Mẹ và Con - Bị chó dại cắn vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế, bạn cần được tiêm phòng ngừa bệnh dại ngay lập tức.

Vào mùa nắng nóng, con người thường xuyên cảm thấy khó chịu, cáu gắt. Và… trên thực tế, chó mèo cũng thế! Cứ mỗi lần vào mùa nóng, số lượng người mắc bệnh dại cho chó cắn lại tăng cao. Vậy, nếu bị chó dại cắn sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe mỗi người? Chủ nuôi chó sẽ bị phạt như thế nào nếu để chó dại cắn người? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay, bạn nhé!

bị chó cắn

Bị chó dại cắn nhưng không tiêm phòng, chắc chắn 100% tử vong

Theo bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus gây nên. Nếu không kịp thời tiêm huyết thanh kháng dại, người mắc bệnh có thể lên cơn dại và dẫn đến tử vong. Bên cạnh bị cắn, chúng ta còn có thể mắc bệnh thông qua vết cào, liếm của các con vật dại như chó, mèo, dơi, bò, cừu, lợn… do virus bệnh dại ở trong nước bọt của các con vật dại. 

Vì vậy, khi mắc bệnh dại, cần lập tức tiêm huyết thanh kháng dại để có thể trung hòa virus dại, sau đó tiếp tục tiêm thêm vắcxin để củng cố miễn dịch lâu dài về sau. Nếu đến cơ sở y tế muộn hơn, việc tiêm huyết thanh sẽ không còn tác dụng, người bị chó dại cắn vẫn có nguy cơ tử vong.

Thông thường, thời gian ủ bệnh dại sau khi bị chó dại cắn, virus vào trong cơ thể người có thể kéo dài đến 1 năm, tùy theo từng cá thể người. Có người chỉ cần 1 tuần đã phát bệnh nhưng cũng có người kéo dài từ 1-2 năm. Tuy nhiên, trung bình thời gian phát bệnh dại sau khi bị cắn sẽ rơi vào từ 1-2 tháng tùy theo số lượng virus cũng như khoảng cách từ vết thương đến thần kinh trung ương. Theo các thống kê, tỷ lệ phát bệnh dại tử vong cao nhất là ở người bị cắn vào mặt, tỷ lệ phát bệnh tử vong trung bình khi vết thương ở tay và thấp nhất khi vết thương ở chân.

Cách sơ cứu khi bị chó dại cắn

Khi vừa bị chó cắn, bạn cần lập tức dừng lại để kiểm tra vết thương của mình. Ngoài ra, cần tìm hiểu thông tin vật nuôi cũng như chủ vật nuôi xem vật nuôi đã được tiêm phòng dại trước đó hay chưa, trao đổi với chủ vật nuôi về cách xử trí, các vấn đề liên quan đến kinh phí tiêm phòng ngừa bệnh dại.

Sơ cứu khu vực vết thương bị cắn, cào

Sau khi bị chó dại cắn, bạn cần lập tức sơ cứu, xử trí vết thương theo các bước sau đây:

  • Trước tiên, rửa thật kỹ vết thương với xà phòng và nước
  • Sau đó, dùng thuốc sát trùng bôi lên vết thương để vệ sinh và làm sạch khu vực vết thương
  • Sau khi đã vệ sinh thật sạch vị trí vết thương, hãy lập tức đến ngay bệnh viện để xử lý vết thương cũng như tiêm huyết thanh kháng dại. Bạn không được chần chừ kéo dài thời gian bởi nếu bạn để quá lâu, virus dại trong nước bọt của vật nuôi sẽ theo vết thương hở di chuyển đến hệ thống thần kinh và lây sang các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là não của bạn.

chó dại cắn

Trong trường hợp vết thương nhẹ, chỉ là vết xước, bạn có thể xử trí bằng cách rửa sạch vết xước với nước ấm và xà phòng. Sau đó, dùng vải sạch đắp lên vết xước, có thể ấn nhẹ xuống để cầm máu rồi đến bệnh viện để được kiểm tra, xử lý.

Khi nào thì nên đi tiêm phòng?

Khi bị chó cắn, dù cho xác định đó là chó dại cắn hay chưa thì người bị cắn vẫn phải lập tức đến bệnh viện để tiêm phòng huyết thanh và vắc-xin nếu:

  • Bị cắn ở những khu vực nguy hiểm như bộ phận sinh dục, các chi, đầu, cổ, mặt….
  • Chó cắn có biểu hiện dại như cắm đầu cắm cổ chạy không có nguyên nhân, hoảng sợ, né tránh, chui rúc vào chỗ tối, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép…
  • Địa điểm bị cắn trong hoặc gần khu vực đang có dịch bệnh

Ngoài những trường hợp đó, người bị cắn có thể theo dõi vết thương trong 15 ngày mà không tiêm ngay, nếu:

  • Vết cắn nhẹ, không ở các vùng nguy hiểm, xa khu trung tâm thần kinh trung ương
  • Chó cắn không có dấu hiệu bị dại
  • Địa điểm tai nạn không nằm trong khu vực có dịch bệnh

tiêm phòng

Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)

Sau khi bị chó dại cắn và nghi ngờ bị bệnh dại, người bệnh cần lập tức thực hiện dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) – bao gồm một đợt tiêm vắc-xin bệnh dại mạnh và một đợt dùng immunoglobulin để tăng hiệu quả của vắc xin.

  • Dự phòng sau phơi nhiễm PEP sẽ được áp dụng kể cả nghi bạn nghi ngờ con vật cắn bị dại hoặc không tìm ra được con vật đã cắn mình
  • Nếu xác định động vật cắn không mắc bệnh dại, có thể ngừng sử dụng vaccine và immunoglobulin
  • PEP phải được áp dụng bằng phác đồ đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả
  • Phụ nữ và trẻ nhỏ vẫn có thể sử dụng PEP

Chó dại cắn người, chủ vật nuôi bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015:

  • Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
  • Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường.
  • Nếu người này và chủ súc vật đều có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
  • Nếu nạn nhân mất khả năng lao động, cần có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại bồi thường sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc nạn nhân.
  • Thậm chí, chủ sở hữu súc vật còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
  • Ngoài ra, chủ sở hữu súc vật còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do bên chủ sở hữu (bên chiếm hữu, sử dụng súc vật) và bên bị chó dại cắn thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, mức bồi thường tinh thần này không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 74,5 triệu đồng.

bị chó dại cắn

Bị chó dại cắn vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế, nếu chẳng may bị cắn, hãy ngay lập tức xử lý vết thương và đến các cơ quan y tế để được tiêm phòng ngay lập tức, bạn nhé!

Bài viết liên quan

cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất

Cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính

Mẹ và Con - Tiết kiệm tiền cho những dự định tương lai luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là giải pháp đáng tin cậy. Tuy nhiên, làm thế nào để việc tiết kiệm vừa an toàn vừa sinh lời tối ưu? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá ngay cách gửi tiền ngân hàng an toàn nhất, sinh lời cao trong bài viết dưới đây nhé.