8-9 tháng nhưng tóc bé mọc nhiều, khiến bé ngứa ngáy khó chịu thì nên cắt. Trong trường hợp tóc không gây trở ngại nào cho bé, thì thông thường bác sĩ sẽ khuyên không nên cắt tóc trước khi bé tròn 1 tuổi, đơn giản vì giai đoạn này da đầu bé mỏng manh lắm. Nếu tóc mọc chậm sẽ không bảo vệ được da đầu.

Việc cắt tóc thật ra cũng không kích thích tóc mọc nhanh hơn như nhiều người tưởng. Tóc bé mọc thế nào phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền cũng như dinh dưỡng. Trong trường hợp cần thiết phải cắt, bạn cũng lưu ý chỉ thực hiện việc này trong những ngày bé thật khỏe mạnh, thật vui, ăn ngủ đầy đủ. Khi mệt hay bệnh, bé rất dễ quấy khóc, bực bội vì bị giữ yên. Việc cắt tóc cũng cần thực hiện thật nhanh vì trẻ rất thiếu kiên nhẫn. Yêu cầu bé “ngồi yên” đúng là chuyện rất khó khăn!

cham soc toc cho be

(Ảnh minh họa)

Cho tóc con mềm mượt mãi…

Ông bà xưa vẫn dạy: “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Dù bé còn nhỏ xíu, nhưng việc chăm sóc cho mái tóc của bé vẫn cần lưu ý, bởi lẽ tóc của bé cũng thường mỏng và yếu hơn tóc người trưởng thành. Do đó, việc gội đầu, chải đầu cho bé cũng cần phải được thực hiện đúng cách và kỹ lưỡng.

Với trẻ sơ sinh cho đến dưới 1 tuổi, bạn không cần thiết phải gội đầu cho bé thường xuyên vì thời gian chủ yếu của bé ở nhà, tóc rất ít dính bụi bẩn. Bạn chỉ cần gội cho bé khoảng 2 lần/tuần (lúc sơ sinh) và tăng dần lên theo độ “lớn khôn” của thiên thần bé bỏng. Nếu trên đầu bé xuất hiện những mảng vảy trắng như gàu hoặc “cứt trâu” thì có thể thoa một ít dầu dành riêng cho bé lúc gội đầu, nhằm làm mềm các lớp vảy này đi.

Trong mùa nóng, nếu bé ra mồ hôi nhiều, bạn có thể thực hiện việc gội đầu thường xuyên hơn vì dầu trên da đầu, mồ hôi cùng những chất bẩn khác có thể tấn công da đầu vốn rất mỏng manh của bé, dẫn đến các hiện tượng ngứa, mụn, viêm nhiễm… ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tóc. Khi gội đầu cho bé, bạn cần sử dụng nước ấm, dầu gội dành riêng cho trẻ em không bọt, không hóa chất.

Một lời nhắc không thừa cho mẹ là với bé từ sơ sinh đến 5 tuổi, bạn không nên cho bé dùng chung dầu gội của người lớn mà nên dùng riêng loại dầu gội dành cho trẻ em. Dầu gội đầu của người lớn chứa nhiều chất tẩy và hóa chất mạnh, sẽ gây kích ứng da đầu của bé.

Có thể nhẹ nhàng xoa, massage da đầu, kích thích sự lưu thông của các mạch máu, qua đó góp phần giúp tóc bé mọc tốt hơn. Ngoài ra, với trẻ nhỏ, nên chọn loại lược của trẻ em, với răng thưa, kích cỡ nhỏ, răng lược không quá mảnh (dễ gây đau).

Trường hợp tóc bé rối, bạn nên thật kiên nhẫn và thong thả gỡ từng chút cho con, cẩn thận đừng chải mạnh sẽ làm đứt tóc, đồng thời khiến da đầu bị tổn thương, bé đau và lần sau sẽ sợ mỗi khi thấy mẹ cầm đến lược.

Thêm mẹo hữu ích dành cho mẹ để ngăn rụng tóc là bạn nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm ngủ cho con (nhất là trẻ ở những tháng đầu, suốt ngày nằm yên trên giường). Cách đó sẽ giúp tránh cho phần tóc ở dưới vùng da đầu nơi thường xuyên tiếp xúc với gối rụng nhiều. Khi bé thức, nên cho bé nằm sấp chơi trên bụng mẹ, hoặc ẵm bé tựa trên vai bạn, để bé khỏi bị bẹt đầu và rụng tóc. Chỉ trong trường hợp bé đã được trên 1 tuổi nhưng vẫn không ngừng rụng tóc, bạn mới cần đưa bé đi kiểm tra bác sĩ, để xem bé có vấn đề gì về sức khỏe như bị còi xương, thiếu canxi không…

Khi bé được trên 1 tuổi, bạn có thể cắt tóc cho bé trung bình khoảng 2 tháng/lần để kích thích tóc bé phát triển. Nhớ là đừng dùng máy sấy tóc làm khô tóc cho bé, kể cả khi bé đã lớn hơn. Thay vào đó, nên lau khô bằng khăn mềm, sau đó để tóc bé khô tự nhiên. Với bé gái, bạn có thể buộc tóc bé cho gọn gàng khi bé đã lớn và có mái tóc dài, tuy nhiên cần dùng loại thun mềm dành riêng cho trẻ nhỏ nhé!

Mẹ có biết?

Ngủ đủ giấc là một trong những bí quyết cho bé có một mái tóc đẹp. Ngoài ra, bạn nên cho bé tắm nắng đầy đủ vào sáng sớm, để bé được hít thở không khí tự nhiên. Điều này không chỉ tốt cho thể chất bé nói chung, giúp bé tránh còi xương mà còn giúp kích thích sự phát triển các mạch máu ở da đầu cũng như giúp mái tóc được phát triển tốt. Nếu bé còn quá nhỏ, bạn có thể đội cho bé một chiếc mũ mỏng khi tắm nắng, nhưng khi lớn hơn thì nên bỏ mũ ra.

Tags:

Bài viết liên quan