Dù có biết qua về tầm quan trọng của bữa sáng nhưng ít mẹ nào hiểu rõ một bữa sáng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé như thế nào.
Ăn sáng tốt cho sức khỏe
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những ích lợi của việc ăn sáng đối với cơ thể bé. Ăn sáng giúp bé hoạt động linh hoạt và năng nổ hơn. Ngoài ra, ăn sáng còn tăng cường trí nhớ của bé trong việc học hỏi những thông tin, kiến thức mới, nhất là khả năng học Toán. Bé thường nhanh nhẹn, hoạt bát, ít bị các rối loạn về tâm lý như trầm cảm, lo sợ hoặc ngược lại bị kích động, quậy phá. Trong khi với những bé không ăn sáng thường xuyên có thể bị ảnh hưởng đến khả năng nhận thức về sự nhanh nhạy và chính xác khi học tập.
Không những thế, ăn sáng thường xuyên, bé sẽ giảm được nguy cơ béo phì, mặc dù lượng calo tiêu thụ trong ngày có thể nhiều hơn. Bạn nên biết, một bữa sáng cần cung cấp cho bé 1/3 đến 1/4 năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng trong ngày. Do đó nó cần phải đáp ứng các nhu cầu về chất đạm, chất béo và các dinh dưỡng quan trọng khác như chất xơ, vitamin C, sắt, canxi… Nhu cầu dinh dưỡng này nghe có vẻ như là quá nhiều cho một bữa ăn sáng của bé nhưng trên thực tế, để chuẩn bị một bữa ăn dinh dưỡng như vậy cũng không cầu kỳ như bạn vẫn nghĩ.
Tăng cường dinh dưỡng bữa sáng
Một bữa sáng qua loa sẽ làm phản tác dụng dinh dưỡng của nó không hơn gì việc không ăn sáng. Não sẽ hoạt động kém, gây ra trạng thái thờ ơ, không thể tập trung suy nghĩ, giảm khả năng tính toán…
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bột ngũ cốc, bánh mì, bún, cơm… là những loại thức ăn phù hợp cho bữa sáng, thỏa mãn cơn đói mà không hề gây nặng bụng. Tránh dùng nhiều chất béo, đạm động vật tron bữa sáng và để các chất tinh bột không gây buồn ngủ cho bé lúc sáng sớm, bạn nên kết hợp với các loại rau củ, trái cây trong thực đơn của con.
Bạn không cần phải tốn quá nhiều công sức thay đổi mà chỉ cần vài mẹo nhỏ để bữa sáng của bé được đủ chất dinh dưỡng hơn. Có thể dùng sữa tươi, trứng, hoa quả để bổ sung hàm lượng dinh dưỡng trong thực đơn, chẳng hạn bạn vẫn cho bé ăn mì gói nhưng thêm vào đó vài lát thịt, cái trứng và một ít rau…
Không nên cho bé ăn bánh ngọt và các loại bánh có nhiều dầu mỡ hay đường. Chúng sẽ làm tăng nồng độ đường huyết, khiến bé có cảm giác mệt mỏi, cồn cào dạ dày và tiếp tục thèm muốn những món ngọt khác.
Tạo thói quen ăn sáng hợp lý
Thói quen ăn sáng thường hình thành trong suốt thời kỳ còn bé và sẽ kéo dài đến cuối đời. Do đó, dù bận rộn đến thế nào, bạn cũng nên chuẩn bị bữa sáng cho con. Tranh thủ thức dậy sớm, tập thể dục 15 – 30 phút buổi sáng sẽ giúp bạn đủ thời gian để chuẩn bị bữa sáng. Nếu có ít thời gian, bạn nên chọn những món ăn chuẩn bị nhanh, chế biến đơn giản như các loại nước hoa quả tươi, sữa, những món ngũ cốc ăn liền hay đưa bé tới các quán hàng ăn nhanh, đảm bảo vệ sinh để ăn sáng. Tuy nhiên, điều được khuyến khích hơn cả là chuẩn bị bữa sáng tại nhà để chủ động trong nhu cầu dinh dưỡng và tập cho bé ngồi vào bà ăn sáng cùng ba mẹ. Bạn có thể chuẩn bị bữa sáng từ tối hôm trước đó để tiết kiệm thời gian.
Với những bé có khuynh hướng thừa cân, bạn cũng không nên bắt bé nhịn ăn sáng vì chắc chắn điều này không những không giúp bé giảm cân mà còn… tăng cân nữa là đằng khác. Điều này có vẻ hơi nghịch lý nhưng bữa sáng quá đói sẽ làm bé ăn dồn, ăn nhiều hơn vào bữa trưa và tối, dễ gây tích lũy mỡ. Cùng một lượng thức ăn nếu được chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày thì ít gây tăng cân và tăng cholesterol máu hơn việc ăn ít bữa.
Bữa sáng đủ dinh dưỡng
Bạn nên thay đổi bữa sáng thường xuyên để không làm bé ngán. Có rất nhiều món mà bạn có thể tham khảo để chế biến bữa sáng đủ dinh dưỡng cho con.
– Nước hoa quả: Dùng máy xay sinh tố để trộn lẫn sữa chua với nước hoa quả tươi hoặc nước hoa quả đóng hộp.
– Bánh quế ít béo (hoặc ngũ cốc), hoa quả cắt lát và sữa ít béo.
– Bánh bắp cuộn bơ đậu phộng; nước hoa quả nguyên chất.
– Pho mát và bánh quy giòn hoặc bánh mì nguyên cám có phủ một lớp bơ.
– Trứng: Đây là món giàu dinh dưỡng lại chế biến nhanh, thích hợp cho bữa sáng, nhưng bạn không nên cho bé ăn quá thường xuyên.
– Bánh mỳ sandwich: Có thể phết bơ sữa (có thêm một ít đường) hoặc nướng lên để thay đổi khẩu vị.
– Xôi, cháo dinh dưỡng, bánh cuốn, bánh nướng… là những món tiện dụng, có thể chế biến sẵn, chỉ việc hâm nóng trước khi ăn
– Salad trái cây là món có thể đi kèm thường xuyên trong bữa sáng. Chỉ cần trộn các loại trái cây lại với nhau là bạn đã có một món ăn rất nhanh và gọn, nhưng nhớ là không nên để bé “bốc” món này với cái bụng đói meo đấy nhé!