Mẹ&Con - Hai con người khác biệt nhau gần như hoàn toàn về giới tính, thói quen, nếp sống, phong tục vùng miền… tự nhiên lại 'lắp ghép' vào thành một đôi, chung sống 24/24 suốt ngày này sang ngày khác. Hình dung chỉ bấy nhiêu thôi, bạn cũng thấy vợ chồng mới cưới là sự tập trung của vô vàn điều 'phức tạp' rồi. 14 bài học quan trọng từ những cuộc ly hôn Cảm ơn anh đã ly hôn tôi Đừng ly hôn vì điều nhỏ nhặt

Bạn có thể làm gì để hạn chế xung đột nảy sinh, để vợ chồng thuận hòa cùng nhau kể cả khi mới về chung sống? Những câu chuyện và những gợi ý này sẽ rất cần cho bạn… 

Chuyện… ở đâu cũng có!

Chuyện thứ 1: Tuấn (34 tuổi) và Mai (26 tuổi) vừa lập gia đình. Nghĩ vợ thua mình nhiều tuổi, chưa có kinh nghiệm quán xuyến tiền bạc, kinh tế gia đình, Tuấn âm thầm… tự giữ lương, cũng không nói gì cho vợ biết. Hàng tháng, anh đưa vợ đủ số tiền để có thể chợ búa, cơm nước trong nhà. Các khoản điện nước anh tự lấy hóa đơn đem đi đóng, còn lương của vợ thì anh cũng chẳng bao giờ hỏi tới với lý do “để cho cô ấy tiêu dùng”. Nghe có vẻ như anh vô cùng chu đáo với gia đình, “bao sân” hết tất cả những khoản chi phí lớn trong nhà. Vậy mà chỉ một năm sau, vợ anh hăm he đòi… ly hôn. Lý do cô đưa ra là: “Gia đình gì mà chẳng giống gia đình. Chồng thu nhập bao nhiêu, dành dụm bao nhiêu tôi cũng chẳng hề biết. Mang tiếng là ảnh lo đầy đủ mọi thứ, quan tâm gia đình, nhưng tôi thấy dường như anh ấy không tin tưởng tôi và tôi cũng chẳng biết tương lai gia đình mình ra sao, vợ chồng có dự tính gì chung cả!”.

Cẩm nang cho vợ chồng mới cưới 5

Chuyện thứ 2: Cưới được 6 tháng, anh Dũng (32 tuổi) có… “quan hệ ngoài luồng”. Chị Nga (28 tuổi) phát hiện, khóc lóc đòi chia tay. Người bạn thân của gia đình muốn nỗ lực tìm cách hàn gắn cho vợ chồng, bèn hẹn riêng để tỉ tê với người chồng hỏi nguyên do. Vò đầu bứt tóc một hồi, anh cũng thú thật: “Ai đời vợ chồng mới cưới mà cô ấy hầu như luôn né tránh chuyện chăn gối. Đụng vào là cô ấy than mệt, ôm gối ngủ. Nhiều lúc mình hưng phấn, kéo vợ lại gần thì cô ấy cứng đờ như khúc gỗ, lại tỏ vẻ miễn cưỡng đến mức bao nhiêu hứng thú của mình… tuột hết trơn. Mình có mối quan hệ bên ngoài chỉ vì nản và buồn, muốn giải tỏa những ức chế tâm lý nữa. Biết là có lỗi với cô ấy, nhưng không như vậy thì chắc mình phát khùng với cô ấy mất…”.

Chuyện thứ 3: Cưới được 8 tháng, vợ chồng anh Bảo (24 tuổi) và chị Trâm (22 tuổi) cãi nhau khoảng… 1.001 lần. Nguyên nhân là mới cưới được 3 tuần thì chị Trâm phát hiện mình… lên 2 vạch. Không hề chuẩn bị tâm lý trước, điều kiện kinh tế cũng chưa vững vàng, anh chị lập tức chới với trong hàng loạt những lo âu. Chị Trâm bực tức phân trần: “Ảnh không hề biết lo cho vợ con. Ai đời vợ mang bầu sắp sinh tới nơi mà chồng vẫn vô tư như hồi chưa cưới, đi làm về là đi nhậu với bạn bè, bỏ cả cơm nhà”. Còn với anh Bảo, những trận cãi vã lại đến từ nguyên do: “Mới cưới, chưa kịp hưởng một chút cảm giác vui vẻ bên nhau nào đã ập một cái… có con. Cô ấy thì mới ra trường đi làm, lương thử việc chỉ được 2 triệu và chưa ký hợp đồng dài hạn. Có thai nghỉ sinh thế này coi như mất việc. Tôi thì lương cũng chỉ mới xấp xỉ 4 triệu đồng. Giờ đùng một cái có con, chẳng biết làm sao mà lo cho nó. Đã vậy, đi về đến nhà là nghe cô ấy than mệt, cằn nhằn, tôi chỉ còn biết bỏ ra ngoài đi nhậu, chứ biết làm gì!”.  

