Có lẽ bạn đã từng nghe qua tình huống một người căng thẳng bị giảm cân không kiểm soát, dẫn đến gầy gò và ốm yếu chỉ trong một thời gian ngắn. Vì sao lại có trường hợp như thế?
Liệu sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe thể chất của chúng ta khiến việc căng thẳng gây giảm cân nhanh và đột ngột? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm câu trả lời trong bài viết sau đây, bạn nhé!
Căng thẳng gây giảm cân như thế nào?
Khi trải qua các sự kiện quan trọng và có phần tiêu cực trong cuộc đời như đối diện với dịch Covid-19, bị nghỉ việc đột xuất, có người thân qua đời,.. chúng ta sẽ thường sẽ cảm thấy lo lắng, căng thẳng, sức khỏe tinh thần giảm sút. Lúc này, hầu hết mọi người đều tăng cân không kiểm soát nhưng đối với một số người, căng thẳng gây giảm cân và khiến họ trở nên gầy hơn, ốm hơn.
Để lý giải về hiện tượng căng thẳng gây giảm cân này, Tiến sĩ David H. Rosmarin – trợ lý giáo sư tâm lý học tại trường Y khoa Harvard (Harvard Medical School) cho biết: Mặc dù căng thẳng thường gây tăng cân nhưng trong một số trường hợp, bạn có thể bị giảm cân hoặc chẳng có gì thay đổi.
Khi căng thẳng, bạn sẽ ít có thời gian cho việc ăn uống dẫn đến ăn uống quoa loa, bỏ bữa. Hơn nữa, bạn cũng sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn ăn uống, chán ăn, không có cảm giác thèm ăn.
Khi một người ăn ít hơn bình thường, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ diễn ra chậm hơn. Cơ thể của bạn sẽ sử dụng lượng cơ và chất béo tích trữ để tạo ra năng lượng duy trì các hoạt động trong ngày của bạn, Đây chính là lý do căng thẳng gây giảm cân chỉ trong một thời gian ngắn.
Khi nào căng thẳng gây tăng cân?
Bạn đang gặp căng thẳng cấp tính hay mạn tính?
Hiện nay, có thể chia tình trạng căng thẳng của bạn làm hai trường hợp chính là căng thẳng cấp tính và căng thẳng mạn tính. Căng thẳng cấp tính xảy ra do một sự kiện đột ngột xuất hiện thường khiến bạn cảm thấy chán ăn, không muốn ăn bất cứ thứ gì dẫn đến giảm cân.
Ngược lại, căng thẳng mạn tính kéo dài một thời gian từ vài tháng cho đến một năm, thông thường là căng thẳng về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống và được lặp đi lặp lại, chẳng hạn như áp lực công việc, thường khiến bạn có cảm giác thèm ăn và muốn ăn nhiều hơn, từ đó tăng cân không kiểm soát.
Cách bạn giải quyết vấn đề như thế nào?
Cách bạn đối mặt với những rắc rối, áp lực hoặc sự kiện căng thẳng xảy ra trong cuộc đời của mình cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc căng thẳng gây giảm cân hay tăng cân. Nhiều người cảm thấy việc ăn uống, đặc biệt là ăn đồ ngọt có thể giải phóng những suy nghĩ tiêu cực, cảm giác tồi tệ mà họ đang đối diện. Điều này sẽ khiến họ có xu hướng dễ tăng cân hơn mỗi khi căng thẳng.
Ngược lại, một số người chọn cách đánh lạc hướng bản thân, phớt lờ cơn đói hoặc tập thể dục, tham gia các hoạt động để tạm thời quên đi những vấn đề xảy ra. Như vậy, bạn sẽ dễ giảm cân hơn sau khi đi qua giai đoạn căng thẳng này.
