Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã dẫn đến một hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng, đó chính là các loại tin giả mạo. Các thông tin sai sự thật được lan truyền một cách rộng rãi như một loại virus tấn công vào cuộc sống của chúng ta, để lại nhiều hậu quả khó lường trước.
Trào lưu tin giả mạo đầy rẫy mọi nơi
Lướt một vòng các trang mạng xã hội, các website, chúng ta có thể dễ dàng thấy được 1.001 kiểu thông tin “giật gân” về đủ mọi mặt của cuộc sống. Những thông tin về chính sách, pháp luật mới được thay đổi; thông tin về kinh tế, tài chính; y tế, sản phẩm y tế; thiên tai, dịch bệnh; an ninh quốc gia, trật tự an toàn – xã hội… Bên cạnh những loại tin giả mạo sai sự thật còn là những tài khoản giả mạo hay các đường link lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài khoản, tài sản người dùng…
Trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ, khi người người nhà nhà đều ở nhà và online nhiều hơn, các loại tin giả mạo lại đặc biệt được “ưu ái” và lan truyền rộng rãi như nấm mọc sau mưa. Có rất nhiều tin giả được tạo nên liên quan đến các vấn đề nóng nhất hiện nay như cách chữa Covid-19, giãn cách xã hội, cách ly tại nhà,…
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), tin giả mạo được chia làm 2 loại chính:
- Những thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.
- Những tin sai sự thật, là những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật; tin không có cơ sở được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng.
Các loại tin giả mạo này được tạo nên với nhiều mục đích khác nhau như câu like, câu view nhằm tăng tương tác cho các trang mạng xã hội/tài khoản cá nhân, tạo ra các dòng dư luận trái chiều gây kích động lòng dân, tạo sự hoang mang cho mọi người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chia rẽ người dân và “mở đường” cho các thế lực thù địch…
Xử phạt người chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật như thế nào?
Tùy theo động cơ, mục đích mà người đăng tin giả và cả người chia sẻ tin giả đều có thể bị xử lý hành chính hoặc thậm chí là xử lý hình sự. Theo đó:
- Về hành chính: Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội (điều 101) như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân… Mức phạt tối đa là 20 triệu đồng (đối với tổ chức, cá nhân bằng 1/2 mức trên).
- Về hình sự: Những người tung tin đồn, tin giả với động cơ xấu, gây hậu quả có thể bị xem xét xử lý hình sự theo các tội danh tại Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể là các tội: tội vu khống (điều 156); tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (điều 288); tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (điều 331).
Làm sao để nhận diện và tránh xa tin giả mạo?
Với tình trạng tin giả mạo ngày càng có xu hướng nhiều hơn, mỗi chúng ta cần tỉnh táo để phân loại các thông tin mà mình tiếp nhận được, từ đó xác nhận xem những thông tin này có đúng chính xác hoàn toàn sự thật hay không.
Một số cách để bạn nhận biết tin giả mạo có thể kể đến như:
- Xem xét nguồn tin: Khi tiếp nhận thông tin, cần cẩn thận kiểm tra nguồn tin này xuất phát từ đâu, có phải nguồn từ các tổ chức có uy tín như trang fanpage Thông tin Chính phủ, website Bộ Y tế, website Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… hay không. Nếu theo dõi thông tin trên mạng xã hội, nên ưu tiên thông tin từ các trang có tick xanh để dễ dàng sàng lọc tin giả mạo.
- Kiểm tra xem đây là tin tức thật hay trò đùa: Không ít người vì mục đích tăng tương tác, trêu chọc những người xung quanh mình mà đăng tin sai sự thật. Vì thế, cần đọc kỹ thông tin để có thể tỉnh táo phân biệt được đây có phải trò đùa hay không.
- Bạn có đang định kiến hay không: Khi tiếp nhận thông tin, cần đọc nhiều lần và đứng dưới góc nhìn trung lập để xem bạn có đang thiên vị/định kiến với một hoặc các đối tượng/sự vật/sự việc được đề cập trong thông tin hay không.
- Các mốc thời gian: Xem thời gian đăng tin và thời gian này có khớp với các tin liên quan từng được chia sẻ trước đó hay không cũng là một cách giúp bạn tránh được các loại tin giả mạo.
- Tác giả bài viết/thông tin: Nên ưu tiên lựa chọn bài viết hoặc các thông tin từ các tác giả đáng tin cậy.
- Hỏi ý kiến chuyên gia: Tham khảo thêm ý kiến liên quan đến thông tin đọc được từ các chuyên gia, người có chuyên môn trong lĩnh vực đang thảo luận/đang được nhắc đến trong các thông tin cũng là một cách để nhận biết đây là tin giả mạo hay tin thật.
- Đọc toàn bộ bài viết: Thay vì chỉ đọc tiêu đề được “giật tít”, cường điệu hóa và sau đó chia sẻ thông tin, bạn nên bình tĩnh đọc toàn bộ bài viết để phân tích xem thông tin được chia sẻ đã hợp lý hay chưa. Thông thường, các tin giả mạo, không đúng sự thật sẽ có những tình tiết phi logic, vô lý. Nếu phân tích cẩn thận, bạn có thể nhận ra điểm bất thường trong các thông tin này.
- Kiểm tra thông tin minh họa: Các hình ảnh, thông tin minh họa đi kèm cũng giúp bạn phần nào dễ dàng tìm hiểu xem thông tin này có trùng khớp với các thông tin mà mình đã đọc hay không, từ đó dễ dàng thoát khỏi “ma trận” tin giả đang tràn lan hiện nay.
Hãy lan tỏa những thông điệp tích cực thay vì thông tin giả mạo
Với sự phát triển của Internet hiện nay, tốc độ lan truyền của các thông tin sai sự thật ngày một nhiều hơn. Vì vậy, để không là một nạn nhân của các thông tin không đúng, tin giả mạo cũng như tránh lan truyền thông tin gây hoang mang cho nhiều người, nên thật sự tỉnh táo trước khi tiếp cận bất kỳ thông tin nào.
Bên cạnh đó, cần tránh chia sẻ các thông tin tiêu cực để ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của những người xung quanh mình. Nên chọn lọc thông tin cẩn thận, cố gắng chia sẻ những thông điệp tích cực để có thể giảm bớt sự căng thẳng, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm này.
Những thông tin giả mạo, sai sự thật ngày một nhiều hơn. Vì thế, hãy thật sự cẩn trọng với bất kỳ thông tin nào mà bạn tiếp nhận cũng như mạnh tay báo cáo tin giả đến Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) qua website: https://tingia.gov.vn/ để cùng đẩy lùi những thông tin tiêu cực trên Internet, làm trong sạch môi trường thông tin, bạn nhé!