Sự việc vừa mới xảy ra vào ngày 16/11 tại trường mầm non Hương Lung (xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ). Theo đó, có khoảng 100 bé được bố mẹ đưa vào bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, nôn ói. Sau khi được các bác sĩ và nhân viên y tế tích cực điều trị, hiện tại sức khỏe của các bé đã dần ổn định.
Các bé đều có chung biểu hiện sau giờ ăn trưa tại trường.
Qua quá trình điều trị, các bác sĩ cho biết, nguyên nhân có thể là do trẻ bị ngộ độc thực phẩm vì các bé đều có cùng một triệu chứng sau khi ăn trưa tại trường.
Từ trước tới nay, không riêng gì sự việc xảy ra ở Phú Thọ mà đã từng xảy ra nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại trường ở một số địa phương khác. Vậy nếu không may xảy ra trường hợp tương tự, bố mẹ và cả người thường xuyên chăm trẻ phải làm gì?
– Khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không cho trẻ ăn món đó.
– Chú ý những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều bé ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
– Bổ sung oresol cho trẻ: Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, trước khi cho trẻ bổ sung oresol, bố mẹ cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
– Ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt (hoặc khoai tây, bí đỏ và một ít chuối xanh). Đây là những loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp em bé đi ngoài phân đặc hơn, tình trạng mất nước đỡ trầm trọng hơn.
– Không dùng thuốc cầm tiêu chảy: Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thức ăn, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần nguồn thức ăn này được tống hết ra ngoài là bệnh sẽ khỏi. Tất cả các loại thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định bác sĩ bởi có thể làm cho bệnh nặng thêm.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Bố mẹ nên chọn thực phẩm đảm bảo an toàn khi chế biến đồ ăn cho con. (Ảnh minh họa)
Cách phòng tránh trẻ bị ngộ độc thực phẩm tốt nhất là nên cho bé ăn chín, uống sôi. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh, nhưng không nên để quá 2 giờ. Hâm nóng kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ và người chăm sóc rửa tay cho trẻ trước khi ăn.