Tại sao phẫn nộ là một cảm xúc cần thiết?
Khi trải qua cảm xúc phẫn nộ, cơ thể chúng ta xảy ra hàng loạt thay đổi về nhịp tim, nhịp thở, và đặc biệt là lượng adrenaline tăng cao – một hormone kích thích cơ thể mạnh mẽ về cả tinh thần và thể chất.
Cảm xúc phẫn nộ bơm động lực cho tinh thần và tiếp nguyên liệu cho cơ thể để đối mặt chướng ngại, vượt qua giới hạn bản thân, liên tục nhắc nhở chúng ta lý do bắt đầu quá trình khổ luyện. Hình ảnh sĩ quan quân đội quát tháo thậm chí chửi bới cấp dưới trong những ngày đầu nhập ngũ đã chẳng còn là câu chuyện xa lạ. Mục đích của việc này là để họ chuẩn bị cả tinh thần và thể chất cho chuỗi ngày đầy gian nan và áp lực.
Rõ ràng, giá trị của phẫn nộ là không thể chối bỏ.
Đừng kiềm nén phẫn nộ
Như đã nói, rất khó để triệt tiêu và kiềm chế khi cơn nóng giận tràn ngập tâm trí và cơ thể. Thậm chí việc cố gắng phong tỏa nó lâu ngày còn gây thêm cảm giác ức chế, gia tăng tính bạo lực, dễ dẫn đến vạ miệng và động thủ.
Sigmund Freud, vị cha đẻ của “Phân tâm học” nói rằng: “Những cảm xúc bị kiềm nén sẽ không bao giờ chết. Chúng chỉ bị chôn sống và sẽ trở lại dưới những hình thù xấu xí nhất”.
Một nghiên cứu của Harvard School of Public Health và Đại học Rochester chỉ ra rằng: người cố tình kìm nén cảm xúc trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cao hơn 30% và chẩn đoán mắc các bệnh ung thư tăng 70%.
Vậy làm thế nào giải phóng phẫn nộ một cách lành mạnh?
Giải phóng cơn phẫn nộ qua hoạt động thể chất
Điều đơn giản bạn có thể làm là chuyển hóa cơn phẫn nộ thành một dạng hoạt động khác. Ta có thể áp dụng những giải pháp nghe đơn giản nhưng hiệu quả và đã được kiểm chứng như: gào thét, đánh bao cát, chạy bộ, hoặc như nút bấm xả stress từng khiến dân văn phòng thích thú.
Vậy nếu bạn không phải là người ưa thích bạo lực hoặc vận động thì sao? Hãy yên tâm bạn sẽ có một phương pháp lành mạnh mà chắc rằng bạn sẽ bất ngờ khi nghe tới.
Chuyển hóa cơn phẫn nộ thành năng lượng sáng tạo
“Điều gì làm bạn phẫn nộ, hãy viết về nó”.
Dù lúc đó thứ bạn đang viết không liên quan gì đến phẫn nộ hay tức giận thì cũng đừng ngần ngại thử sức với chủ đề đó, bởi khi bạn đã ‘tê liệt ý tưởng’ rồi thì đằng nào cũng chẳng thể bắt đầu hay viết thêm được gì. Một là bạn sẽ tạo được tiết tấu, nhịp viết để sẵn sàng chuyển lại chủ đề ban đầu; hai là rất có thể bạn sẽ hoàn thành một sản phẩm chất lượng khác.
Trong nhiều trường hợp, phẫn nộ không những không gây ảnh hưởng tiêu cực, ngược lại còn mang đến năng lượng và niềm cảm hứng cho một số tác giả trên thế giới. Nếu biết lợi dụng cảm xúc mạnh mẽ này, chúng ta sẽ luôn tràn trề năng lượng, linh hoạt và có thêm nguồn mới để khai thác sự sáng tạo.
Phẫn nộ là một cảm xúc cốt lõi và quan trọng của con người, vì thế chúng ta cần nhìn nhận nó một cách tích cực hơn, từ đó thấu hiểu và hoàn thiện bản thân. Học cách tận dụng, chuyển hóa những giá trị mà phẫn nộ mang lại, ta sẽ tràn trề năng lượng trong công việc và rèn luyện; linh hoạt trong giải tỏa stress và áp lực; đồng thời học cách sáng tạo từ những điều tưởng chừng chỉ mang đến tiêu cực.