Chỉ số BMI của bạn có thể là yếu tố then chốt
Tuy nhiên, đây không phải toàn bộ lý do để giải thích cho tình trạng căng thẳng gây giảm cân hoặc tăng cân. Một số nghiên cứu từng thực hiện đã chỉ ra rằng, những người có chỉ số BMI cao hơn thường dễ tăng cân hơn khi căng thẳng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nhữn người có chỉ số BMI thấp thường dễ giảm cân hơn mỗi khi lo lắng, căng thẳng. Và tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân tại sao chỉ số BMI lại ảnh hưởng đến vấn đề tăng cân hay giảm cân khi căng thẳng.
Bạn có đang sử dụng thuốc?
Một số loại thuốc có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn, khiến bạn cảm thấy phấn chấn hơn, lạc quan hơn, không còn lo lắng nữa. Tuy nhiên, các loại thuốc này cũng sẽ điều chỉnh hormone trong cơ thể của bạn và có thể gây tăng cân hoặc giảm cân không mong muốn.
Có nên lo lắng khi giảm cân do căng thẳng?
Căng thẳng gây giảm cân vẫn là một việc hoàn toàn bình thường
Nếu chẳng may bạn thuộc nhóm số ít người gặp tình trạng căng thẳng gây giảm cân, bạn có nên lo lắng hoặc tìm đến bác sĩ, chuyên gia để điều trị vấn đề này hay không? Trong hầu hết các trường hợp, việc căng thẳng và giảm cân trong một thời gian ngắn không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng, đặc biệt là khi bạn chỉ giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể.
Cân nặng của chúng ta vẫn thường dao động trong một khoảng cho phép vì thế nếu bạn có giảm cân “sương sương” khi căng thẳng thì đây là một việc hoàn toàn bình thường.
Hơn nữa, nếu bạn chỉ bị căng thẳng cấp tính và có thể cải thiện tâm trạng của mình trong một thời gian ngắn, bạn cũng sẽ mau chóng lấy lại cảm giác thèm ăn và muốn ăn nhiều hơn khiến cân nặng quay lại như ban đầu.
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn đang giảm cân khi bị căng thẳng, nhưng chỉ giảm vài kg, hãy tập trung vào việc vượt qua căng thẳng và chăm sóc cơ thể của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một hoặc một vài dấu hiệu dưới đây, bạn nên cân nhắc đến các cơ sở y tế để được kiểm tra tình trạng sức khỏe của mình:
- Bạn đã giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể và vẫn đang tiếp tục giảm cân
- Việc giảm cân đang diễn ra nhanh chóng và kéo dài một cách đáng báo động.
- Bạn đang gặp các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy.
Làm thế nào để tránh giảm cân (hoặc tăng cân) do căng thẳng?
Một số giải pháp dưới đây có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng của mình ở mức ổn định, hạn chế căng thẳng gây giảm cân hoặc tăng cân không mong muốn:
- Tập thể dục: Bạn có thể chạy bộ, tập gym, tập yoga hoặc bất kỳ hoạt động nào mà bạn yêu thích, miễn sao cơ thể của bạn vẫn vận động đều đặn mỗi ngày hoặc ít nhất 3-4 ngày/tuần.
- Ngủ đủ giấc: 7-9 tiếng mỗi đêm là thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ.
- Cố gắng ăn đủ bữa: Cho dù không có cảm giác thèm ăn hay đang bận rộn với công việc, bạn cũng nên ăn đủ bữa, duy trì khẩu phần ăn như bình thường để tránh căng thẳng gây giảm cân hoặc tăng cân quá mức
- Kết nối, chia sẻ với những người xung quanh bạn: Việc kết nối, trò chuyện, chia sẻ với những người xung quanh có thể giúp bạn giải tỏa tâm trạng của mình, từ đó không còn căng thẳng mệt mỏi nữa và ăn uống ngon miệng hơn, không để căng thẳng ảnh hưởng đến cân nặng của mình.
Nhìn chung, việc căng thẳng gây giảm cân là một điều hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải quá lo lắng vì hiện tượng này. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan mà thay vào đó, hãy cố gắng tập thể dục, ăn uống điều độ và điều chỉnh tâm trạng của mình để tránh việc tăng hoặc giảm cân quá mức khi căng thẳng làm ảnh hưởng đến sức khỏe.