Cẩm nang cho vợ chồng mới cưới 6

“Định dạng” sai lầm của vợ chồng mới cưới

Sai lầm…

Bạn nên…

Không thảo luận về tài chính: Rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới cứ… ngại ngại khi đề cập đến vấn đề này. Chồng thấy ngại vì tự nhiên mình là đàn ông mà lại đi “căn vặn” vợ làm bao nhiêu, tiền để dành thế nào. Vợ không dám hỏi vì thấy chồng cứ muốn tự quản lý tiền. Trong khi đó, những khảo sát cho thấy, nguyên nhân hàng đầu gây chiến tranh và có khả năng ly hôn giữa các cặp vợ chồng chính là chuyện… tiền nong! Nhiều người cho biết, họ không phải thật sự quan tâm đến tiền, nhưng thái độ của người bạn đời về tiền bạc khiến họ cảm thấy tổn thương, nghĩ rằng người kia không tin tưởng mình…  

Ngay trước khi cưới hoặc vừa mới cưới xong, vợ chồng bạn đã cần ngồi xuống thảo luận nghiêm túc với nhau về đề tài “nhạy cảm” này. Hãy chia sẻ thẳng thắn những khoản nợ (nếu có), thu nhập hiện tại. Sau đấy, cùng bàn bạc xem ai sẽ là người giữ nhiệm vụ tay hòm chìa khóa trong nhà, cách đóng góp và các khoản tiết kiệm cần thực hiện ra sao. Sau cùng, vợ chồng bạn hãy cùng lập nên một sổ chi tiêu trong gia đình, luôn công khai để vợ chồng dễ dàng theo dõi.

Vợ chồng bạn cũng nên để riêng một khoản để cả hai có thể tùy ý chi tiêu theo sở thích của mình, tránh tạo cảm giác bị cuộc sống gia đình “gò bó” về tiền bạc.

Xem nhẹ chuyện tình dục: Chuyện gối chăn với vợ chồng mới cưới vô cùng quan trọng, vì nó tạo nên sự gắn kết đặc biệt giữa hai con người. Khi điều tế nhị này bị trục trặc, mối quan hệ vợ chồng cũng theo đó “có vấn đề” ngay. Nhiều người cho biết họ cảm thấy rất nản lòng khi không tìm được sự hòa hợp chăn gối với người bạn đời.

Đừng xem nhẹ điều này. Hãy cởi mở chia sẻ cùng nhau, nói ra những khó khăn, “phối hợp” để có được kết quả tốt nhất. Nếu như vợ chồng bạn không tìm được “tiếng nói chung” với chuyện này, đừng ngại tìm đến các bác sĩ, chuyên gia.

Sự cởi mở, nỗ lực của cả hai bên sẽ khiến cho vợ chồng bạn dù còn trục trặc cũng cảm thấy hạnh phúc và gắn bó với người kia hơn hẳn.

Vội vã có con: Vợ chồng nào mới cưới cũng mong tình yêu của mình “đơm hoa kết quả”. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khi có con là bạn đã bước sang một chặng đường hoàn toàn khác, không thể giống như thời điểm vợ chồng son được. Nếu chưa có sự chuẩn bị nghiêm túc về tài chính, tinh thần cho việc này, có con đột ngột ngoài ý muốn thì vợ chồng bạn rất dễ gặp phải những xung đột (vì cả hai đều chưa kịp thích nghi với vai trò “làm cha, làm mẹ” mới của mình. Việc thiếu hụt tiền bạc, lo lắng vì chưa có việc làm, chỗ ở ổn định mà đã có con cũng khiến cho những đôi vợ chồng sớm “vỡ mộng”, thấy cuộc sống hôn nhân không còn “thiên đường” như mình tưởng tượng.

Nếu vợ chồng bạn đã lớn tuổi hoặc muốn có con ngay sau khi cưới, hãy kiểm soát lại xem mình đã chuẩn bị cho điều đó như thế nào. Ngược lại, nếu vợ chồng bạn còn rất trẻ, cảm thấy có nhiều thứ chưa ổn định cho việc có con thì… đừng vội! Việc có thêm 1-2 năm chuẩn bị khi vợ chồng đều dưới 25 tuổi chẳng có gì là “quá” cả. Trong trường hợp đó, nên có biện pháp phòng tránh thai đúng cách, để vợ chồng có thể kéo dài thêm một chút khoảng thời gian “vợ chồng son”.

Tưởng tượng mà xem, bạn sẽ có thêm 1 năm dành trọn cho nhau, không phải thức dậy lúc 4 giờ sáng để pha sữa cho con, thay vào đó được nằm tận hưởng cảm giác thú vị bên cạnh người bạn đời của mình. Vợ chồng bạn cũng có thể tranh thủ có những chuyến đi chơi mà cả hai mong ước. (Bởi lẽ có con rồi thì sẽ khá lâu sau đó, vợ chồng bạn mới có thể thực hiện được những ước mơ này).

Đánh mất bản thân: Trước khi có chồng, bạn rất thích một số thứ abc gì đấy. Sau khi có chồng, bạn lập tức vứt hết tất cả những gì mình thật sự thích, thay vào đó là tập thích những thứ… giống như chồng. Thoạt đầu, điều này có vẻ rất ổn. Nhưng sau đó, bạn dần cảm thấy bực bội, khó chịu, ức chế, cảm thấy “mất vui” với cuộc sống gia đình. Dễ hiểu thôi, bạn có thấy ai hạnh phúc khi đánh mất bản thân mình chưa?

“Hòa hợp chứ không hòa tan”, câu này rất đúng cho những cặp vợ chồng mới cưới. Bạn cần điều chỉnh và thích nghi với những sở thích của người bạn đời. Song điều đó không có nghĩa là bạn nên thay đổi hoàn toàn bản thân mình. Hãy dành cho chính mình một khoảng thời gian trống trong ngày để được sống với những sở thích cá nhân. Nhớ là, người bạn đời yêu bạn vì con người “cũ” của bạn, với những tính cách và sự hấp dẫn riêng, chứ không phải bằng “hình mẫu” mà bạn đang nỗ lực thay đổi trong lúc này.

Tags:

Bài viết liên